Chưa thể hiện xu hướng trong ngắn hạn

Sau tuần đầu tiên tháng 5-2011 lên xuống rất mạnh, tuần qua giá vàng thế giới biến động nhẹ nhàng trong biên độ 1.478-1.526USD/oz. Đây cũng là quy luật thường thấy ở loại tài sản có giá trị cao nhưng “đỏng đảnh” này. Điều này làm cho giá vàng trong nước vốn ít biến động trong thời gian qua càng trầm lắng hơn.

Sau tuần đầu tiên tháng 5-2011 lên xuống rất mạnh, tuần qua giá vàng thế giới biến động nhẹ nhàng trong biên độ 1.478-1.526USD/oz. Đây cũng là quy luật thường thấy ở loại tài sản có giá trị cao nhưng “đỏng đảnh” này. Điều này làm cho giá vàng trong nước vốn ít biến động trong thời gian qua càng trầm lắng hơn.

Vàng giảm vẫn kích thích nhu cầu cất trữ

Việc giá vàng thế giới ít biến động trong tuần qua do sau khi đạt mức đỉnh của thời đại 1.575USD/oz vào đầu tháng, giá vàng lao dốc mạnh do áp lực chốt lời từ các quỹ đầu tư kim loại quý, sự hứng khởi sau cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, sự mạnh lên của USD so với EUR do khủng hoảng nợ châu Âu.

Tuy nhiên, do hiện nay xu hướng chủ đạo của giá vàng là vẫn tăng, nên khi giá vàng giảm cũng kích thích nhu cầu tích trữ làm hãm đà giảm, đặc biệt tại các vùng kỹ thuật quan trọng lần lượt 1.526, 1.496, 1.478, 1.460USD/oz, theo phân tích Fibonacci Retracements. Theo đó, cứ mỗi mức hỗ trợ khi bị phá vỡ lại trở thành mức kháng cự.

Nếu quan sát kỹ có thể nhận ra giá vàng thế giới tuần qua diễn biến chính xác theo các mốc kỹ thuật này. Xu hướng giá vàng thế giới trong ngắn hạn không rõ rệt, do vậy để có thể thoát khỏi xu hướng xuống giá vàng cần phải vượt trên ngưỡng 1.526USD/oz, nếu không việc thử lại mức thấp 1.460USD/oz sẽ là tất yếu.

Về dài hạn, thị trường vẫn tập trung sự chú ý vào các động thái của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) trong thời gian tới, nhất là vào giai đoạn tháng 6 trở đi khi các gói QE2 sắp hết thời hạn hiệu lực. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng các nhà đầu tư cần lưu ý là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục có những dấu hiệu bất ổn, trong khi chưa có đồng tiền nào trên thế giới thể hiện được giá trị và uy tín để có thể thay thế vai trò của USD, sự phụ thuộc một cách “miễn cưỡng và bức bối” vào đồng bạc màu xanh lá trước những hành xử của FED càng cho thấy vai trò của vàng rất lớn.

Nếu như niềm tin vào tiền giấy bị xói mòn, tất yếu chế độ bản vị vàng lần thứ hai sẽ xuất hiện trong lịch sử. Khi đó khó có thể tưởng tượng giá vàng sẽ tăng đến mức độ nào, có thể là 2.000USD/oz hay 3.000USD/oz?

Hấp dẫn trong dài hạn?

 

Giá vàng trong nước tuần qua tiếp tục chịu thêm áp lực sau khi quy định về cấm huy động và cho vay vàng chính thức áp dụng từ đầu tháng 5. So với giá thế giới, giá vàng trong nước còn “lưỡng lự” hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy dù chịu nhiều áp lực từ các chính sách tiền tệ gần đây, nhưng lực mua vàng ở mức dưới 37,3 triệu đồng/lượng vẫn rất lớn. Chính vì vậy giá vàng trong nước hiện tương đối ổn định, quanh mức 37,4 triệu đồng/lượng.

Điều này có thể được lý giải bởi thói quen tích trữ vàng của người dân, sự hỗ trợ từ xu hướng tăng giá trong nhiều năm liền của giá vàng thế giới, tỷ giá USD/VNĐ đã ở mức rất thấp gần ngưỡng tâm lý 20.500 đồng/USD. Kết thúc tuần qua, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 37,34 triệu đồng/lượng mua vào và 37,4 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 100.000 đồng/lượng (tính theo tỷ giá USD/VNĐ bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố cuối tuần là 20.678 đồng/USD).

Trong thời gian qua, giá vàng trong nước không chênh lệch nhiều, thậm chí có nhiều thời điểm thấp hơn so với giá thế giới. Nhu cầu đầu tư vàng giảm chủ yếu do lãi suất VNĐ đang ở mức rất cao. Tuy nhiên về tổng thể, lãi suất cao không chỉ làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng mà còn giảm cả nhu cầu đầu tư vào các mặt hàng khác, bao gồm bất động sản, chứng khoán... Vừa qua động thái nổi bật nhất trên thị trường tiền tệ là NHNN tăng mạnh giá mua USD vào ở tỷ giá 20.700 đồng/USD khi thị trường đang giao dịch ở mức 20.500 đồng/USD.

Nhiều chuyên gia nhận định động thái này của NHNN là một mũi tên ngắm ba đích. Thứ nhất, trước sự sụt giảm giá mạnh của USD với áp lực nguồn cung thuận lợi, là cơ hội mua vào để cải thiện dự trữ ngoại hối - vốn đã bị tiêu hao mạnh trong 3 năm qua. Thứ hai, do cung USD lớn trên thị trường, các ngân hàng phải dùng một lượng vốn VNĐ lớn để mua vào, tức thanh khoản VNĐ đang là vấn đề cần can thiệp. Thứ ba, nâng cao giá mua vào, đà rơi của tỷ giá USD/VNĐ trước mắt đã được chặn lại. Bởi nếu tỷ giá tiếp tục giảm sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu, trong khi nhập siêu đang có diễn biến phức tạp trong 4 tháng đầu năm.

Một điểm đáng chú ý, đi cùng với đó NHNN đã có một quyết định quan trọng là tăng các lãi suất điều hành, tiếp tục phát đi thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ để quyết liệt kiềm chế lạm phát. Tuy vậy việc thực hiện được cả 3 mục tiêu này rất khó, vì điều này đi ngược quy luật kinh tế. Trong kinh tế học, tỷ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát là bộ ba bất khả thi (impossible trinity). Ba yếu tố này luôn có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không thể đồng thời được đảm bảo, nghĩa là phải hy sinh ít nhất một yếu tố.

Hiện tại, lãi suất duy trì cao trong thời gian dài đang có nguy làm vỡ “bong bóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán, lạm phát 4 tháng đã ở mức 9,64%, chỉ có tỷ giá thời gian gần đây là tạm ổn. Vì vậy trong tương lai để có thể cứu vãn hai yếu tố trên, buộc phải hy sinh tỷ giá. Và nếu tỷ giá tăng trở lại, giá vàng trong nước cũng khó có thể giảm sâu.

Với những phân tích trên, đầu tư vàng trong dài hạn vẫn là một kênh hấp dẫn. Tuy nhiên nhà đầu tư cần phải bình tĩnh hoạch định chiến lược đầu tư ở thời điểm và mức giá hợp lý. 

Các tin khác