Xử lý gian lận thi cử không có vùng cấm

(ĐTTCO)-Ngày 19-7, 2 tổ công tác xác minh điểm thi bất thường tại Lạng Sơn và Sơn La do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập tối 18-7 đã đến làm việc tại Sở GD-ĐT 2 tỉnh trên. Tổ công tác đã rà soát, chấm thẩm định các bài thi có nghi vấn nhằm có kết quả trong thời gian sớm nhất. 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia chiều 19-7
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia chiều 19-7
Khẩn trương xác minh nghi vấn gian lận 
Tại Lạng Sơn, dư luận nghi vấn điểm cao bất thường đối với danh sách 35 thí sinh ở Hội đồng thi của tỉnh. Theo đó, môn Lịch sử có 4 em được 9 điểm, 21 em được 8 điểm. Môn Ngữ văn có 5 thí sinh đạt điểm 9 và 23 em được điểm 8-8,75. Không thí sinh nào trong danh sách có tổng điểm 3 môn tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và điểm ưu tiên dưới 24. Các thí sinh sinh năm 1994 đến 1997, là những thí sinh tự do của lực lượng công an, thi tại điểm Trường THPT chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn. 
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh đã giao Sở GD-ĐT rà soát toàn bộ quy trình chấm thi, không riêng nhóm 35 người này. Trước mắt, kiểm tra 35 trường hợp có nghi vấn. Các bài trắc nghiệm phải qua thao tác quét rồi gửi về Bộ GD-ĐT nên phải đối chiếu các bài thi gốc với các bài đã quét đó xem có gì khác biệt nhau. Đồng thời, phải xem lại toàn bộ quá trình chấm thi xem có chênh lệch gì khác thường về điểm số hay không.
Tỉnh Lạng Sơn khẳng định, nếu có sai phạm, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật và không bao che. Trong kỳ thi năm nay, điểm thi THPT chuyên Chu Văn An có hơn 100 thí sinh tự do thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, được sắp xếp ngồi tập trung vào một số phòng. Khi thi thử, nhóm thí sinh này đều đạt kết quả tốt vì đã thuê giáo viên trường chuyên về giảng dạy.
Trước những bất thường trong điểm thi tốt nghiệp THPT ở Lạng Sơn, trong đó có 35 thí sinh là cảnh sát cơ động, đại diện Cục An ninh Chính trị, nội bộ (A83 Bộ Công an) đã cử một tổ công tác cùng các thành viên của Bộ GD-ĐT tới Lạng Sơn để kiểm tra, xác minh.
Trong khi đó, tại Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, tổ công tác của Bộ GD-ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cùng với Sở GD-ĐT Sơn La cũng xuyên đêm chấm thẩm định các bài điểm cao bất thường. Các phóng viên không được tiếp cận buổi làm việc.
Theo bảng thống kê, trong tốp 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La, 1 em là thí sinh duy nhất của cả nước đạt 2 điểm 10 (tiếng Anh và Lịch sử). Điểm đáng ngờ là điểm thi của 2 thí sinh này cao hơn rất nhiều so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường, khiến dư luận hoài nghi về sự tiến bộ “phi thường” của thí sinh. Không chỉ vậy, các chuyên gia cũng phát hiện điểm môn Toán, Vật lý cao bất thường của Sơn La. 
Dư luận cũng đang hoài nghi về điểm thi của tỉnh Hòa Bình, Bạc Liêu, Cao Bằng.
Đuổi khỏi ngành những người vi phạm
Trước sai phạm xảy ra trong khâu chấm thi tại tỉnh Hà Giang và nghi vấn sai phạm tại một số địa phương khác, chiều 19-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia 2018, đã họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan để tiếp tục chỉ đạo xử lý vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, sau 4 lần tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia ngày càng tốt hơn, đảm bảo nhẹ nhàng, tiết kiệm, an toàn, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và toàn xã hội. Qua từng năm, công tác kỹ thuật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả.
“Sự việc xảy ra tại Hà Giang vừa qua là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực, công bằng của kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
“Trong quá trình chấm thẩm định, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH-CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Theo quy chế, hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó, tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức…
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Thanh tra bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ. “Chúng ta quyết tâm làm nghiêm túc để trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho nhân dân đối với một kỳ thi mà chính học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân dân đã ủng hộ và đồng hành. Sẽ không có vùng cấm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Các tin khác