Xe tải vô nội ô phải xin phép

(ĐTTCO) - Nhiều tài xế xe tải liên tỉnh khi đậu xe bốc xếp hàng hóa trong nội ô TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) rất bất ngờ khi bị lực lượng chức năng hỏi giấy phép lưu thông.

(ĐTTCO) - Nhiều tài xế xe tải liên tỉnh khi đậu xe bốc xếp hàng hóa trong nội ô TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) rất bất ngờ khi bị lực lượng chức năng hỏi giấy phép lưu thông.

Còn đối với tài xế trong tỉnh Đồng Tháp, giấy phép này có thể giúp họ lưu thông bất chấp giờ giấc mà lại ít bị hoạnh họe các vi phạm khác. Giấy phép này do Ban quản lý công trình công cộng TP Cao Lãnh cấp theo giờ hoặc tháng.

2.000 đồng cho 3 giờ đậu xe

Trong thư gửi Tuổi Trẻ, anh Đ.H. - tài xế xe liên tỉnh - viết: “Ngày 13-5, xe tải của tôi vào TP Cao Lãnh để giao hàng và đậu trên đường Bà Triệu. Trong khi đường này không có biển báo cấm dừng, cấm đậu hay biển cấm ôtô tải thì tôi lại bị công an phường 2 hỏi giấy phép lưu thông trong nội ô. Tôi nghĩ mình đang làm đúng theo quy định nên có ý kiến thì bị cán bộ này yêu cầu đưa xe về ủy ban phường giải quyết. Về phường tôi được hướng dẫn mỗi khi xe tải muốn đậu tại bất cứ đoạn đường nào trong khu vực nội ô đều phải có giấy phép lưu thông với giá 2.000 đồng cho 3 giờ đậu xe. Do tôi không phải là người địa phương và lần đầu vi phạm nên chỉ nhận hình thức cảnh cáo, không lập biên bản. Tôi nghĩ đây là một “lệ làng”, và nếu tài xế lạ nào vào TP Cao Lãnh cũng phải lần mò tìm chỗ để xin phép thì rõ ràng sẽ mất nhiều thời gian, công sức”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ tài xế ngoài tỉnh Đồng Tháp, những tài xế trong tỉnh cũng bị nhắc nhở, thậm chí bị xử phạt nếu “quên” xin phép khi đậu xe trong TP. Chị L., chủ một xe tải, cho biết trước khi xe vào TP bốc xếp hàng hóa thì đều phải cử người đến ban quản lý công trình công cộng xin phép. Mỗi lần cấp phép chỉ được đậu 2-3 giờ tùy trọng tải và phải nộp 2.000 đồng tiền phí. Đặc biệt không được xin phép liên tiếp nhiều giờ, nếu muốn đậu xe nữa thì phải đi xin phép tiếp.

“2.000 đồng cũng không quá mắc nhưng mất công đi lại nhiều lần. Thêm nữa, nếu đậu quá thời gian cho phép sẽ bị xử phạt. Có lần bị phạt 200.000 đồng, sau đó tui sợ nên đều chấp hành quy định” - chị L. cho biết.

Ngoài giấy phép cho mỗi lần đậu xe, còn có giấy phép tháng với mức thu 60.000 đồng dành cho các xe tải hoạt động thường xuyên trong TP. Theo chia sẻ của các tài xế, khi được cấp phép theo tháng, họ chỉ cần trưng giấy này ở phía trước xe là chạy “vô tư” trong TP và đặc biệt rất ít bị xử lý.

Xe tải vào TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) phải xin giấy phép lưu thông.
Xe tải vào TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) phải xin giấy phép lưu thông.

Không nhằm thu phí

Ông Võ Thành Được, phó giám đốc Ban quản lý công trình công cộng TP Cao Lãnh, xác nhận có cấp phép cho xe tải lưu thông vào nội ô với mức phí đúng như tài xế đã phản ảnh.

Việc cấp phép này đã được UBND TP Cao Lãnh đồng ý chủ trương nhằm sắp xếp, bố trí xe tải vào nội ô bốc xếp hàng hóa có trật tự, không dẫn đến ùn tắc hay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Việc thu phí chỉ bù vào việc in ấn, bồi dưỡng cho cán bộ kiêm nhiệm việc cấp phép.

Giấy phép lưu thông theo giờ.
Giấy phép lưu thông theo giờ.

Về căn cứ pháp lý, ông Được nói thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị. Tuy nhiên, trong quyết định này lại không có quy định nào đề cập đến việc xe tải phải được cấp phép mới được vào nội ô.

“Nếu để xe tải ra vào tự do thì tình hình rất phức tạp, tài xế đậu xe lung tung, che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, nhất là các khu vực có trường học” - ông Được giải thích.

Ông Được cũng thừa nhận việc cấp phép hiện nay bộc lộ nhiều bất cập do lực lượng kiểm tra việc thực hiện còn mỏng, việc cấp phép chủ yếu trên giấy tờ và để góp phần nâng cao ý thức của tài xế, chủ xe. Hơn nữa, việc cấp giấy phép tháng vô hình trung tạo điều kiện cho các xe được phép lưu thông bất kể giờ giấc.

Theo phương án của Ban quản lý công trình công cộng, để được cấp phép, chủ xe tải chỉ cần đến trụ sở ban quản lý trình giấy đăng ký xe hoặc sổ đăng kiểm và cụ thể tuyến đường muốn cấp phép. Ban sẽ căn cứ tải trọng, cơ sở hạ tầng, mật độ giao thông để cấp trong thời gian thích hợp.

Số liệu thống kê của Ban quản lý công trình công cộng TP Cao Lãnh cho thấy trung bình mỗi tháng ban cấp khoảng 600 giấy phép ngày và 20 giấy phép tháng. Tức sẽ có chừng đó lượt người phải bỏ thời gian, công sức để đi xin phép trong khi các TP khác thì không có thủ tục này.

Sẽ bãi bỏ vì bất cập

Ông Phan Văn Thương, chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết ông khá bất ngờ trước quy định này.

Sau khi nắm tình hình, ông Thương nhận định việc cấp phép này là bất cập vì không có lực lượng đi kiểm tra. Hơn nữa, khi cấp phép như vậy vô hình trung tạo điều kiện cho các xe tải lưu thông thoải mái vào những khu vực đông dân cư, đường chật hẹp lại càng làm phức tạp tình hình.

“Tôi đã chỉ đạo trước hết là bãi bỏ quy định cấp phép. Ngoài ra, các ngành phải rà soát các tuyến đường chật hẹp để hạn chế giờ xe tải lưu thông, bốc xếp hàng. Song song đó là đồng bộ hệ thống biển báo cấm để tài xế chấp hành. Đó mới là giải pháp căn cơ chứ đẻ ra thủ tục như vậy đâu có hiệu quả, lại hành dân đi tới đi lui” - ông Thương nói.

Các tin khác