Áp lực ngành xi măng, sắt thép

Sau một thời gian tăng giá với tốc độ chóng mặt, giá thép đã có dấu hiệu chững lại. Trong lúc đó, “bạn đồng hành” với thép, xi măng cũng đang đối mặt với nguy cơ tồn kho cao.

Sau một thời gian tăng giá với tốc độ chóng mặt, giá thép đã có dấu hiệu chững lại. Trong lúc đó, “bạn đồng hành” với thép, xi măng cũng đang đối mặt với nguy cơ tồn kho cao.

Thép hạ nhiệt để chờ... tăng giá

Từ đầu năm 2011, giá thép đã trở thành nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp bất động sản khi liên tục tăng “phi mã”. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá thép đã leo thang tới 4-5 lần, mỗi lần khoảng 400.000-600.000 đồng/tấn, thậm chí 800.000 đồng/tấn.

Từ đầu năm 2011, giá thép đã liên tục tăng “phi mã”.
Từ đầu năm 2011, giá thép đã liên tục tăng “phi mã”.

Tổng mức tăng gần 2 triệu đồng/tấn, đẩy giá thép chạm ngưỡng 19 triệu đồng/tấn khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng lao đao. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thép đã có dấu hiệu chững lại với mức giảm khoảng 500.000-600.000 đồng/tấn so với trước.

Hiện nay nhiều đại lý đã giảm giá bán thấp hơn giá bán tại nhà máy từ 200.000-300.000 đồng/tấn. Trong khi đó giá thép D6, D8 của Thép Việt Úc, Hòa Phát vẫn còn ở mức cao với 1,81 triệu đồng/tấn, thép cây D25 796.000 đồng/cây, thép D16 312.000 đồng/cây…

Điều này được lý giải do các công ty thương mại, xây dựng đã mua tích trữ, ôm một lượng lớn thép khi thị trường đang sôi động và nay phải xả hàng để cắt lỗ. Tuy nhiên, theo chủ doanh nghiệp Song Nhi - đại lý thép lớn trên phố Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thép khó có thể giảm sâu hơn nữa, thậm chí còn có nguy cơ tăng trở lại do các yếu tố tác động đến việc tăng giá thành như phôi thép, thép phế, giá USD, điều chỉnh giá điện...

Một thách thức mới với giá thép là đang đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Nếu không tăng giá sẽ không thể trụ được với giá xăng, điện tăng; tăng giá khả năng sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại có giá rẻ hơn tràn vào. 2 tháng đầu năm nay, thị phần thép cuộn phi 6, phi 8 của các doanh nghiệp phía Nam chỉ còn 14%, phía Bắc còn 20%; trong khi các tháng trước đó, tỷ lệ này là 30%.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phải lên tiếng kiến nghị kiểm soát tình trạng nhập khẩu thép cuộn phi 6, phi 8, kể cả que hàn. Tuy nhiên, đối mặt với thép ngoại vẫn luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp trong nước.

Xi măng đóng băng?

Trong khi giá thép có dấu hiệu tạm lắng để chờ đợt tăng giá mới, thì giá xi măng vẫn giữ nguyên. Hiện tại, giá xi măng ở các tỉnh phía Bắc dao động quanh mức 1,1-1,4 triệu đồng/tấn, tại các tỉnh phía Nam ở mức 1,44-1,48 triệu đồng/tấn. Cụ thể, giá xi măng Chifon đang được bán với giá 1,3 triệu đồng/tấn, xi măng Hoàng Thạch có giá 1,4 triệu đồng/tấn….

Tuy nhiên, theo một chủ đại lý vật liệu xây dựng ở phố Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội, mức báo giá của doanh nghiệp chỉ có thể giữ được trong vòng 5-7 ngày vì giá cả vẫn tiếp tục biến động.

Hiện nay, cũng giống như thép, xi măng đang phải đối mặt với “bài toán lớn” của mình. Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh Văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam, 2 tháng đầu năm lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này chỉ đạt 6,2 triệu tấn, thấp hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái 7 triệu tấn.

“Với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ theo dự báo vào khoảng 10% và đạt mức 55-56 triệu tấn, lẽ ra trong 2 tháng đầu năm 2011, sản lượng tiêu thụ phải đạt khoảng 8 triệu tấn mới đạt yêu cầu. Như vậy, mặc dù giá tăng hơn so với trước, nhưng ngành xi măng lại đang phải đối mặt với nguy cơ tồn kho một lượng xi măng lớn.

Với giá thành và sức mua như năm ngoái, hết quý III, sản lượng xi măng tồn kho rất lớn, năm nay tình hình có thể sẽ còn xấu hơn. Điều này đặc biệt bất lợi đối với các doanh nghiệp nhỏ khi mức cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều lần, trong khi họ khó có thể tăng giá bán”- một doanh nghiệp sản xuất  xi măng cho biết.

Trao đổi với ĐTTC, đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho rằng việc xi măng tồn kho không phải là vấn đề đáng lo ngại, các doanh nghiệp của VICEM không bị tồn kho nhiều do tác động của đợt tăng giá. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã cảnh báo, với tác động của các yếu tố kinh tế, cộng với sức mua có xu hướng giảm sút, xi măng dư thừa do không bán được là hệ quả có thể nhìn thấy từ trước và sẽ trở thành áp lực lớn đối với ngành sản xuất xi măng.

Các tin khác