Định hướng phát triển kinh tế 2016-2020

Bài 1: Phân bổ nguồn vốn lệch hướng

(ĐTTCO) -  LTS: Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 3,57 triệu tỷ đồng; vốn FDI 1,4 triệu tỷ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi 39,5 tỷ USD; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp 15-20 tỷ USD… Làm gì để huy động và sử dụng hiệu quả lượng tiền khổng lồ này, trong khi thời gian qua cho thấy nước ta lại quá lãng phí và phân tán nguồn vốn, tái cơ cấu nền kinh tế chưa hiệu quả.

(ĐTTCO) -  LTS: Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 3,57 triệu tỷ đồng; vốn FDI 1,4 triệu tỷ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi 39,5 tỷ USD; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp 15-20 tỷ USD… Làm gì để huy động và sử dụng hiệu quả lượng tiền khổng lồ này, trong khi thời gian qua cho thấy nước ta lại quá lãng phí và phân tán nguồn vốn, tái cơ cấu nền kinh tế chưa hiệu quả.

Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng đặt ra rất nhiều thách thức để triển khai trên thực tế.

Lãng phí, phân tán hàng trăm ngàn tỷ đồng 

Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực chưa đủ, điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước. Huy động thêm nguồn lực là cần thiết nhưng mục tiêu của kế hoạch không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn, mà cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Tại kỳ họp giữa năm và cuối năm 2016 của Quốc hội khóa XIV, khi bàn đến vấn đề kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ đích danh các dự án gây lãng phí lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. Đó là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Hay các dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7.000 tỷ đồng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất hơn 2.200 tỷ đồng, đã phải dừng hoạt động. Hoặc dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai; Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp. Điều đáng nói, chủ đầu tư những dự án này đã “kêu cứu” lên Chính phủ xin hỗ trợ.

 Trong khi đó, một dự luật tác động đến 520.000 doanh nghiệp (DN) là Luật Hỗ trợ DNNVV làm giảm thu NS khoảng 13.000 tỷ đồng (đánh giá của Chính phủ), đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, không hoàn toàn đồng ý với dự luật. Những con số nêu trên như một minh chứng cho thực trạng “nơi khát vốn cứ khát, nơi lãng phí cứ lãng phí”, đồng thời cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư từ đồng vốn có nguồn gốc nhà nước.

Nêu thí dụ về sự lãng phí nguồn lực, ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. Cả nước có 63 tỉnh, thành có đến 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay (trong đó có tới 10 sân bay quốc tế), gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển. Điều này khiến lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các tỉnh, thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Còn các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.

Theo TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ai cũng biết bản chất tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực, đưa nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả. Trong đó phân bổ theo tín hiệu thị trường là hiệu quả nhất nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Hay như nguyên nhân của việc chưa phân bổ nguồn lực tốt là do tổ chức thực hiện không quyết liệt, thậm chí lúng túng. "Thực tế đó chỉ ra rằng nhóm lợi ích đang có sự chi phối khiến chính sách bị bẻ cong và điều này đã được nói đến nhiều lần. Nhiều người đặt câu hỏi nguồn lực đâu tái cơ cấu và cứ nghĩ là huy động, nhưng tôi nghĩ không phải chỉ thế, mà cùng với huy động là phân bổ lại nguồn lực, thay đổi lại hệ thống nguồn lực" - ông Bá khẳng định.

Gia tăng bội chi và nợ công

Ông Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, băn khoăn: “NS 10 năm liền bội chi trên 5%, vừa cao vừa kéo dài. Chính sách về chi thường xuyên  nhiều đến mức khiến chủ tịch xã không nhớ nổi bao nhiêu mục. Nguồn lực không có nhưng đầu tư dàn trải cả trăm ngàn công trình, mỗi công trình chỉ được vài  tỷ đồng/năm. Trong khi đó, chi đầu tư thiếu nên chúng ta phát hành trái phiếu, đi vay khiến nợ công tăng.  

Chúng ta đang duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch khi tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong mô hình đó vận hành nặng nguyên lý “xin-cho”, dành ưu tiên cho khu vực DNNN hoạt động kém hiệu quả.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Các nước thường vay của tổ chức bảo hiểm vì thời hạn dài 10, 20 năm, trong khi chúng ta thường vay ngân hàng. Khi vay ngân hàng nhiều, ngân hàng cạn tiền phải huy động để cho NS vay khiến nền kinh tế không hiệu quả. Không những vậy, khi NSNN vay ngân hàng là tham gia thị trường và đẩy lãi suất lên. Điều này lại tiếp tục làm nền kinh tế kém hiệu quả. Hiện nay vay trong nước chiếm tới 70-80%, chủ yếu vay ngắn hạn, lãi suất cao khoảng 7%/năm, thời gian trả nợ ngắn. Số tiền vay mang đi đầu tư nhưng lại không hiệu quả dẫn đến không tạo ra GDP trong khi phải trả lãi cao. Cụ thể, 100 tỷ đồng vay mỗi năm phải trả 7 tỷ đồng lãi cộng phần trả nợ gốc khiến áp lực trả nợ cao. Vài năm gần đây phải vay để đảo nợ, tức NS đã không tự bố trí được trả nợ, như vậy giới hạn nợ công hay tỷ lệ nợ công chỉ là tương đối, quan trọng là khả năng trả nợ của NS rất khó khăn”.

 Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đặc điểm nổi bật cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2014 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp nên xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi thật sự về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như góp phần thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên chiến lược như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển con người và tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng, thể chế.

Điều lo ngại hiện nay là chi NS của Việt Nam đang ở mức rất cao, nên dù thu tăng mạnh nhưng thâm hụt NS không giảm, thậm chí tăng cao. Các khoản chi đầu tư phát triển từ NS bình quân chiếm tới 1/4 tổng chi NS, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi đầu tư trong bối cảnh tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng mạnh. Chính phủ vừa phải vay nợ để bù đắp thâm hụt NS, vừa vay nợ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khiến nợ công tăng cao đột biến. Muốn cân đối NS, giảm thâm hụt và giảm nợ công không thể tiếp tục tăng thu NS mà phải giảm chi, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NS và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước.

Quang cảnh Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng đã phải dừng hoạt động.

Quang cảnh Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất
đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng đã phải dừng hoạt động.

Cần giải pháp quyết liệt

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công nói riêng, chi NSNN và quản lý nợ công nói chung cần có giải pháp đột phá, căn bản về bộ máy tổ chức để xử lý dứt điểm những hạn chế. Chẳng hạn, cần mạnh dạn tập trung quản lý vốn đầu tư từ NS và quản lý nợ công về một đầu mối xuyên suốt từ huy động, phân bổ nguồn vốn, quản lý sử dụng và quyết toán đối với quản lý vốn đầu tư và từ vay nợ, quản lý sử dụng khoản vay đến trả nợ đối với quản lý nợ công. Nói cách khác cần thay đổi cơ bản về thể chế quản lý vốn đầu tư từ NS/đầu tư công và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn và bền vững, không dừng lại ở những biện pháp mang tính tình thế, chắp vá như hiện nay.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, phân tích trong 30 năm Đổi mới, cứ 10 năm tăng trưởng chúng ta bị tụt 1 điểm phần trăm và xu hướng đang giảm dần, cho đấy nguy cơ tụt hậu so các nước. Chúng ta có một thống nhất cao là đổi mới cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động nguồn lực nhưng trọng tâm phải là phân bổ lại để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Nhưng hiện huy động đã ở mức cao nhưng đầu tư, hiệu quả sử dụng thấp so với các nước cùng trình độ phát triển của chúng ta. Nguồn lực hiện nằm trong khu vực nhà nước quá nhiều và nếu kéo dài sẽ làm xói mòn tiềm lực quốc gia.

Vấn đề đặt ra lúc này là cần thực hiện khẩn trương và hiệu quả nhiệm vụ ưu tiên của tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN một cách thực chất, theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt; tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là DNNN; hoàn thiện thể chế đầu tư công, thực hiện nghiêm Luật NSNN; quản lý chặt chẽ thu, chi NS, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung ứng dịch vụ công; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN.

Các tin khác