Ai chịu trách nhiệm về cơn sốt vàng?

(ĐTTC) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhập khẩu vàng, cơn sốt giá vàng trong nước đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn nhận lại có thể rút ra nhiều bài học cho công tác quản lý thị trường vàng.

Sự hỗn loạn của giá vàng trong thời gian qua đã để lại nhiều hậu quả, không chỉ là sự thiệt hại về kinh tế của một số người đầu tư vào vàng, mà còn gây tác động tâm lý rất lớn tới lòng tin của người dân vào chính sách.

Quá lo ngại về sự tăng cấp của bão giá vàng, ở Hà Nội, nhiều người rút tiền tiết kiệm, bỏ qua cảnh báo của NHNN về rủi ro khi đầu tư vào vàng để đến xếp hàng ở các cửa hàng mua vàng. Nhiều trung tâm kinh doanh vàng đã cháy hàng, buộc phải ghi phiếu để khách hàng tới nhận vàng sau.

Điều đáng nói, giá vàng trong nước thời điểm đó cao hơn giá vàng thế giới tới 2-3 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp có uy tín và ngay cả NHNN đều khẳng định các thế lực đầu cơ đã thao túng, đẩy giá tăng nhanh hơn thế giới. Nhưng số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu là các bà nội trợ, các cụ về hưu và dân văn phòng đều tin giá vàng còn lên cao hơn theo diễn biến thế giới và lạm phát tăng cao trong nước nên vẫn mua vàng.

Tranh thủ tâm lý kỳ vọng này, giới đầu cơ đã dùng kỹ thuật bẫy giá để kích thích nhu cầu mua gom, đồng thời tạo dư địa lợi nhuận khổng lồ khi nhập vàng theo đường tiểu ngạch. Và đến khi NHNN chính thức cho nhập vàng, giá vàng nhanh chóng giảm xuống, những người dân đã trót đầu tư vào vàng rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” bởi chỉ vài tiếng đồng hồ đã mất hàng triệu đồng cho 1 lượng vàng trót mua.

Theo nhiều chuyên gia, những bất cập trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cơn điên loạn giá vàng mấy ngày qua. Trong khi nhập khẩu bị hạn chế bởi cơ chế hạn ngạch khắt khe, cửa xuất khẩu lại gần như bỏ ngỏ. Về mặt hình thức, vàng nguyên liệu bị cấm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xuất nữ trang trá hình và hưởng thuế suất 0%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, doanh số ngoại tệ do xuất khẩu vàng và kim loại quý lên tới gần 2 tỷ USD, riêng xuất khẩu vàng khoảng 1,2 tỷ USD do giá thế giới cao hơn trong nước. Chính cơ chế xuất nhập khẩu vàng và độ trễ của nó đã làm cung cầu và giá vàng trong nước cắt khúc, không liên thông với thế giới. Và chính cơ chế này đã làm thất thoát hàng chục triệu USD khi phải cho nhập vàng trở lại để bình ổn thị trường.

Rõ ràng, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, cần có những giải pháp mang tính căn cơ hơn. Cơn sốt vàng vừa qua đã gây tác động xấu đến tỷ giá, lạm phát, giá trị nội tệ…, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, bài học rút ra về việc này là gì? Nếu không giải đáp thấu đáo và có biện pháp khả thi, khả năng tái diễn vẫn có thể xảy ra.

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giao cho NHNN kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II-2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, đến nay nghị định này vẫn chưa thể ban hành. Ngành ngân hàng vừa có người lãnh đạo mới là tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Dư luận chờ đợi sự vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa của người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, mà trước hết là một cơ chế quản lý thị trường vàng hiệu quả, tương hợp với tình hình thực tế.

Các tin khác