Vàng và USD lặng sóng

(ĐTTCO) - 5 tháng đầu năm, giá vàng thế giới và đồng USD liên tục biến động đảo chiều, khó đoán, trong khi thị trường vàng và ngoại hối trong nước lại có chiều hướng lặng sóng. 

Trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư - Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), đã nhận định về diễn biến này cũng như dự báo xu hướng của thị trường trong những tháng cuối năm:

Khi giá vàng tăng, giá USD sẽ giảm, trên thế giới vấn đề này được phân cực rõ ràng. Trong khi ở Việt Nam, khi giá vàng thế giới tăng kéo tỷ giá trong nước tăng theo, nên trong ngắn hạn giá vàng trong nước lỗi nhịp với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, theo nguyên tắc thị trường, bắt buộc giá vàng trong nước vẫn đi theo giá vàng thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã xuống mức gần xuyên đáy 1.200USD/ounce, sau đó tăng vọt lên mức 1.275 USD/ounce, rồi lại xuống mức 1.223USD/ounce và tăng lên 1.266USD/ounce.
Giá vàng thế giới liên tục đảo chiều do sự thay đổi chính sách kinh tế, tiền tệ của các nước lớn. Như tại Hoa Kỳ, sau khi nhậm chức ngày 20-1-2017, Tổng thống Donald Trump đã có các tuyên bố về chính sách kinh tế, bao gồm cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Hay biến động địa chính trị ở khu vực châu Âu, như bà Thủ tướng Anh Theresa May bảo hộ Brexit kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon đưa Anh ra khỏi châu Âu; bầu cử tổng thống ở Pháp và ông Emmanuel Macron đắc cử.
Sự thay đổi địa chính trị đan xen chủ nghĩa bảo hộ và tự do hóa thị trường, cùng với chính sách đan xen của Hoa Kỳ và châu Âu, đã làm cho thị trường tài chính tiền tệ thế giới thường xuyên biến động, tác động mạnh đến thị trường vàng toàn cầu. Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới tiếp tục biến động. Tuy nhiên, sự dao động này cũng có mức độ, tăng hay giảm còn tùy theo những thay đổi về địa chính trị, về kinh tế.

PHÓNG VIÊN: - Một tổ chức quốc tế vừa dự báo trong tháng 6 giá vàng thế giới có thể được đẩy lên trên 1.300USD/ounce. Ông nhận định ra sao về khả năng này cũng như sự lặng sóng của giá vàng trong nước?

Ông TRẦN THANH HẢI: - Hiện nay, có 2 nhân tố có khả năng đẩy giá vàng thế giới vượt mức 1.300USD/ounce, là xung đột ở Triều Tiên; các xung đột ở khu vực Trung Đông và phía Nam nước Nga. Đây là những nơi Hoa Kỳ có liên quan và có lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, ở những nơi này dù có mâu thuẫn nhưng các nước lớn vẫn có khả năng giải quyết được với nhau. Chỉ có tác động từ vấn đề chính trị và chiến tranh, giá vàng mới đâm thủng mức 1.300USD/ounce trong tháng 6. Khả năng này khó xảy ra nên giá vàng cũng khó vượt qua ngưỡng này, nhưng trong những tháng cuối năm điều này là có thể. 

Về nguyên nhân giá vàng trong nước chỉ tăng yếu hoặc giảm yếu, thậm chí có lúc ngược chiều so với giá vàng thế giới, là do từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các đầu mối kinh doanh vàng bị thu hẹp, NHNN kiểm soát chặt cho vay, kinh doanh mua bán vàng miếng của hơn 2.000 doanh nghiệp trên cả nước, các giao dịch số lượng lớn phải mua đúng nơi bán đúng chỗ, việc thông qua các NHTM để cho vay thế chấp, cầm cố gần như bằng 0. Từ đó, phí giao dịch vàng miếng SJC trở nên đắt đỏ và giao dịch khó khăn hơn.
Chỉ khi nào giá thế giới biến động rất mạnh mới có các giao dịch lô lớn, vì lợi nhuận từ giao dịch lô lớn mới bù đắp được chi phí này. Bên cạnh đó, khi giá vàng thế giới tăng giảm sẽ ngược chiều với chỉ số USD Index và giá USD. Trong khi đó ở Việt Nam, giá vàng trong nước lại chịu ảnh hưởng giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VNĐ.
Điểm này làm cho thị trường vàng Việt Nam và thế giới đi ngược chiều nhau. Cụ thể, trường hợp vàng thế giới tăng thì giá USD giảm, nhưng tại Việt Nam giá USD giảm không đáng kể hoặc thậm chí tăng, điều này cản trở giá vàng trong nước đi theo giá thế giới. 
Vàng và USD lặng sóng ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
- Trong 5 tháng qua VNĐ đã không chịu áp lực như dự đoán, dù tỷ giá trung tâm tăng nhưng tỷ giá tại các NHTM giảm và thị trường lặng sóng. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?
- Thị trường ngoại hối ở Việt Nam cũng tương tự với thị trường vàng, không phải là một thị trường cạnh tranh hoàn toàn. Hiện nay, Việt Nam siết kỷ luật ngoại hối, chỉ có kiều hối được rút ra còn mua bán trong nước không sử dụng ngoại tệ, cho vay bằng ngoại tệ cũng theo chỉ tiêu, kế hoạch, doanh nghiệp phải có quan hệ với NH, có phương án kinh doanh mới tiếp cận được.
Song song đó, NHNN điều hành thị trường bằng tỷ giá trung tâm công bố từng ngày và còn một số ràng buộc đối với các NHTM, như trạng thái dự trữ ngoại hối, nhu cầu, tỷ lệ găm giữ… Trong thị trường ngoại hối còn EUR, NDT, yen… nên khi chỉ số USD Index tăng hoặc giảm, giá USD so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ ngoại tệ tăng hoặc giảm, tỷ giá trong nước vẫn chưa hẳn đi theo chiều hướng đó.

Từ năm 2015 về trước, tỷ giá tăng 2-3%, nhưng từ năm 2016 mức tăng chuyển sang tỷ giá trung tâm và biên độ tăng thấp hơn. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với cân đối nhập siêu, thiếu hụt ngoại tệ, đặc biệt ngoại tệ để trả nợ các khoản vay bảo lãnh và các khoản vay của Chính phủ.
Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải tính toán điều chỉnh một phần tỷ giá. Có thể nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu hay vấn đề trả nợ làm tăng cung tiền. Nhưng nếu điều chỉnh tỷ giá trong chừng mực nào đó có lợi cho xuất khẩu, sẽ bù đắp được sự hy sinh khi tỷ giá tăng cao làm cho gánh nặng trả nợ cao, tất nhiên để thực hiện phải có bài toán cụ thể.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xem xét ở những nước có cùng mặt hàng xuất khẩu với Việt Nam, như xuất khẩu gạo, may mặc, linh kiện điện thoại, tỷ giá của họ đã thay đổi như thế nào. Nếu tỷ giá của các nước này thay đổi nhưng chúng ta vẫn giữ cứng nhắc, sẽ dẫn đến tình trạng càng ngày càng kém cạnh tranh trong xuất khẩu, điều này nguy hại về lâu dài.

- Trong năm 2017, dù các kênh chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm đã tăng sức hấp dẫn nhưng sự quan tâm đối với vàng và USD vẫn còn rất lớn. Ông có lời khuyên gì đối với nhà đầu tư quan tâm đến các kênh đầu tư này?

- Tôi cho rằng từ nay tới cuối năm, giống như trong 5 tháng đầu năm 2017, giá vàng thế giới và USD vẫn có xu hướng đảo chiều khó đoán định. Bởi hiện nay định hình chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, các chính sách ở châu Âu như ở Anh, bà Theresa May chuẩn bị bầu cử, hay chính sách tân Tổng thống Pháp, hoặc cuối tháng 11 bầu cử Thủ tướng Đức… sẽ làm cho đồng EUR xáo trộn, bất định. Đối với vàng và USD, nhà đầu tư thông minh cần phải có sự phân chia tài sản để đầu tư. USD là đồng tiền của Hoa Kỳ nên khi nước này có những thay đổi chắc chắn USD sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên.
Còn vàng là tài sản chung của nhân loại, những thời điểm thế giới biến động, vàng là hầm trú ẩn an toàn nên nhà đầu tư có thể dành 1/3 hoặc 1/4 tài sản đầu tư vào vàng trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý (nếu không phải vay mượn). Còn lại chúng ta đầu tư vào các kênh khác như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu, gửi tiết kiệm.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác