SWF: Thế lực đầu tư mới - Kỳ 1: Bạn hay thù?

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, hoạt động đầu tư của các SWF bắt đầu bị dòm ngó. Lợi dụng những khó khăn tài chính của các công ty trước khủng hoảng, các SWF gia tăng việc mua lại tài sản nước ngoài, khiến nhiều người lo ngại các chính phủ sẽ dùng SWF như những cánh tay nối dài để thâm nhập nền kinh tế nước ngoài, trong khi một số lại tin rằng SWF chính là các cứu tinh.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, hoạt động đầu tư của các SWF bắt đầu bị dòm ngó. Lợi dụng những khó khăn tài chính của các công ty trước khủng hoảng, các SWF gia tăng việc mua lại tài sản nước ngoài, khiến nhiều người lo ngại các chính phủ sẽ dùng SWF như những cánh tay nối dài để thâm nhập nền kinh tế nước ngoài, trong khi một số lại tin rằng SWF chính là các cứu tinh.

Nổi lên từ vô danh

Khi cụm từ SWF (sovereign wealth funds) được nhà báo Andrew Rozanov dùng đầu tiên vào năm 2005, tổng tài sản do các SWF quản lý chỉ đạt 1.500 tỷ USD. Giới chuyên môn lúc đó hầu như không để ý đến các hoạt động của SWF, vì các quỹ này chỉ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ hoặc doanh nghiệp, nếu đầu tư vào cổ phiếu cũng chỉ để “lướt sóng” kiếm lời chứ không can thiệp vào chuyện điều hành công ty.

Tuy nhiên trong thời kỳ hanh thông của kinh tế toàn cầu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng, nguồn thu dồi dào từ thặng dư mậu dịch ở các nước châu Á hoặc từ dầu mỏ của các nước Trung Đông đã giúp các chính phủ đạt những khoản dự trữ khổng lồ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến năm 2007 dự trữ vượt mức (excess reserves - dự trữ vượt mức cần thiết) của các nước đang nổi và các nước xuất khẩu dầu mỏ đạt trên 3.000 tỷ USD. Trong đó, nước có dự trữ vượt mức cao nhất là Trung Quốc với 1.306 tỷ USD.

 

Với khoản dự trữ dư thừa này, các chính phủ bắt đầu mạnh tay hơn trong hoạt động đầu tư, khiến tổng tài sản của các SWF tăng vọt 100%, từ 1.500 tỷ USD năm 2005 lên 3.000 tỷ USD vào năm 2007. Đồng thời, các SWF cũng được phép thay đổi chiến lược đầu tư từ trái phiếu sang cổ phần tại những công ty then chốt của nước ngoài. Chính sự thay đổi chiến lược đầu tư của SWF đã khiến chúng bị rơi vào tầm ngắm của giới quan sát quốc tế, đặc biệt sau khi việc mua lại Công ty Viễn thông Shin Corp (Thái Lan) của Tập đoàn Temasek Holding (SWF Singapore) khiến làn sóng chống đối Thủ tướng Thaksin Shinawatra bùng nổ, dẫn đến việc đảo chính tại Thái Lan vào năm 2006.

Lo ngại

Sự nổi lên nhanh chóng của các SWF đang khiến thế giới cảm thấy e ngại. Những lo ngại liên quan đến SWF bao gồm 2 vấn đề: Thứ nhất, tài sản do SWF rất lớn. Và khi một lượng tài sản lớn nằm trong tay bất kỳ ai đều đáng lo ngại, dù đó là cá nhân, ngân hàng hay một chính phủ. Thứ hai, SWF là công cụ đầu tư của một chính phủ, trong khi mối quan tâm của bất kỳ chính phủ nào không chỉ lợi nhuận mà còn ẩn chứa những quyền lợi chiến lược khác. SWF bị nhiều người cho là những công cụ mà nước ngoài có thể dùng để chiếm hữu những tài sản thương mại nhạy cảm, những thông tin kỹ thuật và đe dọa an ninh kinh tế của quốc gia họ đầu tư.Chẳng hạn, SWF của Trung Quốc có thể đầu tư vào một công ty then chốt ở nước ngoài, sau đó dùng ảnh hưởng của họ để làm giảm hoạt động cạnh tranh trực tiếp với những nhà sản xuất Trung Quốc, hoặc có thể thúc đẩy những hoạt động cạnh tranh gay gắt hơn với các công ty đối thủ ở nước khác.

Hoạt động mang tính “bành trướng” của SWF còn khiến người ta lo ngại nước ngoài sẽ nắm hết những nguồn tài nguyên trong nước thông qua việc thôn tính hoặc đấu thầu. Những lo ngại này được cảm thấy trước nỗ lực mua lại các cảng biển Hoa Kỳ của Dubai Ports World năm 2006 và nỗ lực mở rộng mạnh mẽ của Gazprom (Nga), dù trong thực tế đó là 2 công ty, không phải SWF. Hay như thương vụ mua lại Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto ở Australia năm 2009 của nhà sản xuất nhôm Trung Quốc Chinalco. Thương vụ đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Australia, từ dân thường đến các nhà chính trị và cơ quan truyền thông, thông qua chiến dịch “Giữ nước Australia của người Australia”. Có thể chiến dịch này đã góp phần làm Rio Tinto và giới chức trách Australia “nói không” với Chinalco sau đó.

Cần có “quy ước hành xử”

Trong bối cảnh nhiều công ty có thể bị phá sản nếu không “xoay” được nguồn tài chính mới, sự giàu có của các SWF luôn khiến nhiều người thèm muốn. Một số người không ngần ngại gán cho các SWF mỹ danh “cứu tinh”. Chẳng hạn, phát biểu trên tờ New York Times số ra ngày 21-8-2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ lúc đó là ông Henry M.Pausol đã khẳng định: “Tôi không thích gì hơn việc có thể kiếm thêm tiền từ các quỹ đó”.

Nhưng việc xem các SWF như những cứu tinh của hệ thống tài chính phương Tây đang được phóng đại bởi hoạt động đầu tư của SWF vào các định chế tài chính phương Tây ngày càng ít đi, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Giai đoạn này, cùng với các nhà đầu tư toàn cầu, SWF chứng kiến sự tụt giảm 20-30% giá trị thị trường trong các khoản đầu tư. Và thực tế cũng chứng minh trong giai đoạn 2007-2009, các SWF hầu như không đóng vai trò gì trong việc cứu thế giới thoát khỏi khủng hoảng tài chính.

Dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của các SWF trong năm 2010 vẫn là đề tài gây tranh cãi ở Bắc Mỹ và châu Âu. Thậm chí có những đề xuất cần có những quy định riêng cho các hoạt động đầu tư của SWF. Chẳng hạn Hoa Kỳ thúc đẩy IMF và Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra một “quy ước hành xử” cho các SWF, trong đó có việc bắt buộc các quỹ này phải công bố phương thức đầu tư và cam kết không can thiệp vào chính trị của nước họ đầu tư.

-------------

> Kỳ 2: Thay đổi chiến lược

Các tin khác