Vàng: Cần giải pháp tránh “sốc”

Những ngày qua thị trường vàng trong nước điên đảo và vượt kỷ lục giá vàng thế giới. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời cho phép nhập 5 tấn vàng giúp hạ nhiệt nhanh giá vàng và tránh những “cú sốc” lớn cho nền kinh tế, nhưng nhiều dự báo giá vàng sẽ còn biến động bất định trong thời gian tới. Việc tìm một giải pháp dài hạn tránh “sốc” từ giá vàng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Những ngày qua thị trường vàng trong nước điên đảo và vượt kỷ lục giá vàng thế giới. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời cho phép nhập 5 tấn vàng giúp hạ nhiệt nhanh giá vàng và tránh những “cú sốc” lớn cho nền kinh tế, nhưng nhiều dự báo giá vàng sẽ còn biến động bất định trong thời gian tới. Việc tìm một giải pháp dài hạn tránh “sốc” từ giá vàng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

> Thị trường vàng: Ai chịu trách nhiệm cơn sốt vàng?

> Vàng: Nóng - lạnh thất thường

Hệ lụy giá vàng: kéo giá USD

 NHNN cần can thiệp và bình ổn giá vàng trong nước tương thích với giá thế giới. Ảnh: LÃ ANH

NHNN cần can thiệp và bình ổn giá
vàng trong nước tương thích
với giá thế giới. Ảnh: LÃ ANH 

Có thể thấy nếu ai mua vàng ngày 9-8 khi giá vàng lên gần 46 triệu đồng/lượng, đến nay đã bị lỗ 2 triệu đồng/lượng vì giá vàng rớt theo giá vàng thế giới và sau khi có thông tin NHNN cho nhập vàng. Hôm qua 10-8, giá vàng trong nước chỉ còn 44,1-44,7 triệu đồng/lượng.

Dù trước đó nhiều cảnh báo rủi ro nhưng người dân, nhất là ở Hà Nội chen nhau đi mua vàng lúc giá cao ngất ngưởng.

Đầu tuần này một số NH cho biết nhiều khách hàng tiền gửi đến rút tiết kiệm tiền đồng để mua vàng buộc NH phải nâng lãi suất huy động thỏa thuận lên sau một thời gian ngắn điều chỉnh giảm.

Thời điểm này, bán vàng ra người dân “khóc ròng” vì không chỉ lỗ do giá vàng rớt mà nhiều tiệm vàng niêm yết giá mua vàng thấp hơn giá bán 500.000-700.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất cho nền kinh tế là sự biến động của giá vàng đang trực tiếp ảnh hưởng đến giá USD.

Theo tính toán của các công ty vàng, giá vàng quốc tế trung bình hiện nay 1.750USD/ounce, nếu nhập 5 tấn vàng phải cần trên 300 triệu USD. Nguồn ngoại tệ này được dự báo thị trường sẽ đáp ứng đủ vì trong 7 tháng qua nước ta đã thu về gần 1,2 tỷ USD khi xuất khẩu gần 30 tấn vàng.

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa thời điểm xuất vàng và thời điểm nhập vàng ta bị lỗ một lượng ngoại tệ không nhỏ khi nhập vàng thời điểm này. Hơn nữa, hiện các công ty vàng gom ngoại tệ để nhập vàng đang góp phần đẩy giá USD trong nước tăng lên trong bối cảnh tỷ giá đang chịu sức ép từ đáo hạn tín dụng ngoại tệ từ nay đến cuối năm.

Hiện USD đang mất giá trên thị trường thế giới nhưng lại tăng giá ở Việt Nam do nhu cầu gom USD để nhập vàng. Điều này làm cho giá vàng trong nước bị “lên giá kép”: tăng do giá vàng thế giới và tăng do tỷ giá. Vì vậy, NHNN cần phải can thiệp để bình ổn USD, tránh trường hợp gây những cú sốc kép đối với lạm phát của Việt Nam.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám tài chính Quốc gia

Sau 1 tháng giữ nguyên tỷ giá bình quân liên NH, hôm qua 10-8 NHNN đã buộc phải nâng lên 20.618 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày trước đó.

Theo đó, đồng loạt nhiều NHTM niêm yết tỷ giá mua bán ở mức trần 20.824 đồng/USD. Hiện nay không chỉ nỗi lo từ giá vàng mà hệ lụy từ sự biến động của giá USD cũng đang gây khó cho các NHTM trong việc giảm chi phí vốn huy động tiền đồng để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN.

Dự trữ ngoại hối bằng vàng?

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TPHCM, phản ứng tâm lý của người dân trong việc mua vàng không chỉ ở Việt Nam mà cả châu Á. Do vậy nhiều quốc gia khác chuyển dự trữ ngoại hối dưới dạng ngoại tệ sang vàng.

Giá vàng chỉ dừng biến động khi nào giá trị USD nâng lên và Cục Dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu của USD. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là NHNN can thiệp và bình ổn được giá vàng trong nước tương thích với giá thế giới, đảm bảo không bị chênh lệch quá lớn sẽ tác động đến tỷ giá.

Ông Ngân đề xuất một số giải pháp với thị trường vàng và ngoại tệ:

- Về cấp quota vàng, NHNN thay vì cấp quota xuất nhập khẩu vàng theo kỳ nên chủ động cấp hàng năm theo gói dài hạn để các doanh nghiệp chủ động.

- Mạnh dạn cho phép các NHTM được mở một tài khoản giao dịch vàng quốc tế để có thể cân bằng trạng thái vàng, có thể bán ngay tức khắc khi chờ vàng về, bởi vàng đã về tài khoản có thể can thiệp thị trường kịp thời.

- Nhanh chóng ban hành những quy định trong việc quản lý vàng. Nghị định này trước đây Chính phủ dự kiến ban hành trong tháng 6, theo đó tôn trọng quyền sở hữu vàng của người dân. Người dân có quyền mua bán tại các đơn vị do NHNN cấp giấy phép và chỉ cấm dùng vàng làm phương tiện lưu thông và thanh toán.

Huy động vốn vàng

Hiện nay dự trữ ngoại hối các nước rất đa dạng, có thể dưới dạng USD, EUR, france Thụy Sĩ và vàng để hạn chế rủi ro, đồng thời còn tùy thuộc vào nghệ thuật và công tác dự báo của các ngân hàng trung ương. Nếu dự báo đúng, lấy dự trữ ngoại tệ đó chuyển sang dạng vàng, dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ tăng nhờ biến động giá vàng. Vì vậy, việc huy động vàng trong dân thông qua NHTM để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ giúp NHNN chủ động can thiệp thị trường trong dài hạn. Việc cấp phép ngắn hạn như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là đối với tỷ giá.

Ông CAO SỸ KIÊM,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ

Hiện nay, lượng vàng trong dân rất lớn nên phải cho các NHTM được quyền huy động vốn bằng vàng với lãi suất thấp (có thể dưới hình thức phát hành chứng chỉ hoặc trái phiếu vàng) nhưng không cho NH vay vàng. Tiếp theo để tháo gỡ lượng vàng đang tồn đọng, NHTM sẽ sử dụng vàng này mang đến NHNN làm nghiệp vụ hoán đổi (swap) hoặc thế chấp vàng lấy tiền đồng với lãi suất tái cấp vốn 13-14%/năm.

Các NHTM sẽ có được nguồn vốn với lãi suất vừa phải để cung ứng cho sản xuất, vừa giải quyết được bài toán huy động tài sản của dân, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Điều này giúp ổn định tỷ giá và trong trường hợp cần thiết khi có những “cú sốc” về vàng, NHNN có thể xuất vàng bán can thiệp vào thị trường trong khi chờ nhập vàng. Giải pháp này góp phần quản lý nguồn tài sản quốc gia, đồng thời tránh lãng phí ngoại tệ để nhập vàng.

Riêng với thị trường ngoại tệ, NHNN cũng nên xem xét lại các đối tượng cho vay, vì thời gian qua để dư nợ ngoại tệ tăng nhanh đã đi ngược quá trình chống đô la hóa. Bên cạnh đó, cần giám sát các NHTM trong việc cho vay ngoại tệ theo đúng quy định, thông tư hướng dẫn của NHNN. Không nên khuyến khích cho vay nhập khẩu, chỉ hỗ trợ cho vay ứng trước đối với nhà xuất khẩu khi họ có nhu cầu về ngoại tệ.

Các tin khác