Tỷ giá VND/USD biến động mạnh có bất thường?

(ĐTTCO)-Sáng 1/6, chỉ số USD Index vẫn tăng, giá mua - bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt giảm mạnh và tỷ giá trung tâm giảm sâu.
Tỷ giá VND/USD biến động mạnh có bất thường?

Tại thị trường trong nước, sáng nay 1/6, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.566 VND, giảm 29 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.625 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.890 VND/USD.

Tại nhiều ngân hàng thương mại, giá mua - bán USD hôm nay biến động giảm mạnh. Cụ thể, tại Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.765-22.835 VND/USD, giảm 30 đồng. Tại Vietinbank niêm yết giá USD ở mức 22.770-22.840 giảm 25 đồng. Ngân hàng BIDV cũng đang niêm yết giá USD ở mức 22.765- 22.835 VND/USD, giảm 30 đồng.

Như vậy, sau nhiều ngày tăng liên tiếp, tỷ giá đã giảm trở lại được 2 phiên trở lại đây. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm VND/USD cũng đã tăng tới 151 đồng. Cụ thể là tỷ giá trung tâm do NHNN đã liên tục được điều chỉnh tăng kể từ đầu năm 2018 đến nay, từ mức 22.415 VND/USD vào ngày 31/12/2017 lên mức 22.605 VND/USD vào ngày 29/05/2018 vừa qua (tương đương mức tăng 0,8%). Đến phiên hôm nay (1/6) giảm về 22.566 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch tại các NHTM lại có biến động nhiều hơn và so với thời điểm cuối năm ngoái thì tỷ giá tại các NHTM có mức tăng thấp hơn tỷ giá trung tâm (chỉ 0,5%).

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tỷ giá trung tâm được NHNN liên tục điều chỉnh trong thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chính, khách quan là đồng USD mạnh lên trên thị trường thế giới. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng USD có xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của FED. Chỉ số USD Index đã tăng từ mức thấp nhất 88,2 điểm lên mức 94,8 điểm trong phiên ngày 30/05. So với thời điểm đầu năm thì USD Index hiện đã tăng 2,6%.

Việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN, theo BVSC, là hợp lý khi thuận theo xu hướng khách quan của thế giới tuy nhiên so sánh tương quan thì mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước (0,8%) thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD Index (2,6%) trên thị trường thế giới. Việc chủ động điều tiết giảm giá VND của NHNN nhằm góp phần đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam (khi đồng bản tệ của nhiều nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng sy yêu so với đồng USD).

Về tổng thể, mức tăng của tỷ giá như trên, dù liên tục nhưng biên độ còn khá nhỏ (dưới 1%) nên chưa ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay.

Ở một góc độ khác, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam thời gian qua chủ yếu qua các giao dịch khớp lệnh. Còn nếu tính cả giao dịch thỏa thuận (đặc biệt là thương vụ lớn Vinhomes) thì dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 1,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.

Theo dữ liệu của Bloomberg thì Việt Nam là một trong số ít những thị trường ở châu Á đang có nguồn vốn FII chảy vào ròng tính đến thời điểm hiện tại. Do vậy, việc động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua chưa gây sức ép tiêu cực lên tỷ giá USD/VND. Với diễn biến cung cầu ngoại tế thực tế vẫn đang nghiêng về phía cung, hiện BVSC chưa thấy nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong thời gian còn lại của năm 2018.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ giá năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Tỷ giá trong năm 2018 có nhiều yếu tố hỗ trợ đó là: Cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước (IMF, WEO-T10); Dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực. Trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, tần suất tăng lãi suất của Fed trong năm 2018 sẽ nhiều hơn tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại. FED được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018, với lộ trình dần dần đưa lãi suất cơ bản về mức 3%. Do đó, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2% là khá hợp lý, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trước diễn biến tỷ giá những ngày vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Các tin khác