Giảm “sức nóng” từ vàng

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích những giải pháp nhằm giảm thiểu sự tác động của giá vàng đến các chính sách tiền tệ và tâm lý các nhà đầu tư...

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích những giải pháp nhằm giảm thiểu sự tác động của giá vàng đến các chính sách tiền tệ và tâm lý các nhà đầu tư...

Giá vàng thế giới ngày 30-7 đã vọt lên mức kỷ lục 1.633,8USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước lên 40,1 triệu đồng/lượng. Làm thế nào để giảm thiểu tác động của giá vàng đến các chính sách tiền tệ, tâm lý của các nhà đầu tư, cũng như các kênh đầu tư khác...?

Xu hướng giá vàng từ trước đến nay liên tục là một đồ thị chủ yếu đi lên. Giá vàng tăng do ảnh hưởng nợ công tại các nước châu Âu như Hy Lạp, trần nợ công của Hoa Kỳ, tình trạng lạm phát tại các nước... Giá vàng thế giới vừa rồi tăng cao khiến giá vàng trong nước cũng tăng theo.

Lạm phát ở Việt Nam luôn cao trong nhiều năm trở lại đây, vì vậy người dân Việt Nam đã có thói quen tích trữ vàng nay lại càng thích đầu tư vàng do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang trong thời gian ảm đạm.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá lượng vàng dự trữ trong dân khoảng 400-500 tấn (tương đương 20-25 tỉ USD), đây là lượng vốn rất lớn đang nằm trong dân.

Đồng bộ trong điều hành

Giá vàng lên cao đã ảnh hưởng về mặt tâm lý của các nhà đầu tư vàng cũng như các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, vừa qua có hiện tượng lãi suất đồng USD rất thấp, lãi suất tiền đồng cao nên người ta đi vay USD để đầu tư tiền đồng.

Đối với vàng cũng thế, khi giá lên mua vàng có lợi hơn gửi tiết kiệm nên người ta sẽ đầu tư vào vàng. Như vậy việc điều hành chính sách vĩ mô một cách đồng bộ là một yêu cầu cấp bách như: lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay, tỷ giá... Nếu làm tốt những việc đó chắc chắn sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực do biến động giá vàng.

 Với cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng phải có giấy phép như hiện nay cũng tạo ra khoảng cách giữa giá vàng VN và thế giới, vì thế vừa rồi có tình trạng xuất khẩu vàng nhiều.

 Ông ĐINH NHO BẢNG

Đặc điểm của thị trường vàng  Việt Nam khác với thế giới, đó là  Việt Nam hiện chủ yếu giao dịch vàng vật chất, không có vàng kinh doanh trên tài khoản, huy động vốn bằng vàng cũng đang thu hẹp lại.

Trên thế giới chỉ có 20% là giao dịch vàng vật chất, còn 80% là giao dịch vàng trên tài khoản, như vậy thị trường vàng VN hoàn toàn ngược với thị trường vàng thế giới.

Giao dịch bằng vàng vật chất phải thanh toán tiền đầy đủ trong khi vàng tài khoản chỉ cần thanh toán trước 7%. Do đó, giao dịch vàng trên tài khoản lợi hơn, vòng quay nhanh hơn, rủi ro, chi phí thấp hơn (vì giao dịch có những công cụ để chốt lời và cắt lỗ).

Còn vàng vật chất phải chế tác mới thành sản phẩm mua bán được, chưa kể chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, hao hụt trong quá trình chế biến, hay phải sử dụng số ngoại tệ tương đương nếu nhập khẩu vàng...

Về mặt nguyên tắc mà nói thị trường vàng  Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc thị trường vàng thế giới bởi ta không sản xuất được vàng (90% ta phải nhập khẩu), do đó giá vàng trong nước phụ thuộc giá thế giới là điều dễ hiểu.

Nên bỏ giấy phép xuất nhập vàng

Ý kiến của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tại cuộc hội thảo vừa qua là nên bỏ giấy phép xuất nhập khẩu vàng không nên, bởi thực tế ở các nước khác gần như áp dụng chế độ tự do đối với xuất nhập khẩu vàng (ví dụ Ấn Độ, Thái Lan... nhập khẩu vàng nhiều nhưng cũng khuyến khích xuất khẩu để thu ngoại tệ).

 Nguồn: Internet

Nguồn: Internet 

Như vậy một mặt sẽ tạo ra được sự cân bằng giữa giá trong nước và quốc tế, mặt khác hiện tượng xuất nhập khẩu lậu vàng sẽ không tồn tại. Điều này góp phần làm giảm nhập siêu, Nhà nước vẫn thu được thuế, ngân hàng vẫn quản lý được nguồn thu ngoại tệ, hoạt động doanh nghiệp minh bạch hơn.

Yêu cầu giảm nhập siêu là cấp bách và lâu dài, vì vậy việc đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp hàng đầu, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy việc xuất khẩu vàng để tái tạo ngoại tệ cũng cần thiết vì nó rất nhanh và hiệu quả, góp phần quan trọng để giảm nhập siêu trong thời gian qua.

Nghị quyết 11 của Chính phủ có yêu cầu đến việc kiểm soát chặt chẽ sản xuất và lưu thông vàng miếng, điều này hoàn toàn đúng bởi không có nước nào lưu thông vàng miếng nhiều như  Việt Nam.

Lượng vàng miếng càng lớn thì tốn kém càng nhiều bởi phải bỏ ra nguồn ngoại tệ lớn để nhập vàng, chưa kể các chi phí hao hụt tốn kém khác, hơn nữa vàng miếng nằm trong dân Nhà nước cũng không quản lý được. Bản thân người dân cũng không muốn “ôm” vàng miếng làm gì vì cũng rủi ro, tốn kém.

Trước đây sàn vàng hoạt động hơn ba năm nhưng không có hành lang pháp lý, kiểu như làm đường mà không có biển báo nên dễ gây tai nạn. Cho nên việc Chính phủ quyết định đóng cửa sàn vàng là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên như ý kiến nhiều chuyên gia, việc nghiên cứu để ban hành một hành lang pháp lý cho việc giao dịch vàng trên tài khoản là cần thiết.

Vì đây là một trong những giải pháp kinh tế để thu hẹp lại lượng vàng miếng trên thị trường theo như định hướng của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Dân cũng lợi hơn, Nhà nước thì quản lý được thông qua tài khoản, thuế còn thu được.

Hiện phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vàng tư nhân nộp thuế theo chế độ thuế khoán chứ không phải theo doanh thu thực tế.

Vì sao xuất vàng “đội lốt” nữ trang?

56%

Đó là dư nợ cho vay bằng vàng so với tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có 14 ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng.

Số liệu đến ngày 30-6 huy động vàng của các ngân hàng này đạt 2.428.000 lượng, giảm 18,4% về lượng và 16,1% về giá trị so với đầu năm 2011. Dư nợ cho vay bằng vàng đạt 1.116.000 lượng, tương đương giá trị 42.152 tỉ đồng, giảm 4,6% về giá trị và 2% về lượng so với đầu năm. Dư nợ cho vay bằng vàng chiếm 5,6% tổng dư nợ.

Đến nay các ngân hàng chỉ còn huy động vàng dưới dạng chứng chỉ tiền gửi, đồng thời ngưng cho vay bằng vàng.

Đó là do quy chế hoạt động quản lý kinh doanh vàng theo nghị định 174 có từ năm 1999 của Chính phủ, đến nay 12 năm chưa được thay đổi. Trong nghị định có nói đến việc xuất khẩu vàng trang sức tự do không cần giấy phép nên khi có chênh lệch giá các doanh nghiệp sẽ xuất ngay.

Điều này liên quan đến việc điều hành cung cầu xuất nhập khẩu về vàng, nếu cơ chế này thông thoáng thì không có sự chênh lệch nhiều giữa giá  Việt Nam và quốc tế, như thế sẽ không có hiện tượng xuất nhập vàng lậu.

Vừa rồi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để ban hành thông tư bổ sung cho thông tư 184, trong đó có nói sản phẩm vàng nữ trang có khối lượng trên 1 ounce và hàm lượng vàng từ 80% sẽ bị đánh thuế xuất khẩu 10%.

Theo tôi, Bộ Tài chính cần phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu một cách thấu đáo nhằm quy định mức biểu thuế xuất khẩu hợp lý để vừa khuyến khích được xuất khẩu nhằm thu ngoại tệ, Nhà nước cũng thu được thuế và đưa hoạt động thương mại được thực hiện một cách minh bạch.

Về vấn đề biên độ giá ta không nên quy định vì nó liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp bao giờ cũng muốn nới rộng giá mua - bán để hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên, ở đây ta cần nghĩ đến yếu tố xã hội, lợi ích của người tiêu dùng trước hết. Hãy cứ để cơ chế thị trường tự điều chỉnh về giá, ở đâu bán với giá thấp thì người ta mua.

Các tin khác