“Vết dầu loang” nghi vấn gian lận thi cử

(ĐTTCO) - Liên quan đến các thông tin về nghi vấn gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018, đến đêm 20-7, 2 tổ công tác của Bộ GD-ĐT kiểm tra xác minh điểm thi THPT tỉnh Sơn La, Lạng Sơn vẫn đang miệt mài làm việc. 

Người dân Sơn La mong sớm có kết quả xác minh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP có mặt tại Sơn La, nhiều người dân ở đây rất quan tâm đến nghi vấn điểm thi ở địa phương này. Nhiều giáo viên, học sinh cũng hoài nghi về điểm thi quá cao của một số trường hợp mà “bình thường học hành không có kết quả tốt lắm”.

Hầu hết người dân Sơn La mà phóng viên hỏi chuyện đều mong muốn tổ công tác của Bộ GD-ĐT sớm công bố kết quả xác minh, dù có tiêu cực hay không. Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tại Sơn La, có 2 thí sinh có số điểm cao, đứng đầu cả nước, đều là học sinh của Trường THPT chuyên Sơn La.

Cả 2 em lọt vào danh sách 15 thí sinh có điểm thi cao nhất nước. Đáng nói, điểm thi thử của 2 em ở trường rất thấp. Kết quả thi quá cao, không tương quan với kết quả thi thử đã khiến dư luận rất hồ nghi khi cho rằng khó mà có sự tiến bộ phi thường như vậy trong khoảng thời gian vài tháng.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, dư luận cả nước đang chờ đợi kết quả xác minh để xem liệu có một “Hà Giang thứ 2”? Như một vết dầu loang, trong ngày 20-7 tiếp tục có những nghi vấn về điểm thi cao bất thường tại Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu...

Ngày 20-7, tiếp xúc với báo chí tại Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, thầy Nguyễn Bình Long, Phó Hiệu trưởng trả lời dè dặt các câu hỏi của phóng viên, đồng thời yêu cầu không nêu tên, không chụp ảnh, không ghi hình.

Trả lời câu hỏi 2 thí sinh là học sinh chuyên Văn, chuyên Sử của trường nhưng lại có điểm thi cao ở tất cả các môn, thầy Long cho rằng “đây là kết quả của các em, nhà trường không có bình luận gì”. “Đây không phải lần đầu trường chuyên của tỉnh có học sinh được điểm cao như vậy. Năm ngoái, nhà trường có 10 em đạt 28,8 điểm”, thầy Phó Hiệu trưởng cho biết. Đại diện Trường THPT chuyên Sơn La cũng cho rằng điểm thi thử và thi thật khác nhau là bình thường. 
Trong khi đó, thầy Lò Thanh Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Sơn La, chia sẻ tin tưởng vào năng lực của các em, không nghi ngờ gì. “Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đang làm việc ở Sơn La từ ngày 19-7. Tôi mong tổ công tác của Bộ GD-ĐT sẽ làm sáng tỏ mọi việc, để các em không bị hoang mang, khổ sở như những ngày vừa qua”, thầy Sơn tâm sự. Thầy Sơn cũng khẳng định lớp chuyên Văn của thầy không có con em của lãnh đạo tỉnh, thành phố, huyện. 
35 chiến sĩ cơ động không phải con lãnh đạo
Trong khi đó, tại Lạng Sơn, đến đêm 20-7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT xác minh kết quả điểm thi ở Lạng Sơn vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Trước đó, dư luận nghi vấn điểm cao bất thường đối với danh sách 35 thí sinh ở Hội đồng thi của tỉnh là các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Không thí sinh nào trong danh sách có tổng điểm ba môn tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và điểm ưu tiên dưới 24. 
Ngày 20-7, Sở GD-ĐT Lạng Sơn cung cấp kết quả thi thử của 35 chiến sĩ là khá cao. Trao đổi với báo chí, Đại úy Đỗ Đình Viên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - K20) cho biết, 35 chiến sĩ này nằm trong số 112 chiến sĩ của đơn vị tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018.
“Vết dầu loang” nghi vấn gian lận thi cử ảnh 1 Toàn cảnh họp báo tại Hà Giang. 
Trong số 35 người có 9 chiến sĩ học lực trung bình, 25 đạt học lực khá và 1 chiến sĩ có học lực giỏi. Tất cả đều xuất thân từ gia đình bình thường ở nhiều tỉnh thành, không có ai là con em lãnh đạo hoặc cán bộ cấp cao. Trong quá trình ôn luyện của các chiến sĩ từ tháng 8-2017 đến sát thời gian kỳ thi diễn ra, các chiến sĩ được đội ngũ thầy cô giáo trong và ngoài tỉnh tới giảng dạy, trong đó có cả giáo viên từ Hà Nội và giáo viên giỏi của Trường THPT Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn). 
Cuối ngày 20-7, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Tổ trưởng tổ công tác xác minh tại Lạng Sơn cho biết, sau 2 ngày rà soát, để có kết luận chính xác, tổ công tác sẽ đề nghị chấm thẩm định một số bài thi tự luận môn Ngữ văn. 
Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu... cũng có điểm cao bất thường?
Trong ngày 20-7, dư luận đặc biệt quan tâm đến bức tranh điểm thi theo khối A, A1, B mà ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, công bố với những điểm bất thường đáng nghi vấn. Với bức tranh này, có thể thấy Hà Giang nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B (đã được Bộ GD-ĐT kiểm tra và kết luận đúng là có sai phạm). Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1, đang được Bộ GD-ĐT kiểm tra. Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1 - đã bắt đầu được báo chí nhắc đến. Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B - cần xem xét. Kon Tum, Điện Biên thấp thoáng trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B và cần nghiêm túc xem xét”, ông Lê Trường Tùng đặt vấn đề.
Theo ông Tùng, ở khối B, Điện Biên và Kon Tum là 2 địa phương với số thí sinh có tổng điểm từ 24 trở lên cao nhất cả nước. “2 địa phương ở vùng sâu vùng xa mà lại có điểm khối B cao hơn hẳn những địa phương có truyền thống học tốt như TPHCM, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An... thì không thể yên tâm đó là chất lượng thực sự được. Đề thi năm nay được cho là khó, điểm cao không nhiều, khi điểm thi được nâng cao dần thì các địa phương có truyền thống học tốt cứ biến mất dần và cuối cùng lộ ra mấy địa phương vốn được cho có truyền thống học tốt lại nằm ở cuối bảng. Vì thế, đó hoàn toàn có thể là nghi vấn”, ông Tùng nhấn mạnh. 
Trước những nghi vấn này, trong ngày 20-7, lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình... đều đã lên tiếng cho rằng, kết quả thi của địa phương mình là thực chất. Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, sở đã chủ động báo cáo trực tiếp với Bộ GD-ĐT, khẳng định điểm thi của Hòa Bình là chính xác, khách quan, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào bài thi của các thí sinh.
Sở GD-ĐT Hòa Bình sẵn sàng mời lãnh đạo Bộ GD-ĐT về thanh tra, kiểm tra và Cục Quản lý chất lượng giáo dục về chấm lại toàn bộ bài thi của Hòa Bình. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cũng khẳng định Điện Biên sẽ không kiểm tra lại vì mọi việc đã làm đúng quy trình. Theo ông Kiên, dù Điện Biên là địa phương xếp thứ 39 về trung bình điểm thi THPT quốc gia 2018, có điểm thi khối A và B nổi bật nhưng kết quả thi này là thực chất.

Các tin khác