Khan hiếm lao động sau tết

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tháng 2 sẽ có nhiều DN phải tuyển dụng một lượng lớn lao động để bù đắp nhân sự thiếu hụt sau tết. Những ngành nghề như dệt may - giày da; điện tử - viễn thông; cơ khí - luyện kim; bán hàng... cần bổ sung gần 40.000 lao động.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tháng 2 sẽ có nhiều DN phải tuyển dụng một lượng lớn lao động để bù đắp nhân sự thiếu hụt sau tết. Những ngành nghề như dệt may - giày da; điện tử - viễn thông; cơ khí - luyện kim; bán hàng... cần bổ sung gần 40.000 lao động.

Đến hẹn lại... thiếu

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (HEPZA), trong quý I-2012, số lao động DN cần tuyển thông qua trung tâm này từ 5.000-7.000 người, trong đó 70% là lao động phổ thông (LĐPT).

Những DN chuẩn bị đầu tư trong các KCX-KCN cũng tuyển khoảng 1.000 kỹ sư và lao động cao cấp. Ông Tùng nhìn nhận: “Mặc dù có sự liên kết với nhiều trường, nhiều địa phương nhưng do tình hình lao động khan hiếm chung nên Trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng, nhất là với LĐPT”.

Sự gia tăng nguồn tuyển trên cho thấy một hiện tượng lặp đi lặp lại là cứ sau tết vấn đề lao động luôn trở thành nỗi ám ảnh đối với các DN.

Tuyển dụng lao động tại Công ty Grand Best Textile (KCN Tân Tạo). Ảnh: LÃ ANH

Tuyển dụng lao động tại Công ty Grand Best Textile (KCN Tân Tạo). Ảnh: LÃ ANH

Phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM tháng 2 cho thấy nhu cầu nhân lực có xu hướng ngày càng tăng và tuyển dụng theo hướng đa ngành nghề, đặc biệt với nhóm ngành nghề sơ cấp và LĐPT như bán hàng, tiếp thị, tư vấn, bảo mẫu tư thục, giám sát bán hàng, may, dệt, giày da, chế biến thực phẩm, dịch vụ, bảo vệ, xây dựng…

Nhu cầu đối với nhóm nhân lực có chuyên môn cao như giám đốc điều hành, trợ lý giám đốc, quản lý hành chính- nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin… cũng tăng cao trong tháng 3 nhưng thiếu hụt không đến nỗi quá trầm trọng. 

Còn theo các chuyên gia về lao động, trong tháng 2, thị trường lao động TPHCM sẽ sôi động và tích cực hơn do có sự tác động của các hoạt động sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm và các hoạt động tư vấn việc làm, tuyển sinh năm 2012. Tuy nhiên, cần phải đến hết tháng 4 tình hình mới có thể tạm ổn khi nguồn lao động nhàn rỗi từ nông thôn đổ về.

Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hạnh Nguyên, quận Gò Vấp, TPHCM chia sẻ: “Biết trước được những biến động về nguồn nhân lực hàng năm sau tết nên chúng tôi đã chủ động bổ sung, tuyển dụng lao động từ rất sớm. Nhưng đã qua tháng 2 chúng tôi vẫn chưa củng cố được nguồn nhân sự thay thế cho lượng lao động bỏ việc, nhất là với lao động có trình độ, thạo việc.

Tình trạng này có thể sẽ kéo dài tới cuối tháng 4 mới chấm dứt”. Không riêng trường hợp công ty nhỏ của ông An, ngay cả công ty lớn như Đồng Tâm, quận 12 cũng không tránh khỏi thiếu hụt lao động sau tết.

Ông Hứa Ngọc Chung, Giám đốc nhân sự của công ty cho biết: “Mấy năm trở lại đây, cứ sau mỗi dịp nghỉ tết công ty lại thiếu hụt một lượng lớn LĐPT và cả lao động có trình độ. Dự báo trước tình hình sẽ diễn biến phức tạp như mọi năm nên ngay từ đầu năm khi nắm được số lượng nhân sự thiếu hụt, công ty đã thông báo tuyển dụng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn rất khó tìm được người để phục vụ cho việc phát triển kinh doanh và mở rộng chi nhánh”.

Đi tìm lời giải

Nguyên nhân hiện tượng này, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin trị trường lao động TPHCM: “Đây là quy luật có tính nhất thời hàng năm. Bởi phần lớn những lao động trong các DN nhỏ và vừa tại TPHCM là người nhập cư.

Chính vì thế nguyên tắc luân chuyển lao động theo vùng, miền vẫn thường xảy ra. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động của tháng 2 giảm tới 76,6% so với tháng 1 và người tìm việc chủ yếu là lao động đã qua đào tạo”. Theo ông Tuấn, thị trường lao động trong tháng 1 và 2 đã có sự dịch chuyển chỗ làm việc của một lượng lớn lao động có trình độ.

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN đang cần tuyển thêm nhân lực. Tuy nhiên, nguồn cung lao động có trình độ nghề sơ cấp và LĐPT trên thị trường vẫn thiếu, dẫn đến việc các DN tìm “đỏ mắt” vẫn không thể tuyển đủ lao động phục vụ cho sản xuất.  

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban HEPZA, ví tình hình lao động sau tết giống như “cơn sóng ngầm”. Bởi, khó biết đích xác lượng lao động thiếu hụt là bao nhiêu vì có tình trạng người lao động nhận lương, thưởng xong là chuyển sang nơi khác làm hoặc ở lại quê. “Có một số nguyên nhân, nhưng lỗi chủ yếu thuộc về chủ DN chưa chăm lo thấu đáo cho người lao động” - ông Định nói.

Không chỉ các DN, công ty bị ảnh hưởng từ sự biến động nguồn nhân lực sau tết, mà ngay cả các trường mầm non ngoài công lập cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Ghi nhận nhanh tại một số trường mầm non ngoài công lập những ngày đầu năm cho thấy số lượng bảo mẫu nghỉ dạy (hoặc về quê ăn tết chưa vào) không nhỏ. Có trường sau tết hụt mất 4-5 bảo mẫu nên rất vất vả tìm nguồn tuyển.

Theo ông Tuấn, việc tuyển đủ lượng lao động thiếu hụt sau tết vẫn sẽ là một bài toán nan giải đối với các DN khi nguồn cung hiện nay quá hạn hẹp.

Trong đó, chưa kể đến hiện trạng đáng lo ngại là hiện tượng “chảy ngược” lao động từ thành thị về nông thôn trong vài năm trở lại đây. Chính vì thế, dự báo lao động có trình độ sơ cấp và LĐPT vẫn tiếp tục thiếu hụt lớn.

Các tin khác