Thay quản lý sổ hộ khẩu bằng mã định danh

Xu thế không thể chậm

(ĐTTCO) - Việc thay đổi quản lý từ sổ hộ khẩu chuyển sang bằng mã số định danh trong cơ sở dữ liệu quốc gia, đang là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng muốn đẩy nhanh Bộ Công an cần sớm đồng bộ các thủ tục liên quan để tránh gây khó khăn cho người dân.

Phải đảm bảo an ninh dữ liệu
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Theo đánh giá của Bộ Công an, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm chi phí từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản, không phải sao, chụp hoặc chứng thực bản sao từ bản chính. Giải pháp này cũng góp phần kết nối, chia sẻ thông tin dân cư giữa các ngành, lĩnh vực đời sống, là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử.
 Hiện nay vấn đề để lộ, lọt thông tin cá nhân diễn ra rất nhiều. Những thông tin cá nhân bị lọt ra ngoài sẽ gây thiệt hại cũng như nguy hiểm cho người dân, bởi có thể sẽ bị kẻ xấu lấy và sử dụng vào mục đích khác. Điều này đòi hỏi năng lực, phương thức quản lý cũng như cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của ta cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đặt ra.
 TS. Bùi Hải Thiêm
Hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe… Thậm chí, học sinh khi đi học cũng phải có giấy khai sinh. Dự kiến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này. Thay vào đó, người dân chỉ mang theo thẻ căn cước công dân, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
TS. Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn còn duy trì chế độ hộ khẩu để quản lý dân cư. Đây là do chúng ta học và áp dụng mô hình quản lý của Liên Xô cũ, về sau Trung Quốc cũng áp dụng mô hình này nhưng đến nay đã bãi bỏ. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu người không có sổ hộ khẩu.
Theo TS. Bùi Hải Thiêm, việc thay đổi quản lý từ sổ hộ khẩu chuyển sang bằng mã số định danh trong cơ sở dữ liệu quốc gia đang là xu thế tất yếu, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình và cách thức quản lý này, đến nay Việt Nam mới thực hiện là có phần hơi chậm. Tuy nhiên, điều lo ngại là năng lực cũng như cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện nay ở Việt Nam, liệu có đảm bảo được vấn đề an ninh dữ liệu cho người dân hay không. 
Xu thế không thể chậm ảnh 1 Thay đổi sổ hộ khẩu và CMND bằng mã định danh là xu hướng thời đại công nghệ. 
Thay đổi tư duy quản lý
TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho rằng việc thay thế quản lý sổ hộ khẩu bằng mã định danh trong dữ liệu quốc gia là việc cần làm, bởi sẽ giúp thuận lợi hóa các thủ tục cũng như phù hợp với xu thế “cách mạng 4.0”.
Ngoài ra, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay đang làm hạn chế quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, việc quản lý bằng mã số định danh sẽ giải quyết được điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy trong cách quản lý, bởi trên thực tế dù phương thức quản lý đã thay đổi từ sổ hộ khẩu sang mã định danh, song một số cơ quan nhà nước vẫn mang “tư duy sổ hộ khẩu”, lại gây ra những chồng chéo khác. 
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, hiện có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Ngoài ra còn có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh, khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao giấy chứng nhận kết hôn.
“Vấn đề đặt ra ở đây là Bộ Công an cần phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, để sớm đồng bộ giữa thẻ căn cước có mã số định danh với các thủ tục đi kèm theo nó như hồ sơ, ngân hàng, bảo hiểm, hợp đồng... Bởi nếu không sớm đồng bộ, sẽ lại gây phiền toái cho người dân” - TS. Hưng nói.
Về ý kiến dư luận lo ngại việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, phạm vi triển khai rộng khắp từ Trung ương tới địa phương và cần có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng đặt trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế. Do vậy vốn cho dự án được xem là một trong những khó khăn. Tuy nhiên TS. Hưng cho rằng, nếu dự án được Quốc hội thông qua thì sẽ có lộ trình để thực hiện và sẽ giải ngân, bởi đây là việc nên làm.
 Thượng tá TRẦN HỒNG PHÚ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát
đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an): 
Đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bí mật đời tư

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được các cơ quan chuyên trách của Bộ Công an chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có đầy đủ các phương án. Do đó, khi trình dự án Chính phủ đã đồng ý việc triển khai, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã có những quy định cụ thể để đảm bảo hạ tầng tốt, lắp đặt đường truyền thông suốt từ trung ương đến địa phương; quy định cả các hình thức khai thác trên internet và các mạng viễn thông; và có phương án dự phòng để đảm bảo việc truyền, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành có liên quan. Do vậy, không lo việc mất đường truyền và thông tin công dân cũng được an toàn tuyệt đối. Các bí mật về đời tư, cá nhân và gia đình cũng sẽ không bị lộ, lọt và các cơ quan không có thẩm quyền, chức năng không được tra cứu. Ngoài ra, cũng không có công dân nào được phép khai thác, tra cứu thông tin. Nhưng công dân được quyền khai thác thông tin của mình để giải quyết các thủ tục hành chính.

Các tin khác