Chiến lược mới cho xuất khẩu

Xuất khẩu đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2011 khi kết thúc 10 tháng đã tăng trưởng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào dài hạn, vẫn cần có những giải pháp mang tính đột phá để thực hiện mô hình “xuất khẩu là chủ đạo” trong tăng trưởng kinh tế 10 năm tới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn mới 2011-2020.

Xuất khẩu đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2011 khi kết thúc 10 tháng đã tăng trưởng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào dài hạn, vẫn cần có những giải pháp mang tính đột phá để thực hiện mô hình “xuất khẩu là chủ đạo” trong tăng trưởng kinh tế 10 năm tới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn mới 2011-2020.

Tăng trưởng nhưng quy mô nhỏ

Định hướng chính sách hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 10 năm tới. Vì vậy, kế hoạch chiến lược cần được thảo luận, thống nhất cao của các cấp, ngành liên quan. Cần làm rõ thực trạng quản lý xuất nhập khẩu hiện nay, nhất là hiện trạng các ngành hàng xuất khẩu, cơ cấu nhập siêu… Từ đó, đưa ra được định hướng chung như việc chủ động điều chỉnh mô hình tăng trưởng xuất khẩu để bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, phát triển xuất khẩu bền vững.

Ông HOÀNG TRUNG HẢI,
Phó Thủ tướng Chính phủ 

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 10 năm qua (2001-2010), tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt mục tiêu chiến lược với mức tăng bình quân 17,42%/năm (chỉ tiêu 15%/năm) và cao gấp 2,4 lần nhịp độ tăng GDP.

Từ 4 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD năm 2001, đến nay đã phát triển lên 18 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và thực hiện thành công một số khâu đột phá tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng mới.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa ngày càng được mở rộng và đa dạng từ 160 thị trường lên 232 thị trường. Bước đầu đã xác lập được một số thị trường đối tác hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược.

Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, đáp ứng được nhu cầu nguyên-nhiên-vật liệu, máy móc, thiết bị và hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của dân cư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình hình xuất nhập khẩu thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Đó là quy mô xuất khẩu còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu chưa cao.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chậm và chưa thực sự hợp lý. Tỷ lệ nhập siêu còn cao và chất lượng tăng trưởng nhập khẩu thấp. Năm 2007, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu xấp xỉ 29,2%, năm 2008 giảm xuống còn 28,8%, năm 2009 là 22,5% và năm 2010 nhập siêu còn 17,5%...

Phải cải thiện chất lượng hàng hóa

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng một khía cạnh quan trọng cần xem xét là cấu trúc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu dường như không có bước đột phá trong giai đoạn 2001-2010.

Xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng nông sản và các mặt hàng sử dụng nhiều nhân công trong quá trình sản xuất.

Để đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2011-2020, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cần có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm và giảm tiêu dùng, có thể áp dụng các biện pháp hành chính, hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập hàng tiêu dùng xa xỉ.

Trong đó, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần tập trung vào những đối tác nhiều tiềm năng, dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư vào công nghiệp chế biến, tạo thêm năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới.

Thủ công mỹ nghệ là 1 trong 8 mặt hàng có lợi thế xuất khẩu. Ảnh: L. ANH

Thủ công mỹ nghệ là 1 trong 8 mặt hàng
có lợi thế xuất khẩu. Ảnh: L. ANH

Ngoài ra, cần tập trung đầu tư mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, cụ thể ở đây là 8 mặt hàng (sản phẩm nhựa, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử - điện lạnh và linh kiện, dây điện và cáp điện, cơ khí, vật liệu xây dựng) đã đạt tốc độ tăng xuất khẩu bình quân cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn 2006-2010 và đều có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Một số mặt hàng có tiềm năng như nông - lâm - thủy sản... cũng phải đi theo hướng nâng cao giá trị, hạn chế việc xuất khẩu thô và nguyên liệu như hiện nay.

Đại diện cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chiến lược mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, khẳng định thay đổi cơ cấu đầu tư, cải thiện chất lượng hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề mấu chốt để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.

Do vậy, trong giai đoạn 2011-2020, cần phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi hàng rào kỹ thuật của các nước đối tác FTA và nhiều nước trong WTO áp dụng đã cao hơn hẳn so với Việt Nam.

Hàng Việt Nam không vào được các thị trường đó không phải chỉ do thuế cao mà do yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa của các nước này quá cao, nhiều doanh nghiệp nước ta chưa đáp ứng được.

Chiến lược xuất nhập khẩu mới sẽ tập trung vào nhiều nội dung, bao gồm cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, phát triển khai thác những thị trường tiềm năng như châu Phi, Mỹ Latin; thị trường truyền thống như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu khác cũng như đa dạng hóa các thị trường.

Đồng thời, sẽ có những biện pháp hết sức cụ thể khắc phục nhập siêu đối với từng đối tác, từng thị trường và mặt hàng.

Các tin khác