Châu Âu không bình yên (kỳ 1): Oslo - mối đe dọa cực hữu

Sự bình yên cố hữu của châu Âu đã bị phá vỡ kể từ khi Hy Lạp “khai hỏa” cuộc khủng hoảng nợ công, nhấn chìm lục địa già vào “kỷ nguyên khắc khổ”, đẩy người dân xuống đường biểu tình và làm gia tăng bất ổn xã hội. Từ cuối tháng 7, sự bất an ở châu lục này lại chuyển sang một giai đoạn khác, vụ thảm sát ở Na Uy và những cuộc bạo loạn mới nhất ở Anh đã đặt châu Âu vào tình trạng báo động.

Sự bình yên cố hữu của châu Âu đã bị phá vỡ kể từ khi Hy Lạp “khai hỏa” cuộc khủng hoảng nợ công, nhấn chìm lục địa già vào “kỷ nguyên khắc khổ”, đẩy người dân xuống đường biểu tình và làm gia tăng bất ổn xã hội. Từ cuối tháng 7, sự bất an ở châu lục này lại chuyển sang một giai đoạn khác, vụ thảm sát ở Na Uy và những cuộc bạo loạn mới nhất ở Anh đã đặt châu Âu vào tình trạng báo động.

Vụ thảm sát tại Na Uy ngày 23-7 được ví như vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Hoa Kỳ. Nếu vụ 11-9 khiến các cơ quan tình báo phương Tây xem Hồi giáo cực đoan như một mối đe dọa khủng bố hàng đầu, thì vụ 23-7 khiến người ta giật mình nhận ra rằng mối đe dọa từ những kẻ cực đoan cánh hữu cũng nguy hiểm không kém.

Nguy hiểm hơn Hồi giáo cực đoan

Trong thực tế, kể từ khi Hoa Kỳ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, vụ tấn công khủng bố lớn nhất do các tay khủng bố Hồi giáo cực đoan thực hiện có thể là vụ đánh bom xe buýt và tàu điện ngầm ở London, Anh ngày 7-7-2005, cướp đi sinh mạng 52 người.

Xét về số người thiệt mạng, vụ 7-7 không thấm vào đâu so với vụ tên sát nhân cực hữu Anders Behring Breivik đã điên cuồng đánh bom, xả súng cướp đi 92 mạng người vô tội ở Oslo, Na Uy. Vụ khủng bố này khiến giới quan sát toàn cầu cho rằng đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về phong trào cực hữu, vốn đang nổi lên tại các nước châu Âu hiện nay.

Tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát ở Na Uy.

Tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát ở Na Uy.

Cực hữu (tiếng Anh: extreme right) là một khuynh hướng chính trị cánh hữu theo hướng cực đoan. Quan điểm cực hữu thường liên quan đến chủ nghĩa siêu đẳng - cho rằng sự siêu đẳng hay thấp hèn là một yếu tố khác biệt bẩm sinh giữa các cá nhân hoặc các nhóm người - và cực lực phản đối quan niệm xã hội bình đẳng.

Cực hữu thường ủng hộ việc cách ly giữa các nhóm mà họ cho là “siêu đẳng” với các nhóm bị cho là “hạ đẳng”. Cực hữu cũng thường bao gồm chủ nghĩa độc đoán, bài ngoại, phân biệt chủng tộc... Hệ tư tưởng thường đi kèm với cực hữu bao gồm chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và dân tộc chủ nghĩa cực đoan, tôn giáo cực đoan hoặc tư tưởng phản động.

Trong trường hợp của Breivik, có thể là người theo chủ nghĩa cực hữu bài ngoại hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thể hiện qua nội dung “tuyên ngôn” dày 1.500 trang tên này đưa lên mạng. Dựa trên “tuyên ngôn” của Breivik, một số nhà phân tích còn tin rằng hắn theo đuổi chiến lược “kháng chiến vô lãnh đạo”, một khái niệm được tạo ra bởi phong trào cực hữu Hoa Kỳ những năm 70 của thế kỷ trước.

Dù đến nay, các bằng chứng cho thấy có thể Breivik đã tự lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công, nhưng tư tưởng và những lời lẽ của hắn về việc chống lại tình trạng nhập cư ồ ạt lại được nhiều người đồng tình.

Chẳng hạn, Jacques Coutela, một thành viên đảng Mặt trận dân tộc cực hữu của Pháp đã bị cách chức sau khi cho đăng tải những câu ủng hộ Breivik trên blog cá nhân. Jacques thậm chí còn coi tên sát thủ máu lạnh là “một thần tượng”.

Mario Borghezio, lãnh đạo của đảng cực hữu Liên đoàn miền Bắc chống việc nhập cư ở Italia, đồng thời là một thành viên của Nghị viện châu Âu, cũng có cùng tư tưởng như Breivik. Một số nhà quan sát cũng ủng hộ tư tưởng của tên sát nhân này. Công khai hoặc ngấm ngầm, họ cho rằng Breivik không phải là một “người kỳ quặc” ở Na Uy?

Kinh tế khó khăn, gia tăng cực hữu

Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, châu Âu dần rơi vào những tình cảnh khó khăn chưa từng có. Số người thất nghiệp tăng cao, thu nhập bình quân người dân giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, trong khi các chính sách an sinh ngày càng bị thu hẹp bởi các chương trình khắc khổ do các chính phủ đưa ra để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng. Nếu trong thời kinh tế hanh thông, người ta có thể dễ dàng “nhường cơm sẻ áo”, thì khi kinh tế đi xuống, miếng ăn lại trở thành “miếng tồi tàn”.

Vì thế, ngày càng có nhiều người da trắng ở các nước phương Tây cảm thấy “bất công” khi phải chia sẻ quyền lợi của họ cho những người nhập cư đến từ các châu lục khác. Tại Anh và nhiều nước khác, những cuộc biểu tình đã nổ ra để chống lại thực tế “khó chấp nhận” rằng người bản xứ bị mất việc làm vào tay những người nhập cư.

Na Uy nổi tiếng là một xã hội cởi mở và khoan dung. Chính sự cởi mở của Đảng Lao động cầm quyền đối với những chính sách về việc nhập cư và chủ nghĩa đa văn hóa dường như đã châm ngòi cho cơn thịnh nộ của Breivik.

Trong vài năm gần đây, một vài đảng phái và các tổ chức cực hữu ở châu Âu đã hưởng lợi lớn do sự gia tăng tư tưởng bài ngoại cùng với sự khó khăn của nền kinh tế. Một số nhóm thuộc cánh hữu đã phát triển thành các lực lượng chính trị chính thức và có tầm ảnh hưởng lớn tại một số nước ở châu Âu.

Hồi tháng 3, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia tại Pháp, bà Marine Le Pen đã dẫn đầu trong thăm dò ý kiến về bầu cử tổng thống năm 2012. Theo đó, bà Marine Le Pen sẽ nhận được 24% phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, tiếp đến là ông Dominique Strass-Kahn với 23% và đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy với 21%.

Đó là lần thứ 2 liên tiếp bà Le Pen dẫn đầu các cuộc thăm dò về tranh cử tổng thống. Điều này chứng tỏ quan điểm cực hữu trong xã hội Pháp rất đáng lo ngại.

 Vì vậy, giới phân tích e rằng thảm họa ở Oslo có thể không chỉ đơn thuần là hiện tượng cá biệt, mà là dấu hiệu của một sự bùng phát chủ nghĩa cực hữu trong thời kinh tế hậu khủng hoảng. Mới đây nhất, vụ xả súng tại tòa nhà Bộ Quốc phòng Estonia ngày 11-8 khiến 1 người chết, bị cho là “được truyền cảm hứng” từ vụ Breivik.

--------------

Kỳ 2: Tottenham - cơn thịnh nộ người nhập cư?

Các tin khác