Cần minh bạch lãi suất

Thị trường tiền tệ đang ngóng chờ thông tin mới về điều hành chính sách lãi suất từ NHNN với 2 phương án được đưa ra thảo luận; trong đó có ý kiến về áp dụng trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, theo PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, 2 phương án trên đều không khả thi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ông Ngân cho biết:

Thị trường tiền tệ đang ngóng chờ thông tin mới về điều hành chính sách lãi suất từ NHNN với 2 phương án được đưa ra thảo luận; trong đó có ý kiến về áp dụng trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, theo PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, 2 phương án trên đều không khả thi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ông Ngân cho biết:

Thực tế thời gian qua nhiều NHTM tìm cách vượt rào trần lãi suất huy động 14%/năm. Những vi phạm này đến nay vẫn chưa “trị” dứt, nên việc áp thêm trần lãi suất cho vay là không khả thi, tình trạng lách lãi suất cho vay sẽ tiếp tục phổ biến.

Để giảm, tiến tới chấm dứt những vi phạm trên, cần giải quyết triệt để những tồn tại trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như trong hoạt động của NHTM.

Thứ nhất, hiện nay nhiều NHTM nhỏ đang có rất nhiều dư nợ trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, lĩnh vực này đang “đóng băng”, vốn NH nằm trong đó và dư nợ thường xuyên quá hạn. Cộng với việc nhiều NHTM khác cạnh tranh hút vốn tiền gửi, đã khiến các NHTM nhỏ thường xuyên thiếu hụt thanh khoản. Giải quyết được vấn đề này ở các NHTM nhỏ sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn lãi suất hiện nay.

Thứ hai, phải xác định rõ vai trò của NHNN trên thị trường tiền tệ, cụ thể thị trường liên NH, tránh để tình trạng các NHTM lớn và NHTM nhỏ cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến việc “cá lớn nuốt cá bé” làm rối thêm thị trường lãi suất.

Thứ ba, phải xác định rõ mục tiêu lãi suất bao nhiêu là hợp lý so với yêu cầu của nền kinh tế và lạm phát. Thực tế hiện nay việc điều hành lãi suất chưa thể hiện rõ mục tiêu trong trung và dài hạn.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vậy cơ chế điều hành lãi suất thời gian tới phải như thế nào?

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Theo tôi, NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động tiền gửi và không cần quy định trần lãi suất cho vay. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ giúp thị trường lãi suất minh bạch hơn, giúp NHNN nắm rõ hơn bản chất của thị trường tiền tệ. Bởi hiện nay không chỉ lãi suất bị méo mó mà cả những lĩnh vực kinh doanh khác của NHTM cũng méo mó theo.

Lãi suất cần minh bạch, cạnh tranh trên uy tín và chất lượng dịch vụ. Ảnh: LÃ ANH

Lãi suất cần minh bạch, cạnh tranh trên uy tín
và chất lượng dịch vụ. Ảnh: LÃ ANH

Đặc biệt, việc bỏ trần lãi suất sẽ ngăn chặn việc đối phó vượt rào lãi suất của các NHTM. NHNN cũng không phải tốn nhân lực và chi phí để thanh tra giám sát tình trạng lách luật của các NHTM. Từ sự minh bạch công khai của lãi suất cùng chính sách bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền sẽ cẩn thận và cân nhắc chọn gửi tiền ở những NH có uy tín, NH tốt, thay vì gửi tiền ở NH có lãi suất huy động cao dẫn đến cuộc đua lãi suất gây rối thị trường.

Qua khảo sát, có thể nhận thấy hầu hết NHTM làm ăn bài bản đều ủng hộ quan điểm hướng đến một thị trường lãi suất minh bạch, cạnh tranh trên uy tín và chất lượng dịch vụ.

- Có ý kiến cho rằng lãi suất phải thực dương. Theo ông, lãi suất huy động và cho vay ở nước ta ở mức nào hợp lý?

-  Ở đây cần xác định lãi suất thực dương là lãi suất gì? Lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát hay lãi suất cho vay cao hơn lạm phát? Đa số các nước trên thế giới điều hành lãi suất thực dương theo hướng lãi suất cho vay cao hơn lạm phát, còn lãi suất tiền gửi không cao hơn lạm phát.

Điều này cho thấy điều hành chính sách lãi suất của Việt Nam chạy theo chính sách thực dương với tiền gửi là không đúng. Với lãi suất tiền gửi cao người giàu có tiền nhiều gửi tiết kiệm NH càng giàu thêm.

Lạm phát phần lớn do những tác nhân khách quan chứ không phải do chính sách tiền tệ. Khi những tác nhân ấy mất đi, lạm phát sẽ dịu nên lãi suất tiền gửi không cần phải cao. Thí dụ, Singapore lạm phát 5% nhưng lãi suất tiền gửi chỉ dao động 0,4-0,8%/năm; Thái Lan lạm phát 3,5%, lãi suất tiền gửi chỉ 2%/năm trở lại; Trung Quốc lạm phát 5,3%, lãi suất tiền gửi tối đa 3,25%/năm; Hoa Kỳ lạm phát 3,2%, lãi suất tiền gửi chỉ 0,8%/năm…

Ngược lại lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất, dẫn tới công nhân thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm, đời sống người nghèo càng khó khăn.

Theo tôi, lãi suất huy động hiện nay chỉ nên 14%/năm và lãi suất cho vay 17-18%/năm; trong đó lãi suất cho vay tiêu dùng có thể cao hơn 20%/năm. Lãi suất tiền gửi giảm, doanh nghiệp mới có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, lãi suất cho vay 17-18%/năm, doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 20-21%/năm có thể hoạt động tốt.  

- Để giải quyết tình trạng vốn NHTM nhỏ đóng băng trong lĩnh vực bất động sản, theo ông NHNN nên có cơ chế gì?

- Tôi đồng ý với quan điểm của một quan chức Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (đăng trên ĐTTC số gần đây) là NHNN nên bơm vốn trực tiếp theo hình thức tái cấp vốn cho các NHTM nhỏ với điều kiện thế chấp vốn điều lệ. Giải quyết bài toán này chỉ có NHNN mới làm được.

Ngoài ra, khi chính sách tài khóa có dấu hiệu thắt chặt, chính sách tiền tệ cần linh hoạt. Chính sách tài khóa cần phải giám sát chặt chẽ, thắt chặt với toàn bộ cắt giảm đầu tư công 97.000 tỷ đồng, làm cơ sở để thực hiện chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Có nhiều phương án để thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.

Một trong những phương án là bơm vốn cho các NHTM nhỏ thông qua thế chấp bằng vốn điều lệ với kỳ hạn từ 6-12 tháng sắp xếp tái cấu trúc. Khi thị trường liên NH đã ổn định, NHNN cũng nên bỏ quy định về hạn mức cho vay trên huy động, mà chỉ nên quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

- Có ý kiến cho rằng NHNN cần phát hành tín phiếu bắt buộc hoặc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để trung hòa lượng tiền đồng vừa bơm ra thị trường để mua 1 tỷ USD. Ông nhận định gì về việc này?

- Hiện nay thị trường tiền tệ đang thiếu thanh khoản. Vì thế, khi NHNN bơm ra khoảng 20.000 tỷ đồng để mua 1 tỷ USD, không cần thiết phải hút vào nhanh chóng qua việc phát hành tín phiếu bắt buộc hoặc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dù việc này có thể giúp NH giảm chi phí trong huy động vốn.

NHNN có thể thông qua thị trường mở để trung hòa dần nguồn vốn bơm ra thị trường mà không lo ngại đến lạm phát.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác