Xuất khẩu gạo: Cải cách để khẳng định vị thế

20 năm qua, sản xuất lúa gạo nước ta đã đạt những thành tựu rất ấn tượng: Năm 1989 từ một nước thiếu lương thực đã lần đầu tiên xuất khẩu 1 triệu tấn gạo; từ năm 1990 đến nay, sản lượng lúa từ 19 triệu tấn tăng lên 40 triệu tấn; xuất khẩu gạo từ 1,6 triệu tấn tăng lên 7 triệu tấn. Việt Nam đang tiến tới trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

20 năm qua, sản xuất lúa gạo nước ta đã đạt những thành tựu rất ấn tượng: Năm 1989 từ một nước thiếu lương thực đã lần đầu tiên xuất khẩu 1 triệu tấn gạo; từ năm 1990 đến nay, sản lượng lúa từ 19 triệu tấn tăng lên 40 triệu tấn; xuất khẩu gạo từ 1,6 triệu tấn tăng lên 7 triệu tấn. Việt Nam đang tiến tới trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tín hiệu lạc quan

Theo Bộ NN-PTNT, sản xuất lúa năm 2011 đạt kết quả ấn tượng “trúng mùa - trúng giá”; trong đó vụ hè thu lần đầu tiên năng suất vượt qua cột mốc 5 tấn/ha, đạt 5,2 tấn/ha.

Dự kiến cả năm toàn vùng ĐBSCL tăng khoảng 1,3 triệu tấn lúa, vượt chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lương thực trong năm 2011.

Thành công về lúa gạo của Việt Nam thời gian qua là niềm mơ ước, nhưng trước giai đoạn mới việc sản xuất lúa gạo và cả xuất khẩu cần phải thay đổi. Trong đó, chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo, nâng cao chuỗi giá trị… là những việc cần làm ngay. Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhưng giá trị thu về thấp do đa phần gạo chất lượng chưa cao, không có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, sự liên kết còn rời rạc, việc sản xuất và xuất khẩu lâu nay ở các tỉnh thuộc dạng mạnh ai nấy làm…

VICTORIA KWAKWA,
Giám đốc WB tại Việt Nam

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết đến cuối tháng 10 các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo và đã giao 6,2 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD, tăng gần 7,9% về sản lượng và tăng 23% về giá so cùng kỳ năm 2010.

Giá xuất bình quân đạt 482 USD/tấn, tăng trên 59 USD/tấn so cùng kỳ; trong đó gạo thơm được xuất với giá khá cao trên 700 USD/tấn với sản lượng hơn 369.000 tấn. Với chiều hướng này ước tính cả năm 2011 khối lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 7,5 triệu tấn, mang về kim ngạch trên 3,7 tỷ USD.

Về cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo năm nay khá ổn định, nông dân làm lúa cũng thu lãi lớn. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ 3 (lúa thu đông), năng suất bình quân 4,9-5,2 tấn/ha, nhiều nơi đạt tới 7 tấn/ha. Đáng mừng là giá lúa hàng hóa dao động ở mức rất cao 7.000-7.500 đồng/kg.

TS. Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết sau nhiều năm lũ nhỏ, năm nay vùng ĐBSCL lũ lớn mang lại nhiều phù sa, đồng ruộng được rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh… hứa hẹn vụ đông - xuân tới được mùa.

Theo kế hoạch từ nay đến tháng 12, toàn vùng ĐBSCL sẽ đồng loạt xuống giống trên 1,55 triệu ha lúa đông - xuân, dự kiến năng suất đạt 6,7 tấn/ha, toàn vùng sẽ có từ 10,5-11 triệu tấn lúa, tăng khoảng 16.300 tấn so vụ đông - xuân trước.

Tận dụng tốt cơ hội

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ không chạy theo số lượng mà đặt chất lượng và hiệu quả lên hàng đầu. VFA đề ra kế hoạch xuất khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo, tuy nhiên phải chờ Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan cân đối sản lượng cả năm mới quyết định.

Về ý kiến nói Thái Lan đang bị lũ lụt tàn phá, thiệt hại về lúa gạo khá lớn là cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu gạo, ông Bảy cho rằng cái chính là doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong xuất khẩu gạo nhằm đạt hiệu quả cao, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa.

Càng nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, kể cả doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào sẽ có lợi cho nông dân, tạo ra sự công bằng hơn trong thu mua lúa gạo. Lâu nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sức ì rất lớn, nặng tính độc quyền, thiếu đầu tư vùng nguyên liệu và gắn kết với nông dân. Việc này cần nhanh chóng thay đổi, bởi khi doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào với lợi thế vốn mạnh, tiềm lực lớn, đầu tư bài bản… họ sẽ hút mạnh nguồn nguyên liệu về mình. Các doanh nghiệp trong nước muốn trụ vững buộc phải thay đổi. Bài học từ việc thu mua cà phê, tiêu… là kinh nghiệm xương máu.

TS. LÊ VĂN BẢNH,
Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Các nhà chuyên môn dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới sắp tới rất lớn, diễn biến thị trường thuận lợi. Dù vậy, doanh nghiệp không thể chủ quan mà cần theo dõi chặt diễn biến thị trường để có cách ứng phó.

Thí dụ, Ấn Độ đang là ẩn số khó lường đối với các nước xuất khẩu gạo. Nếu tới đây Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, bởi tính cạnh tranh rất gay gắt. Điển hình như gạo đồ (loại gạo rất triển vọng), các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với giá 570 USD/tấn, Thái Lan bán 580 USD/tấn, trong khi Ấn Độ bán với giá thấp hơn để cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, xuất khẩu gạo năm 2012 phải tạo bước đột phá mới là nâng cao chất lượng để cạnh tranh với Thái Lan. Phát triển gạo thơm từ 300.000- 400.000 tấn hiện nay lên 500.000 tấn và tiến tới xuất 1 triệu tấn. Đây đang là ưu thế vượt trội cần phát huy, bởi gạo thơm Việt Nam đạt năng suất rất cao 7 tấn/ha, trong khi Thái Lan chỉ 2 tấn/ha.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam. Khi có được thương hiệu, giá trị và uy tín hạt gạo cũng được nâng lên. Từ thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Để nâng cao chất lượng lúa gạo làm cơ sở xây dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh quốc tế, Bộ NN-PTNT khuyến khích các tỉnh phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Theo đó, mô hình này từng bước dịch vụ hóa các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ, xuất khẩu… góp phần hạn chế thất thoát sau thu hoạch, giảm được chi phí giá thành, tăng giá trị và chất lượng hạt gạo. “Đây là hướng sản xuất lúa gạo bền vững giúp nông dân làm giàu”- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra là việc có quá nhiều doanh nghiệp nhảy vào kinh doanh lúa gạo. Theo VFA dự kiến cả nước khoảng 70-80 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vừa, nhưng đến nay Bộ Công Thương cấp phép tới 140 doanh nghiệp (có 4 doanh nghiệp nước ngoài) theo Nghị định 109. Điều này cho thấy tình hình xuất khẩu gạo tới đây sẽ khó tránh khỏi việc cạnh tranh gay gắt. 

Các tin khác