19-4: Giá vàng tăng, giảm khó lường

Diễn biến trên thị trường vàng trong nước và châu Á sáng 19-4 tương tự kịch bản của ngày hôm qua: Tăng mạnh đầu phiên và điều chỉnh giảm ngay sau đó. Diễn biến khó lường này có thể khiến nhiều nhà đầu tư bị động.

Diễn biến trên thị trường vàng trong nước và châu Á sáng 19-4 tương tự kịch bản của ngày hôm qua: Tăng mạnh đầu phiên và điều chỉnh giảm ngay sau đó. Diễn biến khó lường này có thể khiến nhiều nhà đầu tư bị động.

Mở phiên giao dịch sáng nay (19/4), giá vàng trong nước vọt cao lên sát 37,4 triệu đồng/lượng, khi giá thế giới tăng qua vùng 1.495 USD/ounce, nhưng đà tăng sau đó chững lại và nhanh chóng đảo chiều đi xuống khi giá vàng giao ngay tại châu Á suy giảm. Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD hôm nay chính thức xác lập mức cao kỷ lục mới.

Tính tới 9h40, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 37,21 - 37,34 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Cùng thời điểm, vàng SJC của Công ty Phú Quý được mua và bán ở các mức tương tự.

Còn theo bảng giá lúc 8h45 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 37,26 triệu đồng/lượng, bán ra với giá 37,30 triệu đồng/lượng. Vàng SJC đứng ở các mức 37,25 triệu đồng/lượng (giá mua vào) và 37,33 triệu đồng/lượng (giá bán ra).

Như vậy, so với giá sáng qua, giá vàng trong nước hiện tăng nhẹ vài chục nghìn đồng mỗi lượng, nhưng đang theo chiều hướng đi xuống. Trước đó, khi mở phiên, giá vàng trong nước các thương hiệu đã vọt cao lên mức cao nhất 37,9 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm nhanh khi giá thế giới có sự điều chỉnh.

Trên bảng thanh toán trực tuyến Kitco sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á biến động khá mạnh. Đầu phiên vàng tiếp đà tăng đêm 18/4 trên thị trường Mỹ, lên trên 1.495 USD/ounce, nhưng sau đó lại suy giảm khá nhanh. Hiện, tính tới 9h45, giá vàng giao ngay tại châu Á đang đứng ở 1.491,5 USD/ounce.

Diễn biến trên thị trường vàng trong nước và châu Á sáng nay tương tự kịch bản của ngày hôm qua: Tăng mạnh đầu phiên và điều chỉnh giảm ngay sau đó. Diễn biến khó lường này có thể khiến nhiều nhà đầu tư bị động.

Trước đó, đêm qua, giá vàng kỳ hạn quốc tế giữ vững đà tăng mạnh từ tuần trước, tiếp tục tiến sát ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 1.500 USD/ounce, sau khi tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hạ triển vọng nợ của Mỹ.

Cụ thể, vàng giao tháng 6 tăng 6,9 USD, tương đương 0,5%, lên 1.492,9 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Với mức chốt kỷ lục mới, hiện giá vàng đang cách ngưỡng 1.500 USD chưa đầy 8 USD. Giá vàng giao ngay vọt mạnh hơn, lên 1.495,4 USD/ounce.

Hôm qua, S&P đã hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, trước nguy cơ các nhà hoạch định chính sách nước này có khả năng không đạt được thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Dù vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức cao nhất AAA, nhưng theo S&P cho hay, các nhà chức trách chưa rõ ràng trong cách giải quyết sức ép tài chính dài hạn, và đây là tín hiệu cho thấy tín nhiệm dài hạn của Mỹ có thể bị hạ bậc trong 2 năm tới.

"Vì thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện ở mức rất cao, nợ công ngày càng tăng trong khi việc giải quyết không rõ ràng, nên chúng tôi quyết định hạ triển vọng tín nhiệm dài hạn của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực", S&P nêu rõ.

Giới phân tích nhận định, hành động của S&P sẽ tăng thêm sức ép lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng như Quốc hội Mỹ trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, hiện gần 1.500 tỷ USD (khoảng 9,8% GDP).

Đồng thời, điều này cũng có thể đẩy chi phí vay mượn, lãi suất thế chấp của Mỹ tăng lên, tạo thêm áp lực cho đồng bạc xanh... Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là đà phục hồi kinh tế toàn cầu có thể bị chệch hướng.

Tương tự thị trường vàng, kim loại bạc tăng khá mạnh trong phiên 18/4. Giá bạc giao tháng 5 tăng 39 xu Mỹ, tương đương 0,9%, lên mức 42,95 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 1/1980. Đây cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của giá bạc.

Trong khi đó, giá đồng, bạch kim và palladium giảm nhẹ. Cụ thể, đồng giao tháng 5 giảm 6 xu Mỹ, tương đương 1,4%, xuống 4,20 USD/lb. Đây là mức chốt thấp nhất của giá kim loại này kể từ hôm 16/3, đồng thời là phiên giảm thứ 6 liên tục.

Bạch kim giao tháng 7 giảm 12 USD, tương đương 0,7%, xuống 1.782,8 USD/ounce. Palladium giao tháng 6 hạ mạnh 29 USD, tương đương 3,8%, xuống 739,8 USD/ounce.

Mức giảm mạnh cũng là xu hướng của thị trường dầu đêm qua, xuất phát từ nỗi lo nhu cầu tiêu thụ suy giảm sau động thái của S&P. Trên sàn New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 giảm tới 2,54 USD, tương đương 2,3%, xuống 107,12 USD/thùng.

Trước đó, đầu phiên, Saudi Arabia tuyên bố nước này đã tiến hành cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 3 do nhu cầu tiêu thụ yếu. Theo đó, sản lượng của quốc gia dầu mỏ này ở mức 8,292 triệu thùng/ngày, giảm từ mức 9,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay (19/4), tỷ giá USD liên ngân hàng tăng thêm 5 đồng, xác lập lên mức cao nhất từ trước tới nay, 20.733 đồng. Tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại là 20.940 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank, giá USD mua vào là 20.905 đồng, bán ra là 20.940 đồng.

Theo bảng niêm yết trên website cũng của Vietcombank, sáng nay, đồng Yên Nhật được mua vào với giá 249,41 - 251,93 đồng/Yên, bán ra với giá 239,11 đồng/Yên. Đồng Euro được mua vào với giá 29.467,97 - 29.556,64 đồng/Euro, bán ra ở mức 27.884,54 đồng/Euro. Như vậy, giá bán ra của cả Yên Nhật và Euro đều thấp hơn giá mua vào.

Các tin khác