Lũng đoạn thị trường vàng?

Trong Dự thảo Nghị định quản lý vàng trình Chính phủ, NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm thu hẹp hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Điều này đồng nghĩa chỉ còn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị duy nhất đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Liệu chủ trương này có giúp NHNN quản lý được thị trường, hạn chế đầu cơ vàng? Điều này trước mắt đã ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và gây méo mó thị trường vàng.

Trong Dự thảo Nghị định quản lý vàng trình Chính phủ, NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm thu hẹp hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Điều này đồng nghĩa chỉ còn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị duy nhất đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Liệu chủ trương này có giúp NHNN quản lý được thị trường, hạn chế đầu cơ vàng? Điều này trước mắt đã ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và gây méo mó thị trường vàng.

Biến tướng vàng miếng

Lũng đoạn thị trường vàng? ảnh 1

Mặc dù đầu tuần này NHNN trấn an bằng việc tuyên bố vàng miếng của tất cả thương hiệu được NHNN cấp phép trong nhiều năm qua vẫn được lưu thông bình thường. Nhưng trên thị trường người dân vẫn bán tống bán tháo các thương hiệu vàng khác và ồ ạt mua vàng SJC khi giá vàng thế giới giảm nhanh. Tình trạng hai giá vẫn diễn ra và đến nay giá vàng SJC vẫn chênh lệch cao hơn giá các thương hiệu khác.

Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho rằng dù NHNN công bố các thương hiệu vàng khác vẫn được lưu thông, nhưng trong dự thảo gần như không cho sản xuất thì các giao dịch mua bán vẫn xảy ra bởi người cất giữ lo về tương lai.

Vì vậy, giá vàng các thương hiệu khác sẽ tự mất giá. Đó là chưa kể các NHTM sẽ chỉ nhận giữ hộ hoặc gửi tiết kiệm bằng vàng SJC còn tạo thêm áp lực các thương hiệu khác.

Nghị định quản lý vàng chưa ban hành và còn nhiều ý kiến khác nhau mổ xẻ điểm lợi, hại nhưng có thể thấy thông tin thu hẹp sản xuất vàng miếng chưa giúp ổn định thị trường vàng, chưa làm giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế bao nhiêu. Trước mắt người dân bị thiệt thòi vì trước đây phải mua vàng với giá cao giờ lại bán với giá thấp.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh vàng Việt Nam, việc cất trữ vàng đã trở thành thói quen lâu nay của người dân, không thể thay đổi một sớm một chiều. Việc thu hẹp đầu ra của vàng miếng khiến người dân có nhu cầu tích trữ vàng sẽ mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng, hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng.

Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời làm thiệt thòi cho người dân do chất lượng sản phẩm khó kiểm soát.

Thực tế, hiện nay một số thương hiệu vàng ít tuổi đang âm thầm tái chế vàng miếng thu mua lại của dân đểø sản xuất ra loại đồng tiền vàng mới, hình thức giống vàng miếng dưới dạng đồ lưu niệm, trang sức, logo, quà tặng… chuẩn bị tung ra thị trường Tết.

Bởi nếu cấm sản xuất vàng miếng, các công ty đã đầu tư hàng triệu USD vào máy móc thiết bị chế tác sản xuất vàng tất yếu sẽ chuyển sang sản xuất vàng nữ trang và vàng miếng biến tướng dưới nhiều dạng. Không loại trừ khả năng những thương hiệu vàng ít tên tuổi sẵn sàng dập vàng miếng giả thương hiệu SJC để tuồn ra thị trường.

Điều này đã xảy ra khi mới đây Công an TPHCM phát hiện vàng làm giả thương hiệu SJC nhưng chưa phát hiện được tổ chức làm giả.

Thương hiệu vàng phải là thương hiệu quốc gia

Việc sản xuất vàng miếng nếu chỉ có SJC và thị trường chỉ có thương hiệu này, dù không quy định điều kiện được phép kinh doanh vàng miếng cũng có thể hạn chế được nguồn cung vàng miếng. Nhưng quy định về vốn, mạng lưới được phép kinh doanh vàng miếng theo dự thảo Nghị định sẽ làm tăng sự liên kết làm giá một cách dễ dàng hơn, khi số lượng đối tượng được phép giảm. Chưa kể người dân mua vàng miếng không được sẽ mua vàng nữ trang, trong khi hiện nay chưa có tổ chức nào huy động vàng nữ trang. Như vậy, quy định này càng làm khó cho người dân và nền kinh tế.

TS. LÊ ĐẠT CHÍ,
Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, nếu đã chấp nhận cho người dân coi vàng là tài sản và NHNN cần huy động nguồn tài nguyên này để phục vụ lợi ích đất nước, phải tạo tính thanh khoản cho vàng. Nếu chính sách không nhất quán, tạo cơ chế xin - cho sẽ làm người dân lo ngại.

"Nếu độc quyền kinh doanh vàng thì đó là Nhà nước. Theo đó, chỉ có NHNN bán 1 loại vàng của quốc gia. Những đơn vị kinh doanh vàng có máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu sẽ được NHNN thuê gia công vàng cho Nhà nước. Tuy nhiên, vàng miếng nước ta hiện nay không phải là vàng quốc tế, chỉ để trao đổi mua bán trong nước, còn vàng của Nhà nước phải là vàng kg, vàng thỏi được quốc tế công nhận và có thể giao dịch trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, cần kết nối với các tổ chức ở nước ngoài để họ công nhận đơn vị kinh doanh vàng trong nước nào đủ tiêu chuẩn dập vàng theo chuẩn quốc tế, NHNN cho phép đơn vị đó gia công. Còn vấn đề thị phần hiện nay không có ý nghĩa. Thị phần lớn không có nghĩa chất lượng vàng miếng tốt…” - ông Hải phân tích.

Ông Lê Đạt Chí cho rằng mô hình trên thế giới theo kiểu một quốc gia có tổng kho vàng, tất cả vàng miếng lưu trữ trong đó trực thuộc Ngân hàng Trung ương (NHTW) quản lý. Ngoài ra, NHTW còn quản lý thêm xưởng chế tác vàng, đây là nơi chuyên dập vàng thỏi ra vàng miếng hoặc vàng miếng ra vàng thỏi.

Các đơn vị kinh doanh còn lại chỉ sản xuất vàng nữ trang, không được sản xuất vàng miếng. Nếu muốn có vàng miếng để bán, chính đơn vị kinh doanh phải đặt hàng cho đơn vị chế tác theo hạn ngạch.

Vì vậy, ở nước ta nếu tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng thì được, còn sản xuất vàng miếng nên chỉ là một đơn vị trực thuộc NHNN quản lý và kiểm soát.

NHNN vừa thành lập tổ xây dựng đề án huy động nguồn lực vàng trong dân. Theo các chuyên gia, đây là việc nên làm trong bối cảnh nhu cầu cất trữ vàng trong dân còn lớn.

Quản lý thị trường vàng không thể chỉ nhìn từ lợi ích của người dân mà còn phải xuất phát từ lợi ích và thể diện quốc gia, lợi ích kinh tế và thể diện chủ quyền thông qua đồng tiền Việt Nam.

Nhưng nếu chính sách quản lý không hợp lý, tạo sự độc quyền, tất yếu sẽ xảy ra lũng đoạn thị trường vàng, khi đó tác dụng ngược càng tạo nên tâm lý cất trữ vàng trong dân, ảnh hưởng đến mục tiêu chính của NHNN là giữ vững giá trị nội tệ và chống lạm phát.

Theo nguồn tin mới nhất, căn cứ kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng đã ký các quyết định xử phạt hành chính đối với Trường Đại học FPT, Công ty TNHH thương mại và chế tác vàng Ngọc Long, Doanh nghiệp tư nhân vàng Mỹ Phương, do vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Cụ thể: Công ty Ngọc Long (địa chỉ số 522, phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa) bị phạt 100 triệu đồng và tịch thu số ngoại tệ 12.195USD; ông Trần Thắng, Giám đốc công ty bán số ngoại tệ 10.000USD cho một TCTD được phép kinh doanh ngoại tệ, là số ngoại tệ do công ty tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an.

Trường Đại học FPT (địa chỉ tại tòa nhà Detech, số 8 Tôn Thất Thuyết, huyện Từ Liêm) bị phạt 500 triệu đồng; Trường Đại học FPT không được niêm yết, thông báo, quảng cáo học phí các khóa học bằng ngoại tệ dưới mọi hình thức.

Doanh nghiệp Vàng Mỹ Phương (địa chỉ tầng 1, số 289, phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa) bị phạt 50 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chủ doanh nghiệp bán lại số ngoại tệ 1.000 USD đang bị tạm giữ cho một NHTM. 

Các tin khác