Những công trình hoang

Bài 2: Công viên "trùm mền"

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

Ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp, TPHCM) được quy hoạch làm công viên cây xanh từ 14 năm trước, nhưng đã qua mấy đời chủ tịch quận dự án này vẫn “trùm mền”. Người dân tại đây đã quá khốn khổ vì cảnh sống bấp bênh.

Sống tạm bợ suốt 14 năm

Khi nghe hỏi đường vào ấp Doi, ông chủ quán cà phê ở đường Thống Nhất cười khì hỏi lại: “Tính vô đó mua đất hả? Bây giờ thích miếng đất nào người ta cho ngay chứ mua bán gì!”. Sau câu nói bông đùa, ông chủ quán kể trước đây có nhiều người đến ấp Doi mua đất sang tay vì thấy giá quá rẻ, nhưng rồi không xây nhà được, nay thành bãi đất bỏ hoang.

Tại ấp Doi hiện có nhiều lô đất đã xây móng lâu ngày nhưng cứ phải bỏ cho cỏ mọc quá đầu người. Được biết sau năm 1975 ấp Doi chỉ có 1 tổ dân phố với khoảng 30 hộ dân sinh sống. Hồi ấy nơi đây là một cánh đồng ngút mắt trồng lúa, mía, rau muống… trong vành đai xanh của thành phố. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều khu dân cư ở các quận ven bị giải tỏa để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu đô thị mới và khu công nghiệp. Nhiều hộ sau khi bị giải tỏa chỉ có số tiền đền bù ít ỏi, không đủ mua nhà đất tái định cư, đã về ấp Doi mua đất với giá “bèo” rồi cất lên hàng trăm căn nhà tạm bợ, lụp xụp. Năm 1998 cù lao ấp Doi được quy hoạch xây dựng khu công viên cây xanh quy mô 40ha. Người dân nơi đây bắt đầu cảnh sống như ngồi trên lửa.
Người dân ấp Doi vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Ảnh: Thanh Vy 

Người dân ấp Doi vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Ảnh: Thanh Vy

Bà Trần Thị Ngọc Loan, đã sống ở đây gần 20 năm, kể: “Từ năm 2003, hễ ai xây nhà đều bị chính quyền địa phương cưỡng chế, đập bỏ. Căn nhà này xuống cấp đã lâu, tôi lên phường xin sửa chữa, nâng mái, mở rộng gác, nhưng họ lắc đầu. Do đã quy hoạch giải tỏa nên không được đầu tư cơ sở hạ tầng. Ở ngay một quận của TPHCM mà các hộ đều không có nước máy, phải xài nước giếng nhiễm phèn. Nhà có ti vi nhưng không nối truyền hình cáp được vì bị nhà cung cấp dịch vụ từ chối”. Chỉ vài bước chân đi vào phía sau dãy phố đông vui đường Thống Nhất trải nhựa phẳng lì, sẽ thấy ngay một “thế giới” rất khác. Người dân ấp Doi vẫn phải sống cảnh nhà tranh vách đất, đường đi chỉ là những con đường đê chênh vênh bùn lầy.

Người dân ở đây vẫn thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ công dân, nhưng lại không có quyền cải thiện điều kiện sống của mình. Để bớt khổ, mới đây tổ dân phố vận động bà con bỏ tiền đắp đường, bê tông hóa đường dân sinh, nhưng chính quyền địa phương nói đất đã quy hoạch giải tỏa không cần làm đường.

Ông Trần Công Sơn,
Tổ trưởng tổ dân phố 61

Chị Nguyễn Thị Tiến ngồi trong căn nhà tạm, diện tích chỉ hơn 10m2, dựng bằng lá, ván và giấy carton, than vãn: “Nhà nghèo quá, vay tiền xóa đói giảm nghèo 1,5 triệu đồng mà mấy năm nay vẫn chưa làm sao trả được. Tôi vừa dựng một cái chòi để bán lặt vặt kiếm tiền trả nợ. Nhưng mới đây, trật tự đô thị đến buộc tự tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế”. Nói là cưỡng chế cho to tát, thật ra chỉ cần một cơn gió mạnh cũng đủ xô cái chòi của chị Tiến xuống dòng kênh đen kịt sát bên. Do nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhiều hộ tìm cách ngụy trang che lá hai bên rồi âm thầm xây lén bên trong để tránh bị phát hiện. Nhưng sau đó họ đều bị buộc phải tháo dỡ, có nhà đã xây lên dỡ xuống 5-7 lần. Do vậy đi vào ấp Doi sẽ thấy nhiều ngôi nhà bị đập tan nát, phải che lại bằng những tấm bạt te tua.

 Quyết tâm, nhưng... vẫn phải chờ

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hồng, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Năm 1998 ấp Doi được quy hoạch xây dựng khu công viên cây xanh. Đây là quy hoạch tổng thể của quận Gò Vấp, toàn bộ là cây xanh hết, không có khu dân cư, đó cũng là điều bất hợp lý. Nhưng thời điểm đó quận gặp khó khăn ngân sách, thiếu kinh phí để đền bù giải tỏa. Năm 2004, UBND quận đã xin chủ trương của UBND TPHCM và được chấp thuận điều chỉnh lại quy hoạch dự án, trong đó kết hợp công viên cây xanh, khu dân cư và trung tâm thương mại. Có một khó khăn là việc xin điều chỉnh quy hoạch chung phường 15 vẫn chưa được duyệt. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, quận chủ trương sẽ tự đầu tư trong giai đoạn đầu, nhưng không có kinh phí nên đã chậm từ năm 2004 đến nay. Nay quận đã kêu gọi đầu tư, chỉnh trang toàn bộ khu ấp Doi, song tiến độ của dự án này còn chậm, bởi phải chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mới có thể kêu gọi nhà đầu tư, thi thiết kế quy hoạch, tổ chức đấu thầu, ai trúng thầu sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Do quy trình, thủ tục rối rắm nên tiến độ dự án vẫn còn chậm. Mặt khác, quận muốn lập một khu dân cư mới hoàn chỉnh tại đây, tránh sự phát triển tự nhiên nên phải mất thời gian. UBND quận Gò Vấp vẫn đang đề nghị UBND TPHCM và các sở ngành liên quan xúc tiến nhanh các quy trình thủ tục. Trước mắt, chúng tôi chưa dám nói dự án sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu nữa”.

Ông Hồng cho rằng khi đầu tư vào đây, các nhà đầu tư có thuận lợi do công tác quản lý của quận trong thời gian qua đã hạn chế sự phát triển dân cư nên chi phí đền bù giải tỏa không lớn. Tuy nhiên, không thể vì muốn tạo thuận lợi cho nhà đầu tư mà tiếp tục kéo dài tình cảnh khốn đốn của người dân. Trong khi chờ dự án này triển khai, người dân ấp Doi yêu cầu chính quyền thực hiện theo chủ trương của UBND TPHCM về việc cho cho người dân trong khu quy hoạch “treo” được sửa chữa hay cất nhà tạm, đồng thời được tạo các điều kiện để ổn định đời sống.

Các tin khác