Vòng xoáy "chạy trường" đầu cấp

(ĐTTCO) - Tại TPHCM suốt nhiều năm qua, việc chạy trường năm nào cũng được báo chí phản ánh nhưng dường như chưa bao giờ có dấu hiệu bớt nóng. 

Một câu hỏi được đặt ra: để giành được một suất học ở trường tốt cho con, phụ huynh đã tạo điều kiện cho tương lai của con được tới đâu, hay vô tình tạo quá nhiều áp lực cho xã hội rơi vào vòng xoáy chạy trường, nhất là các trường công lập.

Vui buồn “Nhâm Thìn, Đinh Hợi”
Đến hẹn lại lên, cứ đến tháng 8 hàng năm cũng là lúc các bậc phụ huynh ở TPHCM chạy đôn, chạy đáo để lo cho con mình vào lớp 1 trường công lập. Chị Thanh Tuyền có hộ khẩu tại quận 12, hàng ngày làm việc tại quận Gò Vấp muốn con học lớp 1 tại trường trong quận Gò Vấp để thuận tiện trong việc đưa đón. Thông qua người nhà, chị Tuyền tìm đến hiệu trưởng một trường tiểu học.
Do “nhất thân, nhì quen”, lại lo liệu từ rất sớm nên chị Tuyền đã xin được cho con học lớp 1 của ngôi trường mình muốn, với “phí cám ơn” hơn chục triệu đồng. Trên nhiều diễn đàn mạng, những trường hợp như của chị Thanh Tuyền được cho là may mắn, bởi có rất nhiều người không thể xin cho con vào trường mình mong muốn.
Một phụ huynh tên Khả Trân kể vì không có mối quan hệ, chị phải tìm kiếm sự trợ giúp khắp nơi, kể cả lên mạng kêu gọi sự tư vấn của cộng đồng mạng. Cuối cùng, chị nhận báo giá 2.000USD cho suất học tại Trường Tiểu học N.B.K ở trung tâm quận 1. Trong khi đó, một phụ huynh khác cũng chạy xin cho con mình vào trường này chỉ mất phân nửa số tiền trên.
Theo những phụ huynh này, giá cho mỗi suất học vào năm đầu của cấp tiểu học dao động tùy theo độ “hot” của trường, mức độ quan hệ với những người có khả năng giúp và tiềm lực tài chính của phụ huynh. Những người không chạy được trường cho con từ lớp 1, sẽ đi “đường vòng” khi để các bé học tạm một trường “làng nhàng” nào đó, rồi chi tiền “đặt trước” chỗ để chuyển trường cho con vào năm sau. 
Không chỉ lứa “rồng vàng” vào lớp 1, cuộc đua của lứa “heo vàng” (sinh năm Đinh Hợi 2007) cũng không kém phần gay cấn.
Vòng xoáy "chạy trường" đầu cấp ảnh 1 Hàng năm các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo để lo cho con vào học lớp 1.  
Nhiều bậc phụ huynh nhận định, cuộc đua vào lớp 6 năm nay khó hơn cả thi vào đại học, khi tỷ lệ “chọi” của một số trường lên đến 1/8. Chị Lê Hoàng Thanh Tâm (quận Bình Tân) chia sẻ, vì muốn cho con theo học một trường công có tiếng, gia đình đã có ý định chuyển nhà đến khu vực quận 3.
Dù tìm hiểu cách đây 3 tháng nhưng các trường tiếng tăm đã hết chỗ, còn các trường tầm trung chị nhận được báo giá 50 triệu đồng, một trường khác nhỏ hơn 25 triệu đồng. Lý giải về sự “đầu tư” của gia đình, chị Tâm nêu bài toán kinh tế: Trường công lập tốt học phí vẫn thấp so với trường tư, con lại được đi học gần nhà.
Nếu tính cả tiền “trà nước” và học phí trong 4 năm cấp THCS, gia đình phải chi khoảng 100 triệu đồng. Còn nếu con học trường dân lập, 4 năm nhẹ cũng phải chi hết hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, nếu có tiêu tốn 50 triệu đồng con vào được trường tốt vợ chồng cũng sẵn sàng.

Nhức đầu tìm chỗ học bán trú
Anh Nguyễn Tiến Thành, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 tại quận Tân Phú, cho biết trong những tháng hè anh vất vả chạy khắp nơi tìm chỗ học bán trú cho con. Thế nhưng năm nay do quận Tân Phú có học sinh vào lớp 1 rất đông, tăng hơn 2.000 em so với năm học 2017-2018, nên đa phần các trường trên địa bàn đều hạn chế tổ chức học 2 buổi/ngày.
Thông tin từ các trường nêu rõ, việc tổ chức lớp bán trú sẽ được thực hiện nếu còn phòng học. Sau khi kết thúc công tác tuyển sinh, căn cứ vào số lượng học sinh và tình hình thực tế về cơ sở vật chất của đơn vị, các trường sẽ có thông báo về việc tổ chức bán trú đối với học sinh lớp 1 năm học 2018-2019.
Tuy nhiên, do số lượng có hạn nên chỉ ưu tiên cho những trường hợp hồ sơ có cả ba và mẹ đều là công chức nhà nước hoặc ba, mẹ đang công tác tại hải đảo... Hội đồng tuyển sinh sẽ xét duyệt và chỉ lấy đủ số lượng. Cho đến những ngày đầu tháng 8 này, nỗi lo của gia đình anh chưa vơi, khi chỉ tiêu học bán trú của các trường rất nhỏ giọt.
Theo số liệu của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, trong năm học 2018-2019, toàn TP tăng 67.234 học sinh, nhiều nhất ở cấp mầm non với 20.225 học sinh và tiểu học 26.812; trong khi THCS tăng 10.406, THPT tăng 9.791 học sinh.
Những quận huyện có số học sinh tăng nhiều nhất thường là những địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng nhanh như quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Về cơ sở vật chất trường lớp, TP sẽ có 882 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 641 phòng tăng thêm và 241 phòng xây thay thế. Như vậy, so với năm học 2017-2018, tổng số phòng học mới đưa vào sử dụng giảm hơn 40% (năm học 2017-2018, toàn TP có thêm 1.479 phòng học mới).
Trong đó, bậc học có số lượng phòng tăng thêm nhiều nhất là tiểu học với 269 phòng, kế đến là mầm non tăng 228 phòng, 2 bậc THCS và THPT tăng thêm 121 phòng. Theo phân tích của một cán bộ Sở GD-ĐT, năm nay tiểu học dẫn đầu danh sách số lượng phòng mới đưa vào sử dụng do nhu cầu về chỗ học gia tăng đột biến (giải quyết chỗ học cho lứa học sinh có năm sinh “rồng vàng”).
Riêng bậc mầm non năm học trước đã được xây mới 287 phòng, nhưng năm nay vẫn phải bổ sung thêm 228 phòng, cho thấy nhu cầu về chỗ học của trẻ ở lứa tuổi này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Như vậy, nếu căn cứ theo điều lệ trường mầm non và tiểu học, để giải quyết đủ chỗ học cho số lượng học sinh tăng thêm như nêu ở trên, toàn TP cần hơn 1.300 phòng học được xây mới, song trên thực tế mới đáp ứng được 38% nhu cầu. 
Nói về thực trạng này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Gia tăng số học sinh cơ học còn làm giảm số học sinh tham gia học 2 buổi. Bên cạnh đó, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều bị co hẹp gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến gia tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và gia tăng biên chế, sẽ làm tăng nguồn ngân sách của TPHCM”.

Các tin khác