Khủng hoảng NH toàn cầu (kỳ 2): Lan sang Bắc Mỹ

Khi các ngân hàng châu Âu sụp đổ vì khủng hoảng trái phiếu, những “nạn nhân” đầu tiên bên ngoài lục địa già không phải ai khác ngoài các ngân hàng Hoa Kỳ. Bài viết “Liệu cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể đánh sập ngân hàng Hoa Kỳ?” trên tờ TIME ước tính các ngân hàng Hoa Kỳ có thể mất tới 1.000 tỷ USD nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu không được kiểm soát thành công.

Khi các ngân hàng châu Âu sụp đổ vì khủng hoảng trái phiếu, những “nạn nhân” đầu tiên bên ngoài lục địa già không phải ai khác ngoài các ngân hàng Hoa Kỳ. Bài viết “Liệu cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể đánh sập ngân hàng Hoa Kỳ?” trên tờ TIME ước tính các ngân hàng Hoa Kỳ có thể mất tới 1.000 tỷ USD nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu không được kiểm soát thành công.

> Khủng hoảng NH toàn cầu (kỳ 1): “Tâm chấn” châu Âu

Rủi ro của Morgan Stanley

Sự đình trệ của kinh tế toàn cầu thời gian qua không chỉ vì thất nghiệp cao, giá hàng hóa đắt đỏ và các biện pháp khắc khổ rộng khắp, mà còn do hệ thống tài chính toàn cầu - một cột trụ của kinh tế thế giới - quá yếu ớt để có thể thay đổi tình thế.

Tệ hơn, các ngân hàng khắp thế giới không thể tung tiền vào nền kinh tế, trong khi lại ngốn thêm nhiều tiền của người đóng thuế. Điều này thể hiện rõ qua kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu của giới lãnh đạo lục địa già mới đây. Dĩ nhiên, tâm chấn của cuộc khủng hoảng ngân hàng mới là châu Âu.

Nhưng tình trạng nguy cấp của lục địa già đang làm dấy lên mối lo ngại sẽ lây lan khắp thế giới, giống như cuộc khủng hoảng thứ cấp bùng phát ở Phố Wall nhấn chìm cả địa cầu năm 2008. Người ta đang căng mắt tìm xem Morgan Stanley nắm bao nhiêu tài sản xấu của châu Âu.

Khi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu bắt đầu lộ diện, nhiều ngân hàng Hoa Kỳ nói họ có ít tài sản nợ của châu Âu. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng tuyên bố tương tự. Nhưng giới quan sát cho rằng dù các ngân hàng Hoa Kỳ không nắm nhiều nợ trái phiếu xấu của châu Âu, họ lại giao dịch nhiều loại tài sản với các ngân hàng châu Âu, trong đó có rất nhiều tài sản nợ xấu.

Vì vậy, nếu một ngân hàng châu Âu sụp đổ, một số ngân hàng Hoa Kỳ có thể mất mát lớn khi họ đặt cược vào ngân hàng đó. Trở lại những đồn đoán về ngân hàng Morgan Stanley. Cuối tháng 9, khi có tin đồn ngân hàng Pháp Societe Generale cần ứng cứu, giới phân tích ước tính Morgan Stanley có thể mất tới 30 tỷ USD vì những giao dịch đã có với Societe Generale.

Số tiền đó lớn hơn 2 tỷ USD so với vốn thị trường của Morgan Stanley. Trong khi đó, dù Morgan Stanley vẫn nói rằng không đầu tư nhiều vào tài sản nợ của châu Âu nhưng cổ phiếu của Morgan Stanley lao dốc tới 20% chỉ trong phiên giao dịch ngày 3-10. Lợi nhuận của ngân hàng này ước tính giảm tới 40% trong quý III.

Rủi ro 640 tỷ USD

Trong công bố ngày 7-10, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ước tính các ngân hàng nước này đã đầu tư tới 640 tỷ USD vào các tài sản nợ rủi ro cao ở châu Âu, chiếm 5% tài sản của toàn ngành ngân hàng. Phúc trình lên Quốc hội của Bộ Tài chính cho biết cuộc khủng hoảng ở các nước PIIGS (Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha) “đe dọa nghiêm trọng” đến hệ thống ngân hàng ở châu Âu, đặc biệt các ngân hàng ở Đức, Pháp và Anh, là những ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng Hoa Kỳ.

Morgan Stanley có thể mất 30 tỷ USD nếu các ngân hàng châu Âu sụp đổ.

Morgan Stanley có thể mất 30 tỷ USD nếu các ngân hàng châu Âu sụp đổ.

“Các ngân hàng này có các khoản vay rủi ro với các ngân hàng Đức và Pháp lên đến 1.200 tỷ USD, với các nước PIIGS 641 tỷ USD. Vì thế sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở châu Âu sẽ tạo ra những vấn đề tương tự cho các định chế ở Hoa Kỳ” - phúc trình viết.

Sự thật này khiến Thương nghị sĩ Mark Kirk lên tiếng hỏi Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner liệu Hoa Kỳ sắp phải chứng kiến một vụ Lehamn Brothers mới lan sang từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Christopher Whalen, Tổng giám đốc Viện Phân tích rủi ro Hoa Kỳ (IRA), tin rằng ngân hàng Hoa Kỳ đang đi vào cuộc khủng hoảng mới, nơi chi phí hoạt động tăng nhanh vì các cuộc vỡ nợ thứ cấp và do ảnh hưởng từ châu Âu. “Chúng ta còn chưa tới 1 quý trên con đường tiến đến khủng hoảng.

Chi phí hoạt động gia tăng ở các ngân hàng sẽ nghiêm trọng hơn trong các cuộc suy thoái trước và có thể buộc Chính phủ tái cấu trúc một số nhà cho vay lớn” - ông Whalen nói

Ngân hàng “thây ma”

Việc liên tục bơm tiền để cứu các ngân hàng như hiện nay còn làm dấy lên một quan ngại khác là liệu các định chế tài chính có đang trở thành những “thây ma”, chết bất cứ khi nào Chính phủ hết bơm tiền. Câu hỏi này dấy lên hồi tháng trước, khi Bank of America (BoA), ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, tuyên bố kế hoạch sa thải 30.000 nhân viên và đóng cửa 750 chi nhánh trong 2 năm rưỡi tới.

Kế hoạch này cộng với những lần đóng cửa chi nhánh của BoA hồi năm 2010 đang khiến ngân hàng này teo tóp nhanh chóng cả về hoạt động cho vay và lợi nhuận. Việc phát hành nợ ở Hoa Kỳ giảm tới 57,5% trong quý III và doanh số phát hành nợ mới giảm còn 50,6 tỷ USD từ 119 tỷ USD chỉ trong vòng 3 tháng.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hoạt động cho vay của các ngân hàng toàn cầu trong quý IV-2010 giảm 1.900 tỷ USD - mức giảm lớn nhất kể từ khi BIS ghi nhận các dữ liệu về hoạt động này - và tiếp tục giảm 1.500 tỷ USD trong quý đầu năm nay.

Ngành ngân hàng Hoa Kỳ còn bị đe dọa bởi một phong trào đang ngày càng lan rộng, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”. Phố Wall là biểu tượng cho ngành tài chính Hoa Kỳ, nhưng người biểu tình nay không chỉ muốn chiếm mà còn muốn đóng cửa Phố Wall. Phong trào này được sự ủng hộ của nhiều nghiệp đoàn cả nước và đã lan rộng ra toàn cầu với 82 quốc gia hưởng ứng.

---------------

Kỳ 3: Châu Á không bình yên

Các tin khác