Những công trình hoang

Bài 4: Bãi rác giữa phường Tân Thới Nhất

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

> Bài 2: Công viên "trùm mền"

> Bài 3: Làng đại học vẫn là… xóm nhà lá

740 hộ dân ở phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) bị giải tỏa, di dời để nhường đất cho dự án xây dựng khu tái định cư. Nhưng giải tỏa nửa chừng thì dự án bị đình trệ, đất bỏ không suốt 9 năm nay, trở thành một khu đất hoang mênh mông, tệ nạn hút chích, cướp giật hoành hành. Người dân không có nhà ở, Nhà nước không quỹ nhà tái định cư.

Năng lực hạn chế

Năm 2002, UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư ở phường Tân Thới Nhất với mục đích sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và các hộ dân bị giải tỏa di dời trong dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh và các dự án khác trên địa bàn quận 12. UBND TP đã ra quyết định thành lập Ban quản lý dự á

n và giao cho Công ty Công trình giao thông công chánh TPHCM thuộc Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 38ha, trong đó 36,2ha thu hồi từ 740 hộ dân đang sử dụng đất (có 719 hộ bị giải tỏa trắng). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo kế hoạch dự án khu tái định cư này sẽ được hoàn thành vào năm 2007, nhưng sau khi giải tỏa được 20ha, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ - do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Sự chậm trễ của dự án đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận, những người dân nhường đất cho dự án phải sống lây lất trong các căn nhà thuê để chờ tái định cư, trong khi đó đất thu hồi bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí rất lớn.

Khu đất 20ha này đã bị bỏ hoang suốt 9 năm nay. Ảnh: LÃ ANH

Khu đất 20ha này đã bị bỏ hoang suốt 9 năm nay. Ảnh: LÃ ANH

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Tân Thới Nhất, cho biết: “Từ khi đất bị bỏ hoang, cỏ và cây dại mọc um tùm, nơi đây trở thành chỗ đổ rác, tập kết vật liệu phế thải của những người mua bán ve chai và là tụ điểm cho các tệ nạn xã hội. Một số người dân đi tập thể dục qua đây lúc sáng sớm đã bị bọn cướp trấn lột. Người dân rất bất bình, vì khi chấp nhận di dời, chủ đầu tư đã hứa ở nhà thuê tạm vài ba năm, sau khi dự án xây dựng xong sẽ được trở về an cư tại khu tái định cư nơi đây. nhưng rồi đã gần 10 năm họ vẫn cứ phải sống tạm bợ”. Được biết, hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải chi một khoản tiền không nhỏ để bà con tạm cư trong thời gian thi công dự án.

Những người dân đã di dời bị lâm vào cảnh khốn khổ, còn những người chưa di dời cũng không khá hơn. Đến nay dự án còn khoảng 10ha chưa giải  tỏa xong, từ nhiều năm nay các hộ dân chưa giải tỏa phải sống trong cảnh quy hoạch “treo”. Anh Hoàng Minh Mẫn ở khu phố 4 bức xúc: “Giá đền bù chỉ 180.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp), quá thấp nên bà con không chịu, cứ bám trụ lại cho đến bây giờ. Tình cảnh sống chung với quy hoạch “treo” thật khốn đốn. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa. Muốn xin số nhà tạm để gắn đồng hồ điện cũng không được chính quyền địa phương giải quyết với lý do nhà nằm trong khu quy hoạch”.

 Thay chủ đầu tư

Do dân khẩn thiết phản ánh, kêu cứu, nhiều lần các đại biểu HĐND TPHCM đã đến giám sát về tình trạng trì trệ trong việc triển khai dự án này và đưa ra các kỳ họp HĐND TP để yêu cầu giải quyết, nhưng sau đó vẫn không có chuyển biến gì. Theo giải trình của chủ đầu tư, do chưa có sự thống nhất giữa Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải về thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu và kế hoạch đấu thầu hạng mục giao thông - thoát nước, nên 22ha đã thu hồi vẫn phải để trống.

Sau nhiều năm dự án bị đình trệ, nay UBND TP đã quyết định thay chủ đầu tư, chuyển giao dự án lại cho UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Người dân hy vọng với sự thay đổi này (dù quá trễ) dự án sẽ được đẩy nhanh triển khai trong thời gian tới, nhưng sự việc cũng chưa thể suôn sẻ. Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12, thừa nhận đây là dự án gây nhiều bức xúc cho người dân, do đó UBND quận quyết tâm sẽ đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, do trước đây chủ đầu tư cũ đã bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 20ha và đầu tư một số hạng mục, vì vậy cần phải kiểm toán thật rõ ràng khi UBND quận nhận bàn giao.

Ngoài ra cũng có một số khó khăn khác do trước đó áp giá đền bù theo các quy định cũ nên khá thấp, người dân không chấp nhận, vì vậy quận đang phải tháo gỡ vướng mắc này. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, sau khi kiểm toán và chính thức nhận bàn giao, quận 12 sẽ tập trung xây dựng hạ tầng và nhà tái định cư ngay tại phần đất đã giải phóng mặt bằng trước đây; phần diện tích còn lại, quận sẽ tiếp tục bồi thường và di dời dân để triển khai dự án như đã quy hoạch.

Các tin khác