Giám sát, cân nhắc đầu tư ra nước ngoài

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) trỗi dậy trong những tháng đầu năm 2011 đang khiến các cơ quan quản lý lo ngại, nhất là trong bối cảnh kiềm chế nhập siêu đang là mục tiêu hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản đề nghị trước ngày 15-4 các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước báo cáo về tình hình thực hiện các dự án ĐTRNN, đồng thời cân đối lại kế hoạch chuyển vốn ra nước ngoài trong năm 2011 cho phù hợp.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) trỗi dậy trong những tháng đầu năm 2011 đang khiến các cơ quan quản lý lo ngại, nhất là trong bối cảnh kiềm chế nhập siêu đang là mục tiêu hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản đề nghị trước ngày 15-4 các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước báo cáo về tình hình thực hiện các dự án ĐTRNN, đồng thời cân đối lại kế hoạch chuyển vốn ra nước ngoài trong năm 2011 cho phù hợp.

Bất ngờ 2 tháng đầu năm

Đầu tháng 3-2011, CTCP Việt - Lào (Tập đoàn Sông Đà nắm cổ phần chi phối) đã khởi công dự án thủy điện Xekaman 1 tại huyện Sanxay, tỉnh Attapeu (Lào) với tổng mức đầu tư 441 triệu USD. Đây là dự án điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Lào cho đến thời điểm này.

5 năm trước, ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ quanh quẩn ở Lào và Campuchia với các dự án trồng rừng, thủy điện, khai khoáng. Nay có tổng cộng 575 dự án của các doanh nghiệp đầu tư ra 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 23,7 tỷ USD, trong đó phần vốn của nhà đầu tư trong nước đã vượt 10 tỷ USD. Các dự án ĐTRNN đã vươn ra nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và các nước châu Phi.

Cục đầu tư nước ngoài

Cũng dịp này, Tập đoàn Sông Đà tiếp tục nhận giấy chứng nhận ĐTRNN cho dự án thủy điện Sekong 3 tại Lào, tổng mức đầu tư 275 triệu USD, công suất 205MW. Như vậy, chỉ tính riêng tập đoàn này, đến nay đã có 3 dự án điện chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư tại Lào có tổng mức đầu tư 1,03 tỷ USD.

Trong bối cảnh đầu tư vào ngành điện trong nước đang còn nhiều bất cập, việc nhiều doanh nghiệp chuyển một lượng ngoại tệ lớn ra nước ngoài để đầu tư thủy điện là vấn đề đáng suy nghĩ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011 đã có 3 dự án thuộc phân ngành sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa nhiệt độ được các nhà đầu tư Việt Nam đăng ký ĐTRNN, vốn đăng ký lên đến trên 1,2 tỷ USD, chiếm tới 97% tổng vốn ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ trong 2 tháng đầu năm lượng vốn đăng ký ĐTRNN đã tăng tới 93 lần so với cả 10 năm đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu “mang chuông đi đánh xứ người”, với 16 dự án thuộc 9 phân ngành đầu tư có tổng vốn đăng ký trên 1,264 tỷ USD, chỉ thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cùng kỳ.

Cần cơ chế quản lý, giám sát

Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nước đang khan hiếm, cán cân thanh toán tổng thể đang bị thâm hụt, chuyển vốn đầu tư ồ ạt ra nước ngoài khiến nhiều người lo ngại. Tất nhiên, khi nước ta đã hội nhập quốc tế, việc các doanh nghiệp ĐTRNN là điều bình thường.

Nếu như trước đây đầu tư nước ngoài vào nước ta nhiều, có thặng dư vốn nên mới khuyến khích ĐTRNN. Tình hình bây giờ đã khác, chúng ta phải cẩn trọng trong việc xem xét ĐTRNN, chỉ nên quyết định với những dự án có hiệu quả cao.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương

Nhưng vấn đề đặt ra là phải có cơ chế quản lý bảo đảm vừa thông thoáng về thủ tục, nhưng cũng chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả trong ĐTRNN. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lợi nhuận các dự án ĐTRNN đến nay chuyển về nước mới đạt… 39 triệu USD. Mặc dù, tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước, song tỷ suất lợi nhuận giữa vốn chuyển về nước và vốn chuyển ra nước ngoài đạt tỷ lệ thấp: 0,46% cho cả giai đoạn hơn 10 trở lại đây.

Hiện tượng này cho thấy về ngắn hạn, ĐTRNN của các doanh nghiệp nước ta đang tạo nên sự mất cân đối lớn giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án, tạo thêm gánh nặng cán cân thanh toán trong bối cảnh cán cân thanh toán đang bị thâm hụt lớn.

Bên cạnh đó, phần lớn dự án ĐTRNN được thực hiện chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu nhà nước nhưng đến nay hành lang pháp lý vẫn còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế giám sát riêng về đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí quản lý đối với doanh nghiệp ĐTRNN. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, thất thoát. Theo một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, căn cứ vào báo cáo tình hình ĐTRNN của các doanh nghiệp, sẽ có giải pháp để nâng cao hiệu quả trong hoạt động này.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp khai thác tối đa các tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại địa bàn nước sở tại, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư, sớm đi vào hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực và chuyển lợi nhuận về nước.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo một thông tư liên quan tới hoạt động ĐTRNN theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, hàng quý, doanh nghiệp ĐTRNN phải báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư. Ngân hàng nơi nhà đầu tư mở tài khoản phải báo cáo tình hình tài khoản hàng tháng, hàng quý, thay vì hàng năm.

Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng hoặc dự án có quy mô vốn trên 10 triệu USD, phải đăng ký tài khoản và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. Riêng với lĩnh vực dầu khí, nhà đầu tư thực hiện đầu tư có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phải đăng ký việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước và phải được cơ quan này xác nhận việc đăng ký bằng văn bản trước khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Các tin khác