Tài nguyên-Đằng sau sự hào nhoáng (kỳ 1): Lời nguyền

Tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong tổng vốn của một quốc gia. Ngoài đất đai, rừng, nước, quốc gia nào có nhiều khoáng sản sẽ có lợi thế trong phát triển kinh tế. Thế nhưng tài nguyên thiên nhiên luôn có hai mặt, vừa có thể mang đến nguồn thu nhập và thịnh vượng cho một đất nước, nhưng cũng có thể dẫn đến bất ổn và xung đột.

Tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong tổng vốn của một quốc gia. Ngoài đất đai, rừng, nước, quốc gia nào có nhiều khoáng sản sẽ có lợi thế trong phát triển kinh tế. Thế nhưng tài nguyên thiên nhiên luôn có hai mặt, vừa có thể mang đến nguồn thu nhập và thịnh vượng cho một đất nước, nhưng cũng có thể dẫn đến bất ổn và xung đột.

Ở nhiều quốc gia, tài nguyên trở thành nguồn gốc xung đột, làm biến đổi sinh kế, đe dọa môi trường, kích động tranh chấp quyền kiểm soát hoặc cung cấp tài lực để trang trải các chi phí chiến tranh. Minh bạch và quản trị tốt là những vấn đề quan trọng trong việc sử dụng tài nguyên.

Nghịch lý

Ý tưởng cho rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể là một lời nguyền kinh tế thay vì là phước lành bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980. Năm 1993, Richard Auty lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “lời nguyền tài nguyên” để mô tả vì sao những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên đã không thể sử dụng nguồn lực này để thúc đẩy nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên.

Rất nhiều công trình nghiên cứu khác cho thấy mối liên kết giữa tài nguyên thiên nhiên phong phú và tăng trưởng kinh tế kém. Thí dụ giai đoạn 1965-1998, tăng trưởng GNP bình quân đầu người ở các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm trung bình 1,3%, trong khi ở phần còn lại của thế giới đang phát triển, mức tăng trưởng trung bình là 2,2%.

Theo một nghiên cứu, nếu một quốc gia xuất khẩu hàng hóa cơ bản chiếm khoảng 25% GDP sẽ có 33% nguy cơ xung đột, nhưng khi xuất khẩu 5% GDP nguy cơ xung đột giảm còn 6%.

Nhiều nước giàu tài nguyên nhưng nền kinh tế vẫn đen đủi.

Nhiều nước giàu tài nguyên nhưng nền kinh tế vẫn đen đủi.

Để chỉ hiện tượng xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên gây thiệt hại cho các ngành sản xuất của một quốc gia, người ta thường nhắc đến “hội chứng Hà Lan”. Năm 1959, Hà Lan phát hiện mỏ khí đốt thiên nhiên khổng lồ ở vùng biển phía Bắc và đã nỗ lực xuất khẩu khí đốt để kiếm lợi nhuận. Đồng tiền Hà Lan đã mạnh lên nhanh chóng, làm tổn hại khả năng xuất khẩu các sản phẩm khác.

Và khi thị trường khí đốt biến động, Hà Lan bắt đầu vướng vào một cuộc suy thoái. Những diễn biến tương tự đã xảy ra ở nhiều quốc gia, có thể kể tới Venezuela (dầu mỏ), Angola (kim cương, dầu), Cộng hòa Dân chủ Congo (kim cương)... Tất cả tài nguyên này được coi là nguồn lực “tài nguyên bị nguyền rủa”.

Biến đổi xã hội

Khai thác tài nguyên có thể gây ra những sự biến đổi tai hại đối với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập từ tài nguyên cũng dẫn đến sự biến đổi về mặt xã hội. Với tâm lý sẵn có “của để dành”, lại được khuyến khích bởi sự gia tăng tỷ giá hối đoái thực (giúp cho chi phí trả lãi rẻ), chính phủ nhiều nước bắt đầu vay nợ để có thể chi tiêu nhiều hơn.

Trong khi đó, các bên cho vay nhìn vào nguồn tài nguyên như vật bảo chứng khả năng trả nợ nên cũng mạnh tay cung cấp tín dụng. Tuy nhiên, nếu giá cả tài nguyên giảm và tỷ giá hối đoái thực giảm, chính phủ nước đó sẽ lâm nguy vì thu nhập giảm trong lúc chi phí vay nợ lại trở nên đắt đỏ hơn.

Nhiều quốc gia giàu dầu mỏ như Nigeria và Venezuela từng trải qua kinh nghiệm cay đắng này. Vào thời kỳ bùng nổ giá dầu những năm 70 của thế kỷ trước, các nước giàu dầu mỏ đã tăng nhanh vay nợ, đến khi dầu rớt giá vào những năm 80, giới chủ nhà băng ngừng cho vay, khiến nhiều nước mang nợ phải chịu lãi suất phạt, lâm vào cảnh nợ chồng nợ.

Xuất khẩu tài nguyên dễ thu lợi nhuận nên nhà chức trách ít có động lực đa dạng hóa nền kinh tế. Ngay cả khi nhà chức trách cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế cũng rất khó, vì khai thác tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn nhà đầu tư hơn những ngành công nghiệp khác.Mặc dù ngành khai thác tài nguyên mang lại nhiều doanh thu nhưng lại có xu hướng hoạt động độc lập, thông thường tài nguyên đi từ mỏ ra cảng và xuất khẩu ra nước ngoài, thiếu sự kết nối với những lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Trong khi những nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc có động lực phát triển những thế mạnh khác để bù đắp, đầu tư thật nhiều cho ngành giáo dục, đã đi lên trở thành những nền kinh tế lớn mạnh, nhiều nước có tài nguyên quá ỷ lại vào nguồn lợi tài nguyên trước mắt đã lãng quên lợi ích trăm năm trồng người.

Ở những nước giàu có nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn thu ngân sách đã được đảm bảo nên nhà cầm quyền chẳng cần đánh thuế người dân. Người dân không bị đánh thuế nên họ cũng chẳng quan tâm tới việc chi tiêu ngân sách của chính phủ. Chưa kể tầng lớp cầm quyền có thể cảm thấy những yêu cầu phải hoạt động hiệu quả, chi tiêu thận trọng là mối đe dọa đến quyền lợi của họ.

Kết quả, tinh thần phục vụ công dân kém và nếu công dân khiếu nại, với khối tiền từ việc bán tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp các chính phủ huy động lực lượng vũ trang để giữ người dân trong vòng kiểm soát. Do đó, những quốc gia có nền kinh tế bị chi phối bởi các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thường có xu hướng tham nhũng và quản lý kém.

 Bên cạnh đó, tài nguyên thiên nhiên cũng có thể là nguyên nhân châm ngòi cho những cuộc tranh chấp giữa các thế lực trong nội bộ quốc gia hoặc kích nổ những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia.

----------

Kỳ 2: Chiến tranh tài nguyên

Các tin khác