Xử lý triệt để nạn gian lận tuổi vàng

Gần đây thị trường vàng xuất hiện một hợp kim tồn tại dưới dạng vàng nguyên liệu thiếu tuổi, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang. Tình trạng này một lần nữa đánh lên hồi chuông báo động vấn nạn gian lận tuổi vàng đang diễn ra phổ biến ở nước ta. ĐTTC đã trao đổi với Th.S Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng NHTMCP Á Châu (ACB) xoay quanh vấn đề người tiêu dùng nên làm gì để tránh mua vàng thiếu tuổi.

Gần đây thị trường vàng xuất hiện một hợp kim tồn tại dưới dạng vàng nguyên liệu thiếu tuổi, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang. Tình trạng này một lần nữa đánh lên hồi chuông báo động vấn nạn gian lận tuổi vàng đang diễn ra phổ biến ở nước ta. ĐTTC đã trao đổi với Th.S Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng NHTMCP Á Châu (ACB) xoay quanh vấn đề người tiêu dùng nên làm gì để tránh mua vàng thiếu tuổi.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thị trường vàng đã xuất hiện vàng giả, vàng pha vonfram. Thực chất của loại hợp kim này như thế nào?

Th.S TRẦN TRỌNG QUỐC KHANH: - Để pha chế hợp kim vàng trong chế tác hàng trang sức, thông thường nhà sản xuất pha thêm các kim loại như: vàng, bạc, đồng, platin (bạch kim), palladi, niken, kẽm. Trong đó vàng và bạc là hai kim loại chính. Tùy theo mục đích kinh doanh, nhà sản xuất sẽ sử dụng các kim loại này trong hợp kim vàng, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng vàng dưới 99,99%, hoặc dưới 24K.

Các đối tượng kinh doanh bất chính thường hạ tuổi vàng thấp hơn so với chỉ số hàm lượng đóng trên sản phẩm và theo ước tính, gây thiệt hại ít nhất từ 2-5% tuổi vàng trên hàng hóa người tiêu dùng đã mua. Gần đây giá bạc tăng mạnh theo giá vàng, nên kẻ làm hàng giả gian lận tuổi vàng bằng việc pha trộn đồng, khiến sản phẩm vàng thường có gam màu đỏ.

Vàng độn kim loại vonfram (ký hiệu hóa học W) có thể xuất hiện dưới 2 dạng: đúc thanh vonfram ở giữa thỏi vàng hoặc trộn bột vonfram vào vàng nóng chảy, sau đó đúc thành thanh. Vàng độn vonfram có thể vượt qua được sự kiểm tra của máy đo tuổi vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X (XRF). 

Do phương pháp kiểm tra này không phá mẫu và chỉ đo trên bề mặt sản phẩm nên khó phát hiện gian lận, trong khi phần lớn cửa hiệu kinh doanh vàng không có khả năng đầu tư hệ thống giám định vàng bằng công nghệ nhiệt kim (Fire Assay) tiên tiến, nên kẻ xấu lợi dụng đặc điểm này để gian lận. Vonfram được kẻ gian lựa chọn vì kim loại này có tỷ trọng gần với vàng nhất.

Tình trạng pha vonfram vào vàng đã xuất hiện nhiều ở Hồng Công, Trung Quốc. Ngoài vonfram, kẻ làm giả còn sử dụng một số nguyên tố khác như: osmium (Os), iridium (Ir), ruthenium (Ru), niken (Ni), đồng (Cu), sắt (Fe).

 Kiểm định vàng bằng phương pháp nhiệt kim tại phòng thí nghiệm Trung tâm vàng ACB.

 Kiểm định vàng bằng phương pháp nhiệt kim
tại phòng thí nghiệm Trung tâm vàng ACB.

- Theo ông, cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

- Có thể thấy vấn nạn gian lận tuổi vàng diễn ra phổ biến ngoài thị trường tự do ở nước ta. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người tiêu dùng quá cả tin, không tìm hiểu kỹ thông tin và không biết tự bảo vệ mình. Mặt khác, ngành sản xuất kinh doanh vàng, đá quý đòi hỏi phải đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại để kiểm tra tuổi vàng chính xác bằng nhiều phương pháp khoa học.

Vì vậy không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư trang thiết bị và nhân lực chuyên ngành. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý chặt, nên người kinh doanh bất chính vẫn còn cơ hội móc túi người tiêu dùng.

Người dân Việt Nam có quan niệm vàng là tài sản để cất giữ, nhưng Nhà nước vẫn chưa ban hành một quy định nào về đánh giá, kiểm soát chất lượng của loại sản phẩm có giá trị cao này. Từ năm 2002, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) đã ban hành tiêu chuẩn TCVN 7054:2002 - Vàng thương phẩm.

Đưa ra yêu cầu chung, nhưng chưa có sự bắt buộc phải tuân thủ quy định và chưa có biện pháp chế tài nếu vi phạm tiêu chuẩn này. Để có giải pháp hữu hiệu chống tình trạng gian lận tuổi vàng, Nhà nước nên chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về xử lý gian lận tuổi vàng, kèm biện pháp chế tài nghiêm, đủ mạnh. Sau đó, nghiên cứu việc thành lập Trung tâm giám định vàng bạc, đá quý quốc gia để bảo vệ các đơn vị kinh doanh chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

- Nhiều chuyên gia cho biết các phương pháp kiểm định chất lượng vàng kể trên đều có ưu điểm và hạn chế. Như vậy, làm thế nào để kiểm định chính xác chất lượng của vàng trong điều kiện tiềm lực của doanh nghiệp kinh doanh vàng còn hạn chế?

- Hiện nay phần lớn hãng tinh luyện vàng hàng đầu thế giới đều sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất như XRF, Fire Assay và ICP  (Inductively Coupled Plasma), vì cho kết quả ổn định với độ chính xác cao...  Vì vậy, việc sử dụng kết hợp các phương pháp đo để kiểm tra chéo kết quả trên một lần đo thử nghiệm là điều rất quan trọng.

Hiện nay, các phòng thí nghiệm chuyên nghiệp đều sử dụng phương pháp XRF, nhiệt kim và ICP, tức loại bỏ phương pháp đánh đá (Touchstone) và cân tỷ trọng (Density) vì độ sai số quá cao. Các phương pháp hiện đại đòi hỏi phải có thiết bị và chuyên viên giám định được đào tạo chuyên ngành hóa - lý. Ngoài ra, thiết bị có độ chính xác cao rất hạn chế việc di chuyển, do đó khi có yêu cầu người tiêu dùng phải đến đơn vị có các thiết bị này để yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm có chất lượng rất tốn kém, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Hiện tại, Trung tâm Vàng ACB đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng các phòng thí nghiệm giám định và phân kim. Đây là một trong những phòng thí nghiệm giám định tuổi vàng hiện đại nhất Việt Nam, có thể xác định vàng giả trên thị trường.

Khách hàng có bất cứ nghi ngờ về chất lượng vàng có thể liên hệ với trung tâm 391A Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, TPHCM, số điện thoại: 3877 8782 để được tư vấn, giám định.

- Theo ông, người tiêu dùng nên làm gì để tránh mua phải vàng bị gian lận tuổi?

- Người tiêu dùng nên chỉ giao dịch với các đơn vị sản xuất vàng có uy tín, đảm bảo vàng có nguồn gốc, chất lượng, trọng lượng rõ ràng, chính xác và minh bạch. Trước khi quyết định mua một mặt hàng trang sức, người tiêu dùng cần lưu ý đến việc đóng ký hiệu của nhà sản xuất (hallmarking) theo quy định của pháp luật trên bao bì sản phẩm, gồm: tên nhà sản xuất, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, chỉ số trọng lượng, chỉ số hàm lượng (tuổi vàng).

Đặc biệt phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng của cửa hàng để làm cơ sở khiếu nại khi xảy ra tranh chấp về chất lượng hàng hóa.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác