“Nắn” dòng USD sang VNĐ

Khi NHNN ban hành Thông tư 09 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD chỉ còn 3%/năm (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13-4-2011), với kỳ vọng chuyển dần quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra.

Khi NHNN ban hành Thông tư 09 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD chỉ còn 3%/năm (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13-4-2011), với kỳ vọng chuyển dần quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra.

Đón đầu hạ lãi suất USD

Như vậy mức lãi suất huy động tối đa bằng USD đối với cá nhân là 3%/năm và đối với tổ chức vẫn giữ ở mức 1%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ. Đối với lãi suất huy động vốn có kỳ hạn bằng USD của cá nhân tại tổ chức tín dụng phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn đã  thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. 

Người dân đã bắt đầu quen dần với việc bán USD tại các NHTM. Ảnh: LÃ ANH

Người dân đã bắt đầu quen dần với việc bán USD tại các NHTM.
Ảnh: LÃ ANH

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Quyết định số 750 điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng tăng thêm 2 điểm phần trăm, có hiệu lực từ tháng 5-2011. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho tất cả các ngân hàng là 6% trên tổng số dư tiền gửi, trừ Agribank, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương (QTDNNTW), ngân hàng hợp tác là 5%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ đối với tất cả các ngân hàng là 4% trên tổng số dư (trừ Agribank,  QTDNDTW, ngân hàng hợp tác tỷ lệ 3%).

Hiện một số ngân hàng cổ phần vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động bằng USD ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện theo chỉ đạo của NHNN. Hướng điều chỉnh của biểu lãi suất mới như thế nào các ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch, nhưng theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có thể sẽ tái diễn tình trạng lãi suất huy động USD ở tất cả kỳ hạn đều bằng 3%/năm trong thời gian tới, giống như lãi suất tiền đồng hiện đều ở mức 14%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.

Với các ngân hàng nhỏ sẽ nhìn biểu lãi suất của ngân hàng lớn mới điều chỉnh. Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 3, các NHTM đã bắt đầu cắt giảm lãi suất huy động USD. Thay vì tăng cao trên 6%/năm như trước đó, nhiều ngân hàng đã kéo xuống chỉ còn quanh mức 5%/năm, thậm chí Sacombank giảm còn 4,88% với khoản tiền trên 300.000USD kỳ hạn 2-3 tháng. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng cho rằng việc giảm mạnh lãi suất huy động bằng USD từ mức cao nhất hiện nay trên 6% xuống chỉ còn 3% có thể sẽ gây khó khăn cho việc huy động ngoại tệ.

Giảm tín dụng ngoại tệ

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng giải pháp mới này của NHNN sẽ khiến các NHTM phải tính toán, cân nhắc lại bài toán huy động và cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian tới. Bởi tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng chi phí vốn. Điều này phù hợp với mục tiêu của NHNN là khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm 2011, đặc biệt việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.

Hiện nay Chính phủ đang khá mạnh tay trong việc kiểm soát nhập siêu nên cầu không căng thẳng. Do đó, lãi suất huy động USD giảm là điều tất yếu. Chỉ trừ trường hợp ngân hàng nào quá khó khăn về thanh khoản mới duy trì lãi suất huy động USD ở mức cao. Xu hướng sắp tới là tiến tới giảm mạnh lãi suất huy động USD.

TS. Trần Du Lịch,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ

Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động bằng USD sẽ làm tăng tính hấp dẫn của tiền đồng khi chênh lệch lãi suất tăng cao, người gửi tiền sẽ chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Lãi suất huy động tiền đồng hiện nay là 14%/năm (chưa kể ngân hàng vượt rào), lãi suất USD 3%/năm, như vậy mức chênh lệch thấp nhất là 11%. Nếu tỷ giá tiếp tục được điều hành ổn định như hiện nay và NHNN muốn duy trì sự hấp dẫn của tiền đồng, khả năng năm 2011 người nắm giữ tiền đồng sẽ có lợi hơn.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm vẫn còn cao và có thể hạ thấp hơn nữa. Lãi suất tiền gửi USD quá cao thời gian qua đã tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư và doanh nghiệp, từ đó làm căng thẳng nguồn cung ngoại tệ cho khu vực sản xuất kinh doanh. Việc áp trần lãi suất huy động đối với USD của người dân sẽ không làm giảm dòng kiều hối.

Trước đây lãi suất huy động USD cao nhưng cũng không hẳn thu hút nhiều USD từ bên ngoài vì rào cản quan trọng nhất là khó chuyển ngược USD ra. Việc đem ngoại tệ vào gửi để ăn chênh lệch lãi suất là ít vì không dễ để chuyển ngược ra được. Chuyển “chui” rủi ro cao và không phải ai cũng thực hiện.

Các tin khác