6 lý do khiến giới đầu tư đổ xô tích trữ vàng

Có 6 lý do chính khiến giới đầu tư “đổ xô” tích trữ vàng và đẩy giá kim loại này tăng cao không ngừng nghỉ trong thời gian qua.

Có 6 lý do chính khiến giới đầu tư “đổ xô” tích trữ vàng và đẩy giá kim loại này tăng cao không ngừng nghỉ trong thời gian qua.

1. Phòng vệ trước áp lực lạm phát gia tăng

Nhân tố quan trọng nhất quyết định biến động giá vàng là lạm phát. Khi lạm phát gia tăng, giá vàng nhìn chung sẽ tăng cao cùng lạm phát.

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, lạm phát ở Hoa Kỳ có 5 năm đạt mức cao nhất là các năm 1946, 1974, 1975, 1979 và 1980. Trong 5 năm này, tỷ suất sinh lời khi đầu tư vào chứng khoán thể hiện qua chỉ số Dow Jones là -12.33%, trong khi tỷ suất sinh lời từ đầu tư vàng là 130.4%.

Hiện nay xuất hiện hàng loạt yếu tố cho thấy cơn bão lạm phát đang trở lại: chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích kinh tế, các gói giải cứu ngân hàng và doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD, USD bấp bênh, thâm hụt thương mại tăng cao, Hoa Kỳ trở thành quốc gia nợ nần nhiều nhất…

2. Phòng vệ khi USD trên đà suy giảm

Vàng được mua bán bằng USD, vì vậy USD tăng giảm sẽ ảnh hưởng đến giá vàng. Khi USD suy giảm, giá vàng sẽ tăng cao.

USD là tiền của thế giới: là phương tiện thanh toán trong các giao dịch quốc tế, đồng tiền tiết kiệm, đồng tiền mà dựa vào đó giá trị của hàng hóa, chứng khoán được tính toán, và là đồng tiền dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương…

Thực tế USD đã tăng giá trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng trầm trọng. Tuy vậy, tương lai của đồng tiền này cũng không hề tươi sáng, khi Mỹ đang và sẽ hứng chịu rắc rối với thảm họa nợ công.

Khi niềm tin vào USD không còn, giá vàng sẽ gia tăng và sau đó thậm chí tiếp tục tăng cao khi USD tăng giá trở lại.

3. Vàng là nơi trú ẩn an toàn (safe haven) trước bất ổn kinh tế - chính trị

Vàng thường được gọi là “hàng hóa trong khủng hoảng” vì thường cho mức sinh lời cao hơn các kênh đầu tư khác trong những giai đoạn bất ổn kinh tế và chính trị.

Khi nợ công tăng cao, ngân hàng sụp đổ, tiền tệ bị mất giá, chính phủ các nước sẽ giải cứu bằng cách “in thêm tiền”, khiến đồng tiền giảm giá và vàng càng có giá trị hơn. Vàng luôn tăng giá mạnh nhất khi niềm tin thấp nhất.

4. Quy luật cung cầu

Cầu về vàng luôn tăng vượt trội so với nguồn cung, trong khi sản lượng lại đang giảm xuống.

Sẽ mất trung bình khoảng 7 năm để đưa một mỏ vàng mới vào khai thác, và điều này khiến cho việc đáp ứng nguồn cung một cách nhanh chóng trở nên rất khó khăn. Sản lượng vàng toàn cầu vẫn chưa vượt qua mức kỷ lục vào năm 2000, và nhiều chuyên gia đang nghi ngờ sản lượng vàng trên thê giới đã đạt đỉnh.

Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc, Ấn Độ và các ngân hàng trung ương lại đang tăng cao. Cả ngân hàng trung ương và tầng lớp giàu có của Trung Quốc và Ấn Độ đang mua vào lượng vàng cao kỷ lục để tích trữ. Với thực tế USD đang ngày càng mất giá, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế - Trung Quốc đang là nước nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ lớn nhất.

Nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương cũng tăng cao liên tục từ năm 2009, sau nhiều năm bán ròng vào khoảng 400 tấn mỗi năm. Xu hướng này dự báo tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.

5. Tích trữ giá trị

Một lý do quan trọng mà giới đầu tư tìm tới vàng vì đây là loại tài sản luôn có giá trị nội tại. Vàng sẽ không biến mất sau một xì-căng-đan kế toán, hay rủi ro trở thành giấy lộn như cổ phiếu.

6. Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Vàng là tài sản lý tưởng để đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán, vì có tương quan ngược với giá chứng khoán – tức là khi chứng khoán giảm giá, thì giá vàng lại gia tăng.

Vàng là tài sản phòng vệ khi sức mua của đồng tiền bị sụt giảm (giảm giá tiền tệ). Dù giá vàng có thể biến động trong ngắn hạn nhưng vàng vẫn duy trì giá trị của nó trong dài hạn, đặc biệt khi đồng tiền mất giá.

Các tin khác