Tái cấu trúc NHTM - Nâng cao năng lực quản trị rủi ro

Yếu kém đa phần của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay là năng lực quản trị, hệ thống công nghệ và hệ thống quản trị rủi ro. Đây được coi là những nguyên nhân gây khó trong việc điều hành chính sách. Chính vì vậy việc tái cấu trúc NHTM không thể chần chừ, đặc biệt tái cấu trúc về tổ chức và tài chính là trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Yếu kém đa phần của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay là năng lực quản trị, hệ thống công nghệ và hệ thống quản trị rủi ro. Đây được coi là những nguyên nhân gây khó trong việc điều hành chính sách. Chính vì vậy việc tái cấu trúc NHTM không thể chần chừ, đặc biệt tái cấu trúc về tổ chức và tài chính là trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.

> Bài toán thanh lọc ngân hàng

NHTM Việt Nam nhiều hay ít?

Nước ta hiện có khoảng 100 NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động, trong đó khoảng 50% là ngân hàng nội địa. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, số lượng ngân hàng nội địa như thế là nhiều. Thí dụ, Singapore có 115 ngân hàng chỉ có 3 ngân hàng nội địa; lãnh thổ Đài Loan có 15-20 ngân hàng nội địa.

Nhiều NHTM nhỏ không đáng lo vì một NHTM lớn nhiều chi nhánh cũng vậy thôi. Vấn đề là phải chấn chỉnh, củng cố chất lượng và giới hạn phạm vi hoạt động tùy theo sức lực của từng NHTM. Tránh tình trạng hiện nay NHTM nhỏ đi làm việc lớn. Nếu NHTM ở nông thôn vốn nhỏ chỉ hoạt động ở khu vực nông thôn, không được mở rộng chi nhánh lên đô thị. Ở Hoa Kỳ có những ngân hàng chỉ hoạt động trong một tiểu bang chứ không ra được liên bang. Ở nước ta điều này thực tế đã từng áp dụng hiệu quả qua mô hình quỹ tín dụng, hợp tác xã ở khu vực nông thôn. NHTM nào muốn mở rộng hoạt động phải nâng vốn điều lệ. Còn nếu bắt buộc tất cả NHTM nhỏ đều phải tăng vốn sẽ dẫn đến tình trạng trá hình, cấu  kết móc vốn đầu này, đầu kia để hoàn thành, dẫn đến tình trạng “vốn ảo”, gây nguy hiểm tiềm tàng cho hệ thống NHTM.

 TS. VÕ TRÍ THÀNH,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu PTKT TW.

Sở dĩ các nước Đông Nam Á và Đông Á ít ngân hàng nội địa vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã rút ra một bài học: Khối lượng ngân hàng nội địa nhỏ quá nhiều nên khả năng chống đỡ những “cú sốc” bên ngoài rất kém.

Do vậy cần tái cấu trúc, sáp nhập, tạo thành những NHTM quy mô lớn. Những nước này cũng nhận thấy sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài là yếu tố giúp ổn định hệ thống tài chính, vì các ngân hàng nước ngoài thường có chất lượng tài sản tốt hơn, công nghệ hiện đại hơn và phương thức quản lý cũng tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, nếu so với châu Âu hoặc Hoa Kỳ, số lượng ngân hàng nội địa của Việt Nam còn ít. Thí dụ, ở Đức có 2.400 ngân hàng nội địa, Hoa Kỳ có 6.700 ngân hàng nội địa và đều là ngân hàng nhỏ. Quan điểm của các nước này quy mô ngân hàng không quan trọng, cách thức và công nghệ áp dụng quản lý mới là điều đáng quan tâm.

Nói như vậy để thấy việc đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam không phải là vấn đề quy mô mà trước hết là năng lực quản trị, hệ thống công nghệ và hệ thống quản trị rủi ro.

Nước ta cũng từng có 50 ngân hàng nội địa (cả quốc doanh và cổ phần), nhưng sau chương trình tái cấu trúc năm 2001-2005, giảm chỉ còn 36 ngân hàng. Gần đây mới tăng lên trở lại trên dưới 50 ngân hàng nội địa.

Nỗi lo quản trị rủi ro

Hoạt động của các NHTM nước ta hiện nay phát triển khá mạnh so với 5 năm trước, chất lượng cũng không ngừng được nâng lên. Tổng tài sản của các NHTM tăng rất nhanh, hiện chiếm 1,7 lần GDP cả nước, với quy mô tiền gửi vào khoảng 2,4 triệu tỷ đồng và quy mô tín dụng khoảng 2,5 triệu tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hầu hết NHTM cổ phần đều đạt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)trên 9% (chỉ có NHTM quốc doanh tỷ lệ này đạt khá thấp 7-8,5%). Chất lượng tài sản được tính bằng tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 2,16% năm 2010 và đang có dấu hiệu tăng lên 3,1% trong 6 tháng đầu năm 2011.

Tuy nhiên, trong đó nhiều nợ xấu (nợ nhóm 5 - nhóm nợ mất vốn) chiếm 47%. Điều này đặt ra vấn đề cần tái cấu trúc tài chính để lành mạnh hóa chất lượng tài sản của các NHTM.

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LÃ ANH

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LÃ ANH

Về khả năng sinh lời, gần đây nhiều người cho rằng trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn rất lớn ngân hàng lại lãi cao, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng khi nói đến lợi nhuận phải nói đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) chứ không phải giá trị tuyệt đối. ROE của các NHTM năm 2008 là 10,4%, năm 2009 là 12,8%, năm 2010 là 11,6% và 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 11%.

Điều này cho thấy tỷ lệ lợi nhuận của các NHTM không cao, thấp hơn tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (hiện vào khoảng 11,8% trong 6 tháng đầu năm 2011). Đặc biệt, so với tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có của các NHTM trong khu vực, Việt Nam đạt thấp.

Năm 2008 ROE của các NHTM trong khu vực chỉ 4%, nhưng năm 2010 đã tăng lên 14% và 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 14,5%. Nếu so sánh chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của các NHTM (có vai trò, ý nghĩa quyết định đến tỷ suất lợi nhuận) có thể thấy chênh lệch này ở nước ta khoảng 3-4%, trong khi ở các nước trong khu vực chênh lệch này lên tới 5-5,5%.

Tình hình thanh khoản của các NHTM trong quý II và III-2011 tương đối ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, nhỉnh hơn lãi suất trái phiếu chính phủ, xoay xung quanh lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra ở thanh khoản là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở một số NHTM còn khá cao, đặc biệt nhóm các công ty cho thuê tài chính trực thuộc NHTM và nhóm NHTM quốc doanh. Tỷ lệ này ở công ty cho thuê tài chính khoảng 55%, ngân hàng quốc doanh khoảng 26% (quy định của NHNN không quá 30%).

Ngoài ra, sự mất cân đối giữa dư nợ tín dụng ngoại tệ so với dư nợ tín dụng nội tệ, chênh lệch giữa vốn huy động ngoại tệ và dư nợ cho vay ngoại tệ khá lớn. Tính đến tháng 6-2011, tín dụng bằng ngoại tệ quy ra VNĐ xấp xỉ 600.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi nội tệ chỉ khoảng 470.000 tỷ đồng, chênh lệch 130.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa theo chuẩn mực quốc tế

Muốn tái cấu trúc hệ thống NHTM phải giải quyết tình trạng dư nợ bất động sản ở các NHTM. Tuy nhiên, trước khi có chính sách mới cần có bản thanh tra đánh giá, phân loại, phân nhóm NHTM; đồng thời có bản đánh giá chất lượng tín dụng của các NHTM, trong đó có chất lượng cho vay bất động sản. Có ý kiến cho rằng nên bung tiền ra để xử lý nhưng nợ xấu như hiện nay chẳng ai dám bung, bởi không khéo lượng tiền đưa ra chạy tiếp vào bất động sản, càng rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống NHTM. Trước khi muốn bỏ trần lãi suất huy động phải cho người dân thấy được NHTM nào tốt, NHTM nào xấu để họ “lựa mặt gửi tiền”. Hiện nay người dân chỉ biết gửi tiền NHTM có lãi suất cao.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN,
Đại biểu Quốc hội TPHCM

Những năm qua, hệ thống NHTM đã được tái cấu trúc và hiện đại hóa một bước, nhưng so với yêu cầu thực tế còn phải tiếp tục tái cơ cấu và hiện đại hóa.

Do vậy, vấn đề đặt ra trước tiên là phải áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro. Đây là vấn đề mấu chốt giúp cho việc hạch toán nợ xấu chính xác và đo lường rủi ro tín dụng chuẩn xác hơn, trên cơ sở đó mới có biện pháp xử lý rủi ro tốt hơn.

Bên cạnh đó, phải xây dựng các định chế quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt các định chế quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro hối đoái, rủi ro lãi suất, rủi ro hoạt động. Các định chế này hiện có một số NHTM đã xây dựng và hoạt động tương đối hiệu quả, nhưng còn nhiều NHTM nhỏ bộ máy quản trị rủi ro kém hiệu quả, thậm chí rất sơ khai.

Đây là điều đáng lo ngại cho các NHTM trong điều kiện cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì vậy, các NHTM nhỏ phải dựa chủ yếu vào cho vay thế chấp, phần lớn là thế chấp bất động sản… khiến rủi ro tác động trực tiếp đến chất lượng tài sản các NHTM.

Hiện nay, NHNN đã có những quy định chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp trong khu vực ngân hàng. Tuy nhiên mối quan hệ giữa người chủ sở hữu và người quản lý trong khu vực NHTM không minh bạch, rõ ràng, đặc biệt lợi ích các cổ đông nhỏ không được coi trọng, thông thường các cổ đông lớn chi phối hoạt động các NHTM.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực quản trị rủi ro của các NHTM, là một trong những lý do khiến hệ thống quản trị rủi ro không theo kịp với yêu cầu phát triển tài sản của NHTM.

Ngoài ra, việc chạy đua tăng vốn điều lệ theo Quyết định 141 của Chính phủ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản trị của các NHTM. Với quy mô vốn tăng rất nhanh, có thể 300-400% trong vòng 3-4 năm, buộc các NHTM phải tăng tổng tài sản lên tương ứng, trong khi năng lực quản lý ở cấp cao cũng như chất lượng nguồn nhân lực không được cải tiến đáng kể, hệ thống kế toán không minh bạch, nền tảng công nghệ còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quản lý và chất lượng tài sản của của các NHTM.

(còn tiếp) 

Các tin khác