Còn bao nhiêu SME?

Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư đặt ra sau vụ việc CTCK SME (SME) mất thanh khoản nhưng để có câu trả lời thỏa đáng lại không đơn giản.

Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư đặt ra sau vụ việc CTCK SME (SME) mất thanh khoản nhưng để có câu trả lời thỏa đáng lại không đơn giản.

Bom nổ chậm

Một chuyên gia tài chính phân tích: Ngoại trừ những CTCK lớn, CTCK có ngân hàng đứng sau “đỡ”, còn lại CTCK nào có khoản phải thu lớn cũng như vay nợ nhiều nên nguy cơ mất thanh khoản có thể đến bất cứ lúc nào.

Nhưng theo một số người thạo tin trên thị trường, không dễ để “điểm danh” cụ thể những cái tên nào có vấn đề về thanh khoản mà chỉ biết suy đoán thông qua một số dấu hiệu. Chẳng hạn, khi khách hàng yêu cầu rút tiền, CTCK không thể đáp ứng ngay và viện dẫn một số lý do nghe rất hợp lý như lỗi hệ thống, lỗi kết nối ngân hàng.

Hoạt động tại CTCK SME . Ảnh: LÃ ANH

Hoạt động tại CTCK SME . Ảnh: LÃ ANH

Một số nguồn tin ĐTTC nắm được, thời gian gần đây CTCK T. có trụ sở tại Hà Nội cũng rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản. Một CTCK trước đây vẫn thường cho CTCK T. vay tín chấp để thanh toán bù trừ hiện nay đã “cắt” không cho vay nữa.

Trong khi đó, tại chi nhánh TPHCM của CTCK T. những ngày qua khách hàng sau khi bán đã không còn được ứng tiền trước mà phải chờ đến ngày T+3 tiền mới về. Việc vay tiền ứng trước được thực hiện giữa nhà đầu tư và ngân hàng đối tác của CTCK chứ không phải với CTCK.

Trường hợp ngân hàng không cho vay ứng trước, nhiều người sẽ đặt câu hỏi phải chăng CTCK “có chuyện” nên ngân hàng mới ngừng cung cấp dịch vụ?

Một điều cũng cần nói ở đây là khi thông tin về SME gặp vấn đề về thanh khoản xuất hiện trên mặt báo, lập tức lãnh đạo của công ty lên tiếng bào chữa và đổ thừa rằng do lỗi nghiệp vụ đã gây nhiễu trong suy nghĩ của nhà đầu tư. Rốt cuộc SME có gặp vấn đề về thanh khoản hay không? Nặng hay nhẹ?

Nhà đầu tư cần một câu trả lời mạnh mẽ hơn nữa phía cơ quan quản lý. Và nên chăng cũng phải công khai những CTCK đang ở tình trạng nguy cấp? Một CTCK mất thanh khoản, cũng chỉ nợ ngân hàng và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, nếu một biến cố nào đó xảy ra, sự ảnh hưởng cũng chỉ nằm ở những đơn vị này.

Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý lại rất khó đoán định. Bởi lẽ một số ngân hàng cũng cho CTCK vay, nhìn vào trường hợp này, có thể đòi nợ mạnh hơn nữa, hoặc nhà đầu tư lo lắng có thể đến CTCK rút tiền. Và lúc này hệ quả rất khó lường.

Tìm “kíp nổ”

CTCK ít khi nào dùng vốn tự có cấp đòn bẩy tài chính (margin) cho khách hàng mà sử dụng vốn vay ngân hàng. Vốn tự có từ phát hành, tăng vốn, CTCK thường đổ vào tự doanh. Nếu rơi vào giai đoạn lãi suất liên tục biến động, CTCK không kịp điều chỉnh lãi suất margin tương ứng với lãi suất vay ngân hàng, chắc chắn sẽ bị lỗ từ hoạt động này.

Khi thị trường sụt giảm, áp lực giải chấp xuất hiện, sẽ nảy sinh nhiều tài khoản được cấp margin sụt giảm, âm cả vào vốn của CTCK nhưng lại không thể đóng tiền để đảm bảo hạn mức, hay chí ít là bù lỗ cho CTCK. Lúc này, nếu ngân hàng thúc ép trả nợ, CTCK sẽ lấy tiền từ đâu?

CTCK có thể bán ra các khoản tự doanh của mình để xoay tiền trả cho ngân hàng. Nhưng trong trường hợp tự doanh lỗ quá nặng, bán ra sẽ phải hạch toán lỗ, CTCK có thể tìm chiêu khác và đó chính là việc lấy tiền khách hàng đi trả nợ.

Hiện tại, đối với những CTCK không tách bạch tài khoản của khách hàng, việc trục lợi cũng không có gì khó khăn. Một người đã từng làm ở những vị trí cao cấp nhất trong mảng môi giới khẳng định CTCK thiếu tiền là chuyện của họ, có thể do một số khách hàng mà họ không thể thu hồi được nợ.

Nhưng với những khách hàng bình thường muốn rút tiền ngay, CTCK phải đáp ứng. Bởi nếu không khách hàng không rút được tiền, nhiều khả năng họ sẽ cho rằng CTCK đã lấy tiền của mình bù đắp cho những hao hụt của công ty.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu của CTCK được xem là căn nguyên của vấn đề thanh khoản của CTCK. Một số ý kiến cho rằng căn cứ vào tỷ lệ vay nợ/vốn, hoặc phải thu/vốn là có thể khoanh vùng CTCK có vấn đề về thanh khoản hay không.

Nhưng thực tế, các tỷ lệ nêu trên nằm ở mức bao nhiêu %, hay ngưỡng nào là an toàn lại không có một chuẩn mực nào. Khoản mục “vay nợ” của CTCK có thể xem là thực vì điều này tương đối dễ kiểm chứng. Trong khi đó các khoản “phải thu” lại là ảo, bởi rất khó xác định được CTCK có thể thu về được bao nhiêu tiền trong khoản mục này.

Điểm mấu chốt ở đây là từ trước đến nay, CTCK chưa bao giờ trích lập dự phòng cho các khoản cấp margin của mình, vì nhiều trường hợp đây là những hợp đồng “chui”.

Vì vậy, khi đề cập vấn đề nợ xấu của CTCK ai cũng nói đến “mấy trăm” hay “mấy nghìn” tỷ đồng hoặc “lớn lắm”, nhưng để biết chính xác là bao nhiêu lại không dễ. Theo một chuyên gia kiểm toán, không dễ tách bạch được các khoản phải thu của CTCK.

Một thí dụ đơn giản: Kiểm toán viên có thể gửi thư xác nhận công nợ với khách hàng của CTCK, nhưng khả năng trả nợ thế nào hạ hồi phân giải. Hoặc trường hợp khác: CTCK muốn tách bạch các khoản phải thu của mình, đề nghị khách hàng làm lại hợp đồng margin mới, nhưng khách hàng không chịu.

Vì hợp đồng cũ làm theo kiểu “lách luật”, giữa nhà đầu tư và CTCK yếu tố ràng buộc pháp lý kém hơn, nên tất nhiên nhà đầu tư có lợi hơn. Những phân tích trên cho thấy, chừng nào vấn đề nợ xấu của CTCK chưa được giải quyết, chừng đó vẫn còn nỗi lo về thanh khoản của CTCK.

Các tin khác