Chật vật giảm dư nợ BĐS

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến thời hạn các NHTM phải giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống 22% theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 18 NHTM có dư nợ phi sản xuất cao hơn 22%, trong đó cá biệt có 1 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 50%. Vì vậy việc kéo giảm tỷ lệ này từ 22% xuống 16% vào cuối năm nay là thách thức lớn đối với các NHTM.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến thời hạn các NHTM phải giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống 22% theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 18 NHTM có dư nợ phi sản xuất cao hơn 22%, trong đó cá biệt có 1 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 50%. Vì vậy việc kéo giảm tỷ lệ này từ 22% xuống 16% vào cuối năm nay là thách thức lớn đối với các NHTM.

Muôn nẻo đối phó

Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến cuối tháng 5-2011 tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của hệ thống NHTM chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ, giảm 1,92% so với cuối năm 2010. Đa số NHTM đều giảm tỷ lệ dư nợ này xuống so với đầu năm, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 18 NHTM có dư nợ phi sản xuất cao, trong đó 8 NHTM có dư nợ trên 30%, cá biệt 1 NHTM dư nợ trên 50%.

Các NHTM đang nỗ lực giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống 22%. Ảnh: LÃ ANH

Các NHTM đang nỗ lực giảm tỷ lệ
dư nợ phi sản xuất xuống 22%. Ảnh: LÃ ANH

Một số NHTM thừa nhận đang khó khăn trong việc giảm dư nợ phi sản xuất mà chủ yếu là tín dụng bất động sản (BĐS) và chứng khoán.

Bà  Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng giám đốc DongABank, cho biết dư nợ phi sản xuất của DongABank hiện chiếm trên 17% tổng dư nợ và hiện nay DongABank không có chủ trương cho vay phi sản xuất, nhất là không cho vay chứng khoán và BĐS, chỉ cho một số ít khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.

Như vậy đến cuối năm DongABank nhiều khả năng sẽ giảm tỷ lệ phi sản xuất xuống 16% theo quy định của NHNN. Theo một lãnh đạo Ngân hàng Phương Tây, dù đến ngày 8-6 dư nợ cho vay phi sản xuất vẫn còn ở mức 29,8% nhưng ngân hàng này cam kết sẽ thực hiện  giảm còn 22% vào cuối tháng 6.

Một lãnh đạo của VietABank cho biết ngân hàng đang ngưng cho vay phi sản xuất cả đối với cho vay tiêu dùng chứ không riêng BĐS, chứng khoán. Nhưng vẫn khó thu hồi vì còn nhiều hợp đồng cho vay dài hạn.

Áp lực giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đang khiến nhiều ngân hàng lách bằng nhiều hình thức. Như việc có ngân hàng tiếp tục bơm vốn cho doanh nghiệp BĐS nhưng theo hợp đồng cho vay sản xuất kinh doanh, để doanh nghiệp này trả nợ cũ và hợp thức hóa việc thu hồi nợ BĐS.

Hoặc một số NHTM đẩy mạnh huy động vốn lãi suất cao trên thị trường và biến tướng số vốn huy động đó thành tiền thu hồi cho vay phi sản xuất. Ngoài ra, hiện nay một trong những giải pháp được các NHTM tính tới là tăng tỷ trọng cho vay sản xuất, theo đó ngân hàng có thể giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất.

Nhưng giải pháp này cũng chỉ vài ngân hàng áp dụng và theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietABank, là không dễ thực hiện vì nếu tăng mạnh tổng dư nợ, NHTM bị vướng “room” tăng trưởng tín dụng không quá 20% bất kỳ thời điểm nào trong năm theo quy định NHNN. Hơn nữa, ngoài việc lãi suất cao doanh nghiệp sản xuất ngại vay, hiện nay ngân hàng huy động vốn khó khăn nên không có nguồn vốn để cho vay.

Khó có đường lùi

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định sẽ không lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tín dụng phi sản xuất 22% trên tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 6 này. Thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ có chế tài xử lý với các ngân hàng không tuân thủ quy định đúng thời hạn.

Một số NHTM thừa nhận khó khăn nhất vào thời điểm này là việc giảm tỷ lệ tín dụng đối với các khoản vay BĐS, do các khoản vay đầu tư BĐS phần lớn là trung và dài hạn hàng chục năm, ngắn cũng phải 2-3 năm. Trong khi đó các khoản vay như chứng khoán, tiêu dùng không phải vấn đề quá khó vì đây là các khoản vay ngắn hạn, tài sản thế chấp là các loại hàng hóa ngân hàng có thể nhanh chóng phát mãi để thu hồi vốn.

Một phó tổng giám đốc HDBank cho biết trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay các chủ đầu tư không thể trả nợ cả gốc lẫn lãi, bởi các dự án đều không bán được sản phẩm hoặc chỉ tiêu thụ một số lượng rất ít, ngay cả những dự án căn hộ giá trung bình và chủ đầu tư đã chấp nhận bán với giá vốn.

Theo số liệu mới đây NHNN, dư nợ BĐS của hệ thống NHTM đầu năm là 235.000 tỷ đồng, đến nay còn 222.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ BĐS ở TPHCM là 95.000 tỷ đồng.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết gần đây nhiều NHTM tại TPHCM làm trung gian tìm đối tác, các nhà đầu tư để đàm phán hợp tác, sang nhượng một phần dự án đầu tư BĐS, giúp chủ đầu tư chia sẻ khó khăn và bản thân NHTM cũng dễ dàng thu hồi nợ.

Một khả năng các NHTM tính tới là có thể tìm cách hạch toán các khoản vay BĐS sang cho vay sản xuất. Bởi một vướng mắc của các NHTM trong việc thực hiện quy định này là hiện chưa có tiêu chí rõ ràng để phân biệt tín dụng sản xuất và phi sản xuất. Thí dụ lĩnh vực BĐS được xem thuộc phi sản xuất, nhưng thực tế có nhiều khoản vay BĐS nhằm phục vụ sản xuất như xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết sắp tới NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu tổng thể về thị trường BĐS nhằm giải quyết các vướng mắc trên.

Tuy nhiên, nhiều dự đoán nếu NHNN có thay đổi một vài danh mục cho vay phi sản xuất sang cho vay sản xuất, thực tế sẽ không đáng kể. Nhiều chuyên gia và NHTM cũng kiến nghị NHNN nên quy định mỗi ngân hàng phải đưa tín dụng phi sản xuất về các tỷ lệ khác nhau tùy vào quy mô vốn, cũng như tình hình tăng trưởng dư nợ chung của từng ngân hàng.

Chưa biết NHNN sẽ thay đổi như thế nào, nhưng thực tế hạn chót giảm dư nợ phi sản xuất xuống theo quy định đang đến gần. Nếu các NHTM không chủ động tìm “kế” chạy nước rút sẽ không tránh khỏi bị xử lý như công bố của NHNN.

Các tin khác