Vàng vào danh mục quản lý rủi ro về giá

Cục Hải quan TPHCM vừa bổ sung mặt hàng vàng vào danh mục quản lý rủi ro về giá. Mức giá chuẩn do hải quan ban hành và ấn định cho doanh nghiệp nếu phát hiện nghi ngờ.

Theo đó, các đơn vị làm thủ tục xuất khẩu vàng, kim loại quý sẽ thực hiện việc khai báo giá và tự chịu trách nhiệm đối với thông tin khai báo. Trên cơ sở giá này, hải quan sẽ tính toán về xác định mức giá này có phù hợp với thực tế hay không để áp thuế.

Cục Hải quan TPHCM cho hay việc đưa mặt hàng vàng vào danh mục quản lý rủi ro nhằm ngăn chặn và hạn chế hiện tượng gian lận thương mại qua giá.

Bên cạnh đó, vàng là mặt hàng nhạy cảm đang biến động lớn trên thị trường trong nước. Do vậy, việc đưa mặt hàng này vào danh mục quản lý rủi ro sẽ giúp hải quan thống nhất được dữ liệu phục vụ cho các hoạt động kiểm tra, xác định giá.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay chủ trương quản lý rủi ro về giá đối với mặt hàng vàng xuất và nhập khẩu có từ năm 2010. Theo đó, Cục trưởng Cục hải quan các địa phương được quyền áp dụng quy định này căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có đơn vị nào xây dựng mức giá để tính thuế đối với vàng, kể cả xuất khẩu cũng như nhập khẩu.

Cục Hải quan TPHCM là đơn vị đầu tiên đưa ra quy chế quản lý rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu vàng. Lý do là giai đoạn tháng 6 và tháng 7 là giai đoạn lượng vàng xuất khẩu ở địa phương này tăng đột biến. Vàng và trang sức xuất đi từ TPHCM chiếm trên 70% lượng xuất khẩu của cả nước.

Trước đó, để hạn chế nạn chảy máu mặt hàng kim loại quý này, Bộ Tài chính cũng quyết định giảm tuổi của vàng nữ trang từ 99,9% xuống 80% để áp thuế 10%.

Ngoài thuế, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị hải quan tăng cường việc kiểm soát đối với vàng xuất khẩu. Trong đó có việc áp dụng nghiệp vụ hải quan bằng cách giám định chất lượng của vàng trang sức với các doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu lớn, không thường xuyên. Đồng thời kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến nguồn hàng, quy định cửa khẩu xuất khẩu...

Danh mục quản lý rủi ro về giá được Tổng cục Hải quan ban hành và sử dụng từ năm 2008. Giai đoạn đầu, việc quản lý giá áp dụng đối với một số mặt hàng như ôtô, xe máy, rượu ngoại và một số mặt hàng được coi là xa xỉ, không khuyến khích nhập khẩu. Sau đó, hải quan tiếp tục bổ sung thêm một số nhóm hàng hóa khác như điện thoại di động, đồ điện tử, thực phẩm, sắt thép...

Các tin khác