Bài toán thanh lọc ngân hàng

Tái cấu trúc hệ thống NHTM được đặt ra bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hệ thống NHTM nói riêng đã bộc lộ rõ những điểm yếu, điểm mạnh. Tuy nhiên, để có thể cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam, tạo nền tảng phát triển vững chắc trong tương lai không phải là điều đơn giản.

Tái cấu trúc hệ thống NHTM được đặt ra bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hệ thống NHTM nói riêng đã bộc lộ rõ những điểm yếu, điểm mạnh. Tuy nhiên, để có thể cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam, tạo nền tảng phát triển vững chắc trong tương lai không phải là điều đơn giản.

Thừa và thiếu

 Nguồn: Internet

Nguồn: Internet 

Gần đây nhiều khuyến nghị cho rằng NHNN cần quy hoạch lại hệ thống NHTM theo hướng thu hẹp và thanh lọc. Đơn cử, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi văn bản góp ý với tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong đó kiến nghị NHNN có cơ chế giảm 15-20% số lượng ngân hàng cổ phần thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể và quốc hữu hóa (thông qua việc thâu tóm từ ngân hàng cổ phần nhà nước).

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng cho rằng hiện nay số lượng ngân hàng quá nhiều, trong đó nhiều ngân hàng năng lực rất yếu nên cần phải cơ cấu lại hệ thống bằng cách giảm bớt số lượng NHTM nói riêng và các tổ chức tài chính nói chung, thông qua việc nâng chuẩn hoạt động.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII cũng đưa ra 10 kiến nghị về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có đề xuất phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống NHTM, giảm thiểu rủi ro qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính.

Những kiến nghị trên hợp lý bởi những năm gần đây, mỗi khi nền kinh tế trong và ngoài nước biến động, những cuộc chạy đua lãi suất, lách luật, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng… chủ yếu xuất phát từ những ngân hàng cổ phần nhỏ, kéo theo bất ổn cho cả NHTM lớn và nền kinh tế. Điều này tái diễn nhiều năm và trở thành “bệnh kinh niên” của hệ thống NHTM.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là hệ quả sai lầm những năm trước đây khi NHNN ồ ạt cấp phép cho nhiều NHTM nông thôn “lột xác”, chuyển đổi mô hình thành NHTM đô thị, kéo theo các ngân hàng chạy đua tăng vốn, nâng cấp.

Trước sức ép tăng trưởng nhanh, các NHTM này đã đẩy mạnh vốn vào nhiều lĩnh vực rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản, chứng khoán… thay vì tập trung cho khu vực sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Không dừng ở đó, nhiều ngân hàng ồ ạt chạy đua mở rộng mạng lưới ở các thành thị trên cả nước, thể hiện ngay từ đầu năm 2011 hàng loạt NHTM có kế hoạch mở thêm 50-100 điểm giao dịch trên cả nước, tập trung chủ yếu ở đô thị sầm uất.

Để đảm bảo chỉ tiêu, các NHTM nhỏ cho phép các chi nhánh, phòng giao dịch sử dụng nhiều chiêu hút vốn không lành mạnh, cạnh tranh với những chi nhánh NHTM lớn vốn trước đây là “thổ địa” ở khu vực thành thị. Trong cuộc đua ấy, các NHTM có xu hướng đẩy mạnh phát triển theo chiều rộng hơn là tập trung đầu tư về chiều sâu, chất lượng hoạt động và năng lực quản lý.

Điều này dẫn đến hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch NHTM trên cả nước ngày càng giảm, tạo cơ hội để các NHTM nước ngoài chớp cơ hội nắm giữ thị phần bằng những dịch vụ tốt, trình độ quản lý chuyên nghiệp. Nhiều chuyên gia nhận định hệ thống NHTM nước ta hiện nay ở trong tình trạng vừa thừa: có quá nhiều NHTM nhỏ và yếu; vừa thiếu: những tổ chức tài chính vi mô phục vụ cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Mất cân đối

Một trong những thực tế đáng lo ngại ở các NHTM là sự tăng trưởng mất cân đối trong hoạt động kinh doanh thời gian gần đây. Ngoài yếu tố mở rộng quy mô quá mức so với trình độ quản trị, cơ sở hạ tầng cũng như thể chế thị trường chưa theo kịp…

Hoạt động đem lại nguồn thu lợi nhuận chủ yếu cho các NHTM (nhất là các NHTM nhỏ) vẫn tập trung ở lĩnh vực tín dụng, trong khi nguồn thu từ dịch vụ từ các NHTM vẫn còn khá khiêm tốn. Cho vay trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn và lãi suất, tỷ giá biến động, các NHTM đang đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng; các NHTM nhỏ chưa kịp xây dựng và cải thiện hệ thống quản lý rủi ro tín dụng, thanh khoản lẫn lãi suất.

Hơn nữa, do mục tiêu lợi nhuận hoặc lợi ích của một nhóm cổ đông ngân hàng, nhiều NHTM đã tập trung vốn vào lĩnh vực phi sản xuất với những dự án dài hạn, chôn vốn lớn.

Bằng chứng là cơ cấu nguồn vốn của hệ thống NHTM hiện nay có tới 80% tổng nguồn vốn có kỳ hạn dưới 1 năm, trong khi chỉ có 20% nguồn vốn kỳ hạn trên 1 năm. Điều này làm cho hệ thống NHTM dễ bị rủi ro thanh khoản khi dòng vốn huy động biến động.

Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần, áp lực của các NHTM nhỏ hiện nay là phải tăng huy động và tổng tài sản khi quy mô hoạt động tăng lên. Nhưng do bị khống chế tăng trưởng tín dụng không quá 20% và tình trạng nợ xấu đang tăng lên, nên dù huy động được nhiều vốn các NHTM cũng không cho vay được.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều NHTM đã bắt đầu thừa vốn nhưng chưa dám hạ lãi suất huy động vì sợ vốn chạy sang NHTM khác.

Việc phát triển không đồng đều về chất lượng dịch vụ ở các NHTM còn dẫn đến sự liên kết triển khai những dịch vụ tiện ích cho khách hàng của từng NHTM bị hạn chế. Theo một chuyên gia ngân hàng, những năm gần đây hệ thống NHTM đã đạt được những kết quả nhất định về công nghệ thông tin, cũng như sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ mới như ngân hàng bán lẻ, tài trợ thương mại.

Tuy nhiên, công nghệ gắn với hệ thống thông tin quản lý (MIS) còn rất lạc hậu, chưa đồng đều giữa các NHTM. Vì vậy, nhiều dịch vụ thanh toán hiện đang bị bỏ trống. Một số NHTM tiên phong triển khai các dịch vụ thanh toán điện, nước, viễn thông… nhưng vẫn còn rời rạc chưa thống nhất cả hệ thống.

Trong đó lý do quan trọng là nước ta chưa có một hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH), làm hạn chế rất lớn trong việc mở rộng dịch vụ thanh toán của các NHTM.

Có thể thấy, hệ thống NHTM đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trước khi tái cấu trúc, đòi hỏi NHNN phải xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quy định những giới hạn cũng như quản lý chất lượng hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, NHNN nên hướng đến những giải pháp, những công cụ điều hành mang tính thị trường. Bởi lẽ, khi áp dụng công cụ hành chính, hệ thống NHTM, nhất là các NHTM nhỏ dễ bị tổn thương. Để đối phó các NHTM sẽ buộc phải tìm mọi mánh khóe lách luật, tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống NHTM, gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Các tin khác