Trung Quốc trước làn sóng “đen”

Bài 1: Mỗi tỉnh là một Hy Lạp

Bài 1: Mỗi tỉnh là một Hy Lạp

Thời gian qua, mọi chú ý trên thế giới dường như tập trung vào tình hình nợ công châu Âu, trong khi một “con voi trong phòng” không ai để ý, đó là Trung Quốc. Liên tiếp trong vòng vài tháng trở lại đây, nhiều nhà phân tích đã đưa ra những dự báo không sáng sủa về tương lai của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Một trong những nhân vật truyền hình nổi tiếng ở Trung Quốc, Larry Lang - GS. Tài chính Đại học Chinese University of Hong Kong - nói trong một bài giảng “kín”, rằng Chính phủ Trung Quốc đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng và đang ở trên bờ vực phá sản. Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh là một Hy Lạp.

5 sự thật

Bài giảng kín diễn ra hôm 22-10 ở thành phố Shenyang, phía Bắc tỉnh Liêu Ninh, không có thu âm hay quay phim. Bên trong căn phòng đóng kín, GS. Lang đưa ra những phân tích thẳng thắn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Nhận định Chính phủ Trung Quốc sắp phá sản của GS. Lang dựa trên 5 ước đoán: Thứ nhất chính phủ nước này đang ngồi trên núi nợ khoảng 36.000 tỷ NDT (5.680 tỷ USD). Con số này được tính ra bằng cách cộng khoản nợ của các chính quyền địa phương (từ 16.000-19.500 tỷ NDT) và khoản nợ các công ty nhà nước (khoảng 16.000 tỷ NDT).

GS. Larry Lang

GS. Larry Lang

Với lãi suất phải trả của số nợ này là 2.000 tỷ NDT/năm, mọi thứ sẽ tồi tệ một cách nhanh chóng.

Thứ hai, con số lạm phát 6,2% Chính phủ Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không chính xác. Con số thật phải là 16%.

Thứ ba, có một sự thổi phồng quá lớn về năng suất của nền kinh tế. Bắt đầu từ tháng 7, chỉ số quản lý cung ứng (PMI) - dùng để đo hoạt động của ngành sản xuất - rơi xuống mức thấp kỷ lục 50,7 điểm, đã cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tiến đến suy thoái.

Thứ tư, tăng trưởng GDP 9% mà Chính phủ Trung Quốc công bố cũng là số liệu giả. Theo dữ liệu của ông, GDP của Trung Quốc đã giảm 10%. Các con số bị thổi phồng đến từ các khoản tăng kịch tính trong xây dựng hạ tầng, bao gồm phát triển địa ốc, đường ray và đường cao tốc mỗi năm (chiếm tới 70% GDP năm 2010).

Thứ năm, thuế ở Trung Quốc quá cao. Năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu thuế (gián tiếp và trực tiếp) lên đến 70% doanh thu, trong khi thuế cá nhân là 51,6%. Một khi “sóng thần kinh tế” trỗi dậy, chính quyền sẽ mất tín nhiệm và Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới”.

Tán thành

Một số nhà bình luận ủng hộ các phân tích của GS. Lang. như GS. Frank Xie của Đại học University of South Carolina cho rằng nhận định Trung Quốc sắp phá sản không hề quá, vì những dự án xây dựng khổng lồ đã thổi phồng GDP của Trung Quốc. “Trên bề mặt, đó là một con số lớn, nhưng lạm phát còn cao hơn.

Vì vậy, trong thực tế nền kinh tế Trung Quốc đã ở trong suy thoái” - GS. Xie nói và thêm rằng không nên dựa vào những con số do Chính phủ Trung Quốc đưa ra.

Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng thừa nhận rằng ông không tin vào các con số do các quan chức cấp dưới đưa ra.

Cheng Xiaonong, nhà kinh tế cao cấp và là cố vấn của cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nói “mô hình Trung Quốc” được ca tụng thường dựa trên những dự án xây dựng và dự trữ ngoại tệ khổng lồ.

“Người ta ít để ý đến những điều như các quyền cơ bản của người dân có được bảo đảm, hay mức sống của họ có được cải thiện. Đằng sau sự lãnh đạo thoạt nhìn tưởng hiệu quả ở Trung Quốc là đầy rẫy lãng phí và tham nhũng. Rất ít ngân sách được chi tiêu cho giáo dục, phúc lợi và y tế...” - Cheng nói.

Ông cũng cho rằng trong thập niên qua, các cấp chính quyền Trung Quốc thịnh vượng chủ yếu nhờ bất động sản, khi mua đất thành thị và ngoại ô với giá rẻ, sau đó bán lại với giá cao.  

(còn tiếp)

Các tin khác