Xôn xao xét tặng danh hiệu nghệ sĩ

(ĐTTCO) - Lần xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 9 năm 2018 cũng không thoát được vòng xoáy khi hàng loạt cái tên của nghệ sĩ phía Nam bị “loại” như NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… Trong đó, đặc biệt trường hợp NSƯT Minh Vương đã lần thứ 3 bị “đánh trượt” danh hiệu NSND. 

Câu chuyện 90% số phiếu và vùng miền
Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã đăng tải kết quả xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 năm 2018 tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước. Theo danh sách, có 77/105 hồ sơ xét tặng NSND và 303/359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đạt được trên 90% số phiếu đồng ý từ thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
Với số liệu trên, có gần 1/4 hồ sơ đã bị loại so với danh sách do 48 hội đồng cấp bộ, cấp tỉnh gửi hồ sơ lên trước đó. Một lần nữa câu chuyện trúng, trượt lại khiến giới nghệ sĩ phải lao xao… Và đến hẹn lại lên, lần xét tặng nào cũng vậy, ngay từ vòng làm hồ sơ xét tặng tại hội đồng cấp cơ sở cho tới tận thời điểm trao giải… mỗi lần danh sách được công bố lấy ý kiến là một lần dư luận lại như lên đồng với đủ tâm trạng phấn khởi, bất ngờ, thất vọng.
Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Phùng Huy Cẩn thừa nhận việc xảy ra những tranh cãi, khiếu kiện mỗi kỳ xét tặng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ông Cẩn, về mặt thủ tục hành chính bản thân ông cũng không có quyền gạt bất cứ một hồ sơ nào, mà mọi trường hợp đều phải báo cáo lên hội đồng.
Những trường hợp không được xét tặng trong lần này đều do không đạt đủ 90% số phiếu của hội đồng. Thậm chí ông Cẩn còn cho biết hồ sơ xét tặng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là hồ sơ của các nghệ sĩ có tuổi đời từ 70 trở lên. Sau đó là hồ sơ được xếp theo thứ tự người có số lượng huy chương cao nhất tới người có huy chương thấp nhất và cuối cùng là các hồ sơ thiếu A, B, C…
Xôn xao xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ảnh 1 NSƯT Minh Vương. 
Tất cả mọi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do 48 hội đồng cấp bộ, tỉnh gửi lên đều trình đầy đủ lên hội đồng. Về quy trình, mỗi hồ sơ được Chủ tịch hội đồng đưa ra đều được các thành viên bàn luận, bảo vệ, phản biện công khai trước khi bỏ phiếu đưa ra quyết định cuối cùng.
“Việc này khác hoàn toàn với tuyển sinh bởi hồ sơ của các nghệ sĩ là công khai từ danh tính đến thành tích, quá trình cống hiến. Tuy nhiên, ý chí, nhận định cuối cùng của mỗi thành viên trong hội đồng là thể hiện trên các lá phiếu và họ chịu trách nhiệm với mỗi lá phiếu đó” - ông Cẩn khẳng định.
Liên quan tới những dấu hỏi lớn về việc phải chăng cơ cấu vùng miền khiến các nghệ sĩ thiệt thòi, lãnh đạo Vụ Thi đua-Khen thưởng chia sẻ, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước ngoài đảm bảo về mặt chuyên môn thì còn phải đáp ứng cơ cấu về tính vùng miền. Vì vậy, trong thành phần 5 hội đồng, ngoài các cơ cấu bắt buộc luôn có đại diện của các nghệ sĩ khu vực miền Bắc, Trung, Tây nguyên, Nam để mọi bộ môn nghệ thuật, mọi nghệ sĩ vùng miền đều có tiếng nói trong quá trình xét tặng.
Xôn xao xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ảnh 2 NSƯT Thanh Tuấn. 
“Thực tế, các thành viên trong hội đồng không quan tâm quá tới chuyện vùng miền. Còn nếu nói khoảng cách địa lý là yếu tố cản trở sự lan tỏa của các môn nghệ thuật có tính đặc thù vùng miền rất khó để phân định. Đúng là không thể khẳng định ai cũng có thể biết rành rõ mọi môn nghệ thuật. Song theo quy trình, mỗi hồ sơ được chủ tịch hội đồng đưa ra đều được các thành viên bàn luận, bảo vệ, phản biện công khai trước khi bỏ phiếu đưa ra quyết định cuối cùng”- ông Cẩn nhấn mạnh.

Vẫn còn cơ hội cho các nghệ sĩ?
Về kết quả xét tặng danh hiệu, nhiều nghệ sĩ thắc mắc về việc NSƯT Trần Hạnh dù không đủ một số điều kiện theo quy định nhưng vẫn được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND từ Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, còn một số nghệ sĩ cải lương gạo cội lại không được. Đại diện hội đồng cho biết, một trong những tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là thời gian hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Tại Khoản 3, Điều 3 của Nghị định 89 quy định, thời gian hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ được tính từ khi họ tốt nghiệp các trường nghệ thuật.  Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt là ở các môn nghệ thuật truyền thống thường không qua trường lớp chuyên nghiệp. Họ chủ yếu được truyền nghề hay đi theo các đoàn nghệ thuật từ rất sớm.
Những nghệ sĩ như thế này trong phía Nam rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực cải lương. Trước kỳ xét tuyển danh hiệu NSND, NSƯT, Vụ Thi đua khen thưởng nhận được nhiều ý kiến phản ánh tính chất đặc thù trên của các nghệ sĩ sân khấu. Hội đồng có xem xét và ghi nhận những ý kiến này.
Tuy nhiên, khi bỏ phiếu tức là quyền thuộc về các thành viên Hội đồng. Một số nghệ sĩ phía Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương không đạt được con số 90% số phiếu đồng ý từ các thành viên hội đồng. Vì thế, họ không có tên trong danh sách các nghệ sĩ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9.
Riêng về trường hợp NSƯT Minh Vương 3 lần xét và cả 3 lần đều trượt trong đó 2 lần trước hồ sơ của nghệ sĩ đã không vượt qua được vòng cấp cơ sở. Trả lời về việc liệu nghệ sĩ Minh Vương có thể chuyển sang xét tặng danh hiệu NSƯT và NSND hay không ông Cẩn cho biết theo quy định hiện hành là không được vì việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân chỉ dành cho đối tượng là những người gìn giữ vốn quý trong dân gian, không phải người được đào tạo.
Mọi trường hợp hồ sơ vượt qua hội đồng cấp cơ sở đều có báo cáo cụ thể, việc bỏ phiếu là quyền của các thành viên hội đồng, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch không thể can thiệp được. Tuy nhiên hồ sơ của NSƯT Minh Vương cùng nhiều hồ sơ của các nghệ sĩ khác đang lấy ý kiến của nhân dân nên cơ hội để nghệ sĩ cải lương này lên NSND vẫn còn. “Có một số nghệ sĩ gạo cội, đặc biệt là trong bộ môn cải lương không đủ số phiếu bầu của các thành viên hội đồng.
Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến từ các cơ quan thông tin đại chúng. Trong quãng thời gian lấy ý kiến, sẽ lắng nghe mọi ý kiến để trên cơ sở đó báo cáo các cơ quan có đề xuất phù hợp hơn với tình huống thực tế. Tôi rất hy vọng các trường hợp nghệ sĩ như: NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn… của cải lương phía Nam sẽ được Hội đồng xem xét lại” -ông Phùng Huy Cẩn nói. 
Là người thường xuất hiện trong hội đồng xét tặng ở nhiều cấp, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng các quy định mới chỉ là khung cứng, để đạt danh hiệu không chỉ có huy chương, mà cần phải thuyết phục được hội đồng để họ bỏ phiếu… Thuờng thì các thành viên hội đồng xét tặng đều là những người có nhãn quan, tư duy nghệ thuật chuẩn mực. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố cảm tính của cá nhân chi phối quyết định của chính những người cầm cân nảy mực này.

Các tin khác