BASEL III - xây dựng nền tảng ngân hàng vững mạnh

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế 2008-2009, xu hướng cải cách hệ thống tài chính diễn ra mạnh trên toàn cầu.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế 2008-2009, xu hướng cải cách hệ thống tài chính diễn ra mạnh trên toàn cầu.

Một hệ thống tài chính vững mạnh là điều các nhà quản lý trên thế giới mong muốn nhằm tránh lặp lại thảm kịch trên.

Cải cách hệ thống ngân hàng toàn cầu

Sau gần 1 năm Ngân hàng Lehman Brothes sụp đổ, tháng 6-2009, Tổng thống Barack Obama đề nghị một chương trình cải tổ toàn diện đối với hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Tháng 7-2010, đạo luật Dodd-Frank được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính đất nước. Trong thời gian này, nước Anh vốn là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, đưa ra chương trình cải cách lĩnh vực tài chính. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng tiến hành các biện pháp tương tự trong việc cải cách ngành tài chính.

Basel III có 2 tỷ số về tính thanh khoản. Đó là tỷ lệ khả năng chi trả dự kiến thực hiện vào tháng 1-2015 và tỷ số tài trợ ổn định dự kiến áp dụng vào tháng 1-2018. Trong đó, tỷ lệ khả năng chi trả được xây dựng để yêu cầu một ngân hàng duy trì lượng tài sản có tính thanh khoản cao, có khả năng chuyển đổi ra tiền mặt đáp ứng nhu cầu trong 30 ngày trong tình huống kiệt quệ thanh khoản của hệ thống tài chính. Tỷ số tài trợ ổn định được dùng để yêu cầu các ngân hàng duy trì việc tài trợ cho các tài sản trung và dài hạn cũng như hoạt động của ngân hàng trong 1 năm.

Riêng đối với ngành ngân hàng - nhóm ngành quan trọng trong lĩnh vực tài chính và cũng là “tội đồ” của cuộc khủng hoảng 2008 - Hiệp ước Basel III ra đời nhằm khắc phục những yếu kém mà Hiệp ước Basel II còn khiếm khuyết.

Trong khi Basel II chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn vốn (hay vốn dựa vào rủi ro - Risk-based capital), Basel III tập trung vào 2 vấn đề: gia tăng tiêu chuẩn về an toàn vốn và đưa ra các tiêu chuẩn về thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Như vậy, điểm khác biệt quan trọng giữa 2 hiệp ước là Basel III chú ý nhiều hơn đối với vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy chính việc không chú trọng vấn đề thanh khoản, đã khiến nhiều ngân hàng phải phá sản. Với Basel III, để có được sự ổn định trong hệ thống tài chính, phải đáp ứng các quy định về tính thanh khoản và an toàn vốn. An toàn vốn tạo nên tấm đệm vốn để sống sót trong dài hạn, còn thanh khoản là để sống sót trong ngắn hạn. Một hệ thống tài chính vững mạnh không thể thiếu 1 trong 2 yếu tố này.

Xây dựng lộ trình tăng cường khả năng thanh khoản

Thời gian qua, ngành ngân hàng nước ta đã có những đổi thay quan trọng, nhưng mới tập trung gia tăng tiêu chuẩn an toàn vốn, chưa chú trọng nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng. Đầu tiên, Nghị định 141 (ngày 22-11-2006) yêu cầu các NHTM phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 nhưng lại bị gia hạn.

Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn nâng tiêu chuẩn an toàn vốn từ 8% lên 9%. Hệ số rủi ro của các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán cũng được nâng lên mức 250%.

Hiện nay thanh khoản của nhiều ngân hàng đang trở nên đáng lo ngại. Ảnh: LÃ ANH

Hiện nay thanh khoản của nhiều ngân hàng
đang trở nên đáng lo ngại. Ảnh: LÃ ANH

Tuy nhiên, bước đầu quá trình cải cách này chỉ đề cập đến tiêu chuẩn an toàn vốn của hệ thống tài chính ngân hàng, trong khi hầu như không nhắc đến tính thanh khoản. Vì thế mới có chuyện quy định “tiền gửi của kho bạc nhà nước tại các tổ chức tín dụng và tiền gửi không kỳ hạn không được sử dụng để cho vay” nhằm đảm bảo tính thanh khoản của Thông tư 13 đã bị phản ứng từ các ngân hàng, thậm chí từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Áp lực này đã đưa đến việc chỉnh sửa Thông tư 13 và Thông tư 19/2010/TT-NHNN ra đời. Điều này cho thấy mâu thuẫn từ chính cơ quan giám sát tài chính khi phản ứng Thông tư 13 nhưng lại yêu cầu cấp thiết phải cải cách hệ thống tài chính toàn cầu từ Basel III.

Thực tế thời gian qua cho thấy vấn đề thanh khoản đang trở nên đáng quan ngại. Vì nhiều ngân hàng nhỏ thường xuyên lâm vào cảnh thiếu thanh khoản nên từ đó đã đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, chạy đua lãi suất trên thị trường 1, thậm chí là trên thị trường liên ngân hàng. Khi các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất, vô hình trung buộc các “ông lớn” phải chạy theo. Lãi suất huy động trong năm 2011 vì thế tăng dần và hiện đang ở mức 18-19%/năm.

Không chỉ thế, các ngân hàng lớn tiếp tục găm giữ vốn tạo nên cơn khát vốn của các ngân hàng nhỏ và đưa đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao. Hiện nay bước đầu vai trò quản lý của NHNN đã kìm hãm khi đưa ra những quy định hành chính nhằm giảm tình trạng làm giá lãi suất.

Để gia tăng khả năng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, NHNN cần hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn pháp định về tính thanh khoản cũng như xây dựng lộ trình thực hiện giống như chúng ta đang thiết lập lộ trình về tăng vốn điều lệ. Nếu so sánh Thông tư 13 với các tiêu chuẩn được đưa ra trong Basel III, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều nước trên thế giới đang đưa ra lộ trình dài hạn về nâng cao khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Basel III không chỉ yêu cầu về tính thanh khoản ngắn hạn (30 ngày) mà còn cho cả thời gian dài hơn (1 năm). Đây là tham vọng nhằm thiết kế một hệ thống ngân hàng vững mạnh và tất nhiên đòi hỏi thời gian dài để thực hiện. Nhìn lại Thông tư 13, tỷ lệ chi trả được xây dựng chỉ để đáp ứng cho tối thiểu 7 ngày, nhưng cũng chưa tính đến việc gia tăng khả năng thanh khoản cho dài hạn nhằm giúp hệ thống ngân hàng có thể tồn tại trong các trường hợp xấu kéo dài.

Các tin khác