Cần rào cản kỹ thuật với thầu ngoại

Trao đổi với ĐTTC quanh câu chuyện về các nhà thầu, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Dương Văn Cận, nhấn mạnh: “Công bằng mà nói nhà thầu Việt còn rất nhiều vấn đề, nhưng thầu ngoại kém năng lực cũng không phải ít. Hàng loạt dự án nhà thầu ngoại trúng thầu do bỏ thầu thấp bị chậm tiến độ, chất lượng kém, cho thấy thực trạng đáng buồn này. Đã đến lúc cần có sự sàng lọc bằng một hàng rào kỹ thuật đối với các nhà thầu”.

Trao đổi với ĐTTC quanh câu chuyện về các nhà thầu, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Dương Văn Cận, nhấn mạnh: “Công bằng mà nói nhà thầu Việt còn rất nhiều vấn đề, nhưng thầu ngoại kém năng lực cũng không phải ít. Hàng loạt dự án nhà thầu ngoại trúng thầu do bỏ thầu thấp bị chậm tiến độ, chất lượng kém, cho thấy thực trạng đáng buồn này. Đã đến lúc cần có sự sàng lọc bằng một hàng rào kỹ thuật đối với các nhà thầu”.

Ban biên tập báo SGGP tại lễ khởi công tòa nhà văn hóa-nghiệp vụ của báo SGGP, chọn Hòa Bình Corporation-một trong 2 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia- làm nhà thầu.

Ban biên tập báo SGGP tại lễ khởi công tòa nhà văn hóa-nghiệp vụ của báo SGGP,
chọn Hòa Bình Corporation-một trong 2 doanh nghiệp đạt
thương hiệu quốc gia- làm nhà thầu.

-PHÓNG VIÊN: - Khó khăn, đói vốn, bị loại ngay trên sân nhà. Ông nhận xét như thế nào về thực trạng này của nhà thầu Việt?

Ông DƯƠNG VĂN CẬN: - Với tình hình hiện nay có thể thấy rõ một viễn cảnh rất xấu là các nhà thầu sẽ không có công ăn việc làm. Đa phần các nhà thầu Việt Nam hiện nay đang thực hiện 30-40% phần sản lượng, đây là mức thấp nhất để cầm cự.

Nhưng một doanh nghiệp mà chỉ thực hiện được 30% sản lượng coi như “chết” rồi. Mặc dù chưa doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản nhưng tình trạng “chết lâm sàng” hay mấp mé phá sản, ngừng thi công rất nhiều. Nếu Nhà nước không có chính sách để mở ra cho các nhà thầu nội tình hình sẽ càng khó khăn.

Hiện nay, nhiều công ty xây dựng chỉ giữ lại công nhân kỹ thuật và giải tán những lao động thời vụ, cắt giảm nhân công. Vừa rồi Nhà nước có hé mở một dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, nhìn chung vẫn chỉ là “muối bỏ bể”, không thể kích được cả ngành xây dựng đang đói vốn nghiêm trọng. Các nhà thầu xây dựng cũng ở trong tình trạng “ngắc ngoải” này.

- Thua trên sân nhà do nhà thầu Trung Quốc bỏ vốn quá thấp và sự bất công từ các chủ đầu tư. Phải chăng chính bản thân nhà thầu Việt chưa ý thức rõ vị trí của mình để nắm lấy các cơ hội?

- Đúng là các nhà thầu Việt phải xem lại năng lực điều hành của mình. Thực tế cho thấy năng lực nhiều doanh nghiệp trong nước yếu, vốn ít, bảo hành sau dự án cũng chưa chu toàn. Nhiều nhà thầu nội làm việc không có bài bản, luộm thuộm, mất uy tín.

Đã có những chuyên gia nước ngoài nhận xét chỉ cần nhìn công trường là có thể biết ngay nhà thầu Việt đang thi công. Số lượng nhà thầu Việt đảm bảo được thi công cũng nhiều nhưng số bị kêu ca cũng không ít.

Theo tôi điều này bản thân các nhà thầu phải xem xét lại. Bên cạnh đó, các nhà thầu hiện nay không tập trung, dàn trải, manh mún, không có những doanh nghiệp thật mạnh, có thương hiệu nổi bật nên sức cạnh tranh yếu.

Tuy nhiên, công bằng mà nói nhà thầu Việt đang bị lép vế do chính bản thân chủ đầu tư. Rất nhiều dự án nhà thầu không muốn làm nữa vì chủ đầu tư không chịu rót vốn. Bản thân nhiều chủ đầu tư chọn nhà thầu không tốt.

Thí dụ khâu kiểm tra năng lực nhà thầu làm qua loa cho xong, chưa kể đấu thầu hình thức, đấu thầu dởm, “quân xanh quân đỏ”. Hơn nữa, trong cơ chế đấu thầu của chúng ta luôn đặt tiêu chí cào bằng.

Như yêu cầu lắp một máy điều hòa, chúng ta lấy tiêu chuẩn nhiệt độ là bao nhiêu, thời gian làm lạnh là bao nhiêu. Với những tiêu chí đó, rõ ràng các thiết bị của Trung Quốc đều dễ đạt, cộng thêm giá rẻ nên họ thắng là tất nhiên.

- Ngoài việc sửa nhiều điểm bất cập trong Luật Đấu thầu, theo ông cần phải làm gì để tăng sức “đề kháng” cho nhà thầu Việt?

- Không phải Luật Đấu thầu sửa đổi giúp nhà thầu sẽ mạnh lên. Theo tôi cứ thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Đấu thầu hiện hành cũng tốt lắm rồi, bởi một số vướng mắc đã được sửa. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu rất ít nội dung về chế tài để xử phạt các nhà thầu hoặc chủ đầu tư vi phạm.

Ngoài ra còn một số điểm khác như lãi vay, giá thầu thấp, cào bằng trong đánh giá kỹ thuật… cần phải sửa đổi. Câu chuyện con người cũng cần được nói lại ở đây. Đấu thầu là để minh bạch, công khai nhưng nhiều lúc đã được thỏa thuận “ngầm” trước.

Ngoài vấn đề vốn, Nhà nước có thể trợ giúp doanh nghiệp bằng cách lập ra các hàng rào về kỹ thuật. Bài học về kính xây dựng đứng trước nguy cơ “chết” do kính giá rẻ Trung Quốc tràn vào. Để cứu kính nội, Bộ Xây dựng đã ban hành một hàng rào kỹ thuật để kiểm định chất lượng, hạn chế nhập những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Đối với các nhà thầu cũng vậy.

Đã đến lúc cần có hàng rào kỹ thuật để lọc lấy những nhà thầu tốt, có năng lực thay vì cứ bỏ thầu thấp là trúng rồi nhận lại công trình chậm tiến độ, kém chất lượng.

Cần hiểu rằng không bao giờ nhà thầu nước ngoài có uy tín, có năng lực lại chấp nhận giá thấp. Thực tế sự chậm tiến độ của hàng loạt nhà máy nhiệt điện đã cho thấy điều đó.

- Vậy đây có là cơ hội để chúng ta sàng lọc những nhà thầu mạnh thực sự và loại bỏ những nhà thầu làm ăn chắp vá, kém hiệu quả?

- Tôi nghĩ đây là bài toán mà quy luật thị trường sẽ giải. Phá sản, sáp nhập, mạnh lên, yếu đi… còn phụ thuộc vào cách doanh nghiệp ứng xử với thị trường.

Tất nhiên, những doanh nghiệp làm ăn không căn cơ, chắp vá chắc chắn sẽ tự tước mất cơ hội và loại mình ra khỏi thị trường. Cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh lên do sáp nhập hoặc cơ cấu lại để tăng sức cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác