Cân nhắc khi hủy niêm yết

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN, cho rằng:

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN, cho rằng:

DN niêm yết hay hủy niêm yết (dù bắt buộc hay tự nguyện) là chuyện bình thường. Tuy nhiên, TTCK là thị trường có tổ chức, là sân chơi bình đẳng của doanh nghiệp (DN) và công chúng đầu tư, nơi thể hiện tính đại chúng và bộc lộ các hệ lụy (xấu, tốt) đối với  thị trường và cổ đông một cách rõ rệt nhất, nên nếu không vì lý do nội tại của DN, việc rút khỏi niêm yết phải cân nhắc kỹ.

Hiện HOSE, HNX và UBCKNN chưa nhận được văn bản chính thức đề nghị hủy niêm yết của DN. Tuy nhiên, những gì tôi được biết lý do DN xin hủy niêm yết không thực sự thuyết phục. Phải thấy rằng, khi niêm yết DN đã có thêm kênh huy động vốn trung và dài hạn, góp phần cho DN tăng trưởng vốn nhanh chóng và mở rộng quy mô hoạt động.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, một DN tự nguyện xin rút khỏi niêm yết phải thực hiện những thủ tục gì?

Ông NGUYỄN SƠN: - Trường hợp huỷ niêm yết tự nguyện, tổ chức niêm yết phải có đơn đề nghị huỷ bỏ niêm yết, có nghị quyết đại hội cổ đông đồng ý và cơ quan quản lý sẽ xem xét.

Trong 10 năm qua, TTCK Việt Nam đã có một số công ty bị hủy niêm yết bắt buộc, còn đối với hủy niêm yết tự nguyện có lẽ SGT và SQC là lần đầu tiên. Vì vậy, ở góc độ quản lý buộc Sở GDCK và UBCKNN xem xét một cách thận trọng, vừa bảo đảm tính tự quyết của DN, vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ.

- Quan điểm của ông ra sao khi nhiều ý kiến cho rằng DN hủy niêm yết vì lý do thị trường sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác và có thể dẫn đến một trào lưu?

- Niêm yết hoặc hủy niêm yết chắc chắn sẽ có tác động tới NĐT, các cổ đông và từ đó ảnh hưởng tới cả thị trường. Vì vậy, DN phải cân nhắc kỹ, không thể thích thì vào, không thích thì hủy niêm yết, rất nhiều hệ lụy xảy ra khi DN chủ động hủy niêm yết mà không vì lý do tài chính.

Theo tôi, lúc này có thể TTCK đang khó khăn, giá CP giao dịch trên thị trường không phản ánh đúng giá trị sổ sách của công ty. Đó là thực trạng chung các DN niêm yết hiện nay đang gặp phải và chuyện đó cũng bình thường như các TTCK khác.

Thử hình dung xem, TTCK sẽ biến động ra sao nếu các DN khác cũng theo SGT và SQC vì khó khăn và cùng xin rút niêm yết hết, rồi sau đó khi thị trường hồi phục, tất cả đồng loạt nộp hồ sơ niêm yết trở lại? Theo tôi, TTCK là thị trường có tổ chức, không thể DN vào ra một cách tự do.

Trường hợp DN đang hoạt động bình thường, vẫn có lãi như SGT và SQC lại chủ động rút khỏi niêm yết nên cân nhắc kỹ đến 3 điểm: Thứ nhất, dù có hủy niêm yết mà không có cấu trúc lại công ty, DN vẫn là công ty đại chúng và vẫn phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo luật định.

Thứ hai, hủy niêm yết sẽ rất khó khăn cho các cổ đông nhỏ của công ty trong việc chuyển nhượng, từ đó ảnh hưởng tới thanh khoản của CP, đặc biệt là các cổ đông mua CP trên thị trường thứ cấp (khi niêm yết) chứ không phải mua khi chào bán lần đầu.

Thứ ba, việc hủy niêm yết khi công ty vẫn hoạt động bình thường và có lãi sẽ có tác động tâm lý không tốt cho các DN khác.

-  Xin cảm ơn ông.

Các tin khác