Nỗi lo rác thải công nghiệp

Tình trạng đua nhau làm khu công nghiệp (KCN) ở một số địa phương dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó ô nhiễm môi trường là nỗi lo thường trực khi mới chỉ có 60% KCN và khu chế xuất (KCX) trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, còn có một lượng lớn khí thải độc hại, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất cũng chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Tình trạng đua nhau làm khu công nghiệp (KCN) ở một số địa phương dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó ô nhiễm môi trường là nỗi lo thường trực khi mới chỉ có 60% KCN và khu chế xuất (KCX) trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, còn có một lượng lớn khí thải độc hại, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất cũng chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Vượt mức cho phép

Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết hiện nay tổng công suất xử lý nước thải tại các KCN mới ở mức 339.500m3/ngày đêm, tương đương 33,95% lượng nước thải từ các KCN được xử lý. Các KCN này cũng đang xây dựng thêm 32 nhà máy xử lý nước thải, với công suất 160.600m3/ngày đêm, tương ứng với 16,06%. Như vậy, nếu các nhà máy xử lý nước thải đang xây dựng đi vào hoạt động cũng chỉ khoảng 50% lượng nước thải ở các KCN, KCX được xử lý.

Công nhân đang vận hành xử lý nước thải tập trung tại KCN Lê Minh Xuân (TPHCM). Ảnh: TỰ TRUNG

Công nhân đang vận hành xử lý nước thải tập trung
tại KCN Lê Minh Xuân (TPHCM). Ảnh: TỰ TRUNG

Theo thống kê, chất thải rắn từ các KCN hiện có khoảng 2,3 triệu tấn/năm, trong đó chất thải nguy hại chiếm khoảng 20%. Đáng lo ngại hơn, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến xử lý bụi mà chưa kiểm soát, xử lý các khí độc hại.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hệ thống xử lý khí thải cũng chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, chất thải từ hoạt động dệt nhuộm, khai thác than, khoáng sản, thuộc da… chủ yếu là COD, BOD, sunfua, phenol, chất thải rắn... đều vượt quá mức cho phép. Nếu chưa được xử lý sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người và các sinh vật.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện nay cả nước còn 127 KCN chưa xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, trong đó có gần 50 KCN đã vận hành cần phải khẩn trương xây dựng. Mục tiêu đến năm 2015, 100% KCN đã đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cần đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 400.000-450.000m3/ngày đêm, với mức vốn đầu tư khoảng 250-300 triệu USD. Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu vực xử lý rác thải tập trung lớn ở các vùng tập trung nhiều KCN; đẩy mạnh việc thực hiện quy định về quản lý rác thải, khí thải của KCN.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững, không phát triển các KCN xen lẫn khu dân cư và di dời các cơ sở ô nhiễm ra ngoài đô thị. Nhằm khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đang xây dựng các chương trình hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp, tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển công nghiệp xanh và thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Nâng diện tích lấp đầy lên 80%?

Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa có động thái nhằm thắt chặt quản lý việc lấy đất một cách ồ ạt để lập các KCN. Theo đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất chỉ phát triển mở rộng, quy hoạch mới đối với những KCN, những địa phương có tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên.

Cùng với nội dung này, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng có phương án về quy hoạch sử dụng đất cho phát triển KCN đến năm 2020 khoảng 200.000ha, tăng 128.000ha so với năm 2010. Được biết cả nước hiện có trên 267 KCN với tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt trên 45% diện tích. Hiện việc quy hoạch và phát triển các KCN còn dàn trải, có địa phương tỷ lệ lấp đầy còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn đề nghị mở thêm khu, cụm công nghiệp khác.

Có thể nói, đây là việc làm dù muộn nhưng còn hơn không. Bởi lẽ từ lâu, tình trạng lập KCN đã lấy đi phần diện tích đất nông nghiệp không nhỏ - trong đó có nhiều vùng đất thuộc diện “bờ xôi ruộng mật”. Thế nhưng sau đó, các KCN này lại không hấp dẫn đầu tư, dẫn đến tình trạng người dân bị mất đất sản xuất, nhưng đất lại bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng diện tích lấp đầy cần được quy định nâng lên khoảng 80% chứ không nên ở con số 60%. Vì nếu như chỉ lấp đầy 60%, vẫn có tới 40% diện tích đất bị lãng phí, không hiệu quả và chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như chức năng vốn có của KCN. 

Các tin khác