Vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Có dấu hiệu trục lợi, nhận hối lộ

(ĐTTCO) - Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1 vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 trên địa bàn và đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. 

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can liên quan đến gian lận thi cử

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can liên quan đến gian lận thi cử

Đường dây nâng điểm có tổ chức 

Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn), tức là đã được nâng trung bình khoảng 9 điểm/môn. 

Với 44 thí sinh được nâng điểm, cơ quan công an làm rõ đường dây nâng điểm có tổ chức, chỉ đạo từ lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La tới một số phòng ban, đơn vị liên quan. Công an tỉnh Sơn La đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng), Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng); Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá thuộc Công an tỉnh Sơn La) và Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá Phòng An ninh chính trị nội bộ). Trong đó, Trần Xuân Yến nhận nâng điểm 13 thí sinh; Nguyễn Thị Hồng Nga nhận nâng điểm 16 thí sinh; Lò Văn Huynh nhận nâng điểm 7 thí sinh; Nguyễn Thanh Nhàn nhận nâng điểm 4 thí sinh; Đỗ Khắc Hưng nhận nâng điểm 1 thí sinh và Đinh Hải Sơn nhận nâng điểm 2 thí sinh. 

Theo cơ quan an ninh điều tra, với những tài liệu thu thập được cho thấy các đối tượng trên còn có dấu hiệu của hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ”. Một số bị can đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính, có bị can  khai nhận “giá” trung bình giúp đỡ nâng điểm mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD-ĐT “gửi gắm” 8 trường hợp

Cơ quan chức năng xác nhận, ông Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) là người phụ trách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, khai có nhận được sự “gửi gắm” của cấp trên là ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) để nâng điểm cho 8 trường hợp. Ông Yến cũng nhận lời để nâng điểm cho 4 thí sinh khác theo “nhờ vả” của ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La). Sau khi có thông tin của các thí sinh diện “gửi gắm”, ông Yến lập thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh theo đơn “đặt hàng”. Tiếp đó, ông Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga để giải quyết.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đã phủ nhận lời khai của ông Yến. Trong khi đó, cơ quan công an cho biết mới chỉ kết thúc điều tra giai đoạn 1 của vụ án. Trong giai đoạn 2 sẽ tập trung điều tra làm rõ vai trò của các cá nhân là người trực tiếp, người trung gian, người thân đã chuyển thông tin cá nhân của thí sinh để nhờ các bị can nâng điểm, số tiền mà các cá nhân liên quan đã “mua điểm”... 

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết viện đã nhận được hồ sơ vụ án và trong vòng 1 tháng nữa sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để đưa ra xét xử. Tuy nhiên, hiện chưa thể buộc tội các bị can trên về tội đưa - nhận hối lộ do chưa đủ căn cứ và thông tin “giá” 1 tỷ đồng cho một trường hợp nâng điểm mới là lời khai một phía.

Các tin khác