Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc chiến nội - ngoại

Mặc dù tụt hạng xuống thứ 14 nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang được đánh giá là hấp dẫn. Trong đó, phần thắng trong cuộc chiến nội - ngoại lại đang  nghiêng về các doanh nghiệp trong nước, điều trước đây ít ai dám nghĩ tới.

Mặc dù tụt hạng xuống thứ 14 nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang được đánh giá là hấp dẫn. Trong đó, phần thắng trong cuộc chiến nội - ngoại lại đang  nghiêng về các doanh nghiệp trong nước, điều trước đây ít ai dám nghĩ tới.

Ngoại từ từ

Năm 2008 khi thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng những thị trường bán lẻ hấp dẫn, đã có tin đồn hãng bán lẻ nổi tiếng thế giới Wal Mart sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tăm tích của đại gia bán lẻ Hoa Kỳ này.

Thị trường Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh vài cái tên quen thuộc: trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp nổi bật nhất vẫn là Parkson của Malaysia; mảng siêu thị có Metro (Đức), Big C (Pháp), Lotte Mart (Hàn Quốc); mảng cửa hàng tiện ích ngoài cái tên quen thuộc Circle K, Family Mart, trong năm ngoái có thêm Ministop.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không thể cứ mãi đi theo mô hình siêu thị nhỏ. Hiện nay, ngoài siêu thị và cửa hàng tiện lợi, Co.opMart cũng sẽ đầu tư những TTTM có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp nội không bị đuối sức trong cuộc cạnh tranh còn kéo dài với các “đại gia” bán lẻ ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, những chính sách ưu đãi hợp lý của Nhà nước cũng trở thành một liều “dopping” giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa lợi thế sân nhà.

NGUYỄN THỊ HẠNH,
Tổng giám đốc Saigon Co.op

Tuy nhiên, sức phát triển của những cái tên ngoại này vẫn còn khá khiêm tốn. Lý giải điều này, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C, cho rằng: “Ở đây có những yếu tố khách quan, trong đó những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua có thể làm thay đổi chiến lược phát triển của nhiều tập đoàn lớn, như tập trung củng cố các cơ sở có sẵn thay vì khai thác thị trường mới”.

Cũng theo bà Trang, Big C nhận định thị trường sẽ năng động dần chứ không ào ạt bùng nổ. Cho đến nay sau 13 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Big C đã phát triển được chuỗi 14 đại siêu thị và TTTM trong cả nước. Đó có thể xem là sự phát triển bình thường chứ không nhanh, mạnh như dự đoán trước đó.

Big C cho biết do đang đi theo mô hình đại siêu thị nên việc tìm kiếm mặt bằng khá khó khăn trong việc mở rộng hệ thống. Tương tự, cũng khá lâu rồi hệ thống Lotte Mart vẫn chưa khai trương thêm siêu thị mới.

Các mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đang chung số phận: Vắng khách, không phát triển mạnh như tuyên bố ban đầu khi gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thí dụ Ministop khi bắt tay với Trung Nguyên để cho ra đời cửa hàng bán lẻ hiện đại, với cửa hàng đầu tiên vào tháng 5-2011 và trong 5 đầu tiên phát triển thêm 100 cửa hàng và tối thiểu 500 cửa hàng trong 5 năm tiếp theo. Nhưng thực tế như thế nào, có đúng như kế hoạch hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Nội tăng tốc

Năm 2011 Co.opMart dự kiến khai trương thêm 10 siêu thị và 30 cửa hàng tiện lợi. Ảnh: LÃ ANH

Năm 2011 Co.opMart dự kiến khai trương thêm 10 siêu thị và 30 cửa hàng tiện lợi.
Ảnh: LÃ ANH

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng một trong những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam tụt 14 hạng trong bảng xếp hạng do các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng mạnh lên, trong khi sức mua của người tiêu dùng không thay đổi nhiều, nên khoảng trống không còn rộng rãi như năm 2008, chứ không phải thị trường bán lẻ nước ta kém hấp dẫn.

Bà Hạnh nhấn mạnh việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chưa ồ ạt vào Việt Nam cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phát triển nội lực cạnh tranh tốt hơn. Chỉ tính riêng Co.opMart trong năm 2010 vừa qua đã phát triển mạng lưới 50 siêu thị đúng như kế hoạch đề ra.

Hết năm 2011 sẽ khai trương thêm ít nhất 10 siêu thị và 30 cửa hàng tiện lợi. Mới đây, Co.opMart còn kết hợp cùng Đài truyền hình TPHCM cho ra đời kênh mua sắm qua truyền hình. Thêm vào đó, nếu mô hình cửa hàng tiện lợi của một số tập đoàn nước ngoài đang có vẻ ngắc ngoải thì các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp nội lại giành được thị phần.

Nếu so sánh về kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh lại doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng do có thuận lợi hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt nên các kênh phân phối nội lại có vẻ đang thắng thế.

Thường các siêu thị nội có quy mô nhỏ và vừa, nguồn hàng dồi dào, đi sâu vào các khu dân cư. Và người tiêu dùng cũng cảm thấy gần gũi khi đi vào những siêu thị nhỏ, tìm kiếm các mặt hàng dễ dàng như Vinatex Mart, Hapro, Co.opMart… Hiện tỷ lệ mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích mới chỉ chiếm trung bình 18%.

Tại Hà Nội, TPHCM - 2 trung tâm kinh tế lớn của đất nước - con số này cũng mới chỉ dừng lại ở 20%. Theo dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ nỗ lực nâng con số này lên khoảng 35-40% người tiêu dùng sử dụng các kênh bán lẻ hiện đại. Cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất lớn.

Các tin khác