Vé tàu Tết Đinh Dậu: Người dân vẫn chờ

(ĐTTCO) - Hàng ngàn người dân đã tập trung tại ga Sài Gòn mua vé tàu Tết Đinh Dậu 2017. Dù nhiều người đến sớm và có số thứ tự để mua vé trên tay, nhưng cũng không ít người phải chờ cả ngày mới lấy được vé. Trong khi đó, tình trạng “cò” vé lộng hành vẫn diễn ra quanh khu vực ga.

(ĐTTCO) - Hàng ngàn người dân đã tập trung tại ga Sài Gòn mua vé tàu Tết Đinh Dậu 2017. Dù nhiều người đến sớm và có số thứ tự để mua vé trên tay, nhưng cũng không ít người phải chờ cả ngày mới lấy được vé. Trong khi đó, tình trạng “cò” vé lộng hành vẫn diễn ra quanh khu vực ga.

Sốt vé và chờ đợi

 Ngày đầu tiên CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn bán vé tàu Tết Đinh Dậu 2017 đại trà cho cá nhân qua mạng và các điểm bán vé 1-10, từ sáng sớm, hàng ngàn người đã túc trực tại ga Sài Gòn để chờ mua vé tàu bằng hình thức mua trực tiếp. Nhiều người đã đặt chỗ qua mạng cũng đến nhà ga sớm để bốc số thứ tự chờ thanh toán. Hệ thống bán vé tàu tết năm nay hoạt động suôn sẻ, chỉ trong 2 ngày số lượng vé tại nhiều chặng ngắn gần như không còn khiến nhiều người dù có số thứ tự trực tiếp đến ga Sài Gòn vẫn không mua được vé.

Ga Sài Gòn phối hợp với các đơn vị như FPT, VIB thành lập tổ chỉ đạo chốt trực để hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng đặt chỗ, thanh toán tiền và in vé. Tại khu vực tầng trệt của nhà ga, khá đông hành khách đến theo dõi thông tin và các thủ tục cần thiết đi tàu. Riêng khu vực trên lầu được bố trí 6 quầy vé để bán vé trực tiếp và cho hành khách thanh toán tiền trả sau.

 

Đến ga Sài Gòn từ 5 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Phấn (35 tuổi, quê TP Vinh) cho hay, dù đến sớm nhưng do số thứ tự lớn hơn 500 nên đành chấp nhận chờ tới chiều mới tới lượt lấy vé. Cũng theo chia sẻ của chị Phấn, việc nhắn tin lấy số thứ tự tương đối dễ, được hướng dẫn cụ thể nhưng giá vé năm nay quá cao. Theo đó, chị mua 9 vé tàu Tết (gồm cả vé khứ hồi) từ TPHCM về TP Vinh ngày 17-1-2017 (20 tháng Chạp năm Bính Thân), vé giường nằm tầng 1 lên đến 2 triệu đồng, trong khi những năm trước chưa đến 1,5 triệu đồng. “Mức giá như thế này là quá cao nhưng tôi cũng đành bấm bụng để mua mà về Tết chứ mua vé cũng khó khăn lắm, đặt được đã là may mắn rồi”, chị Phấn than thở.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Văn Hòa (quê Quãng Ngãi) chia sẻ, bản thân đặt vé giường nằm cứng điều hòa đi ngày 20-1-2017 (24 tháng Chạp năm Bính Thân) có giá hơn 1,6 triệu đồng, trong khi ngày thường chỉ xấp xỉ 700.000 đồng. Cũng theo phản ánh của nhiều hành khách về các tỉnh miền Trung như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định… không còn vé ngày cao điểm.

Còn theo Công ty FPT, lượng khách đặt vé qua mạng trong sáng 1-10 khá cao, có thời điểm lên đến hơn 7.000 người truy cập nhưng không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Ngày thứ hai đã có hơn 81.281 vé tàu được bán qua website: dsvn.vn, trực tiếp tại ga Sài Gòn và các đại lý (chưa tính hơn 5.000 vé tàu tập thể đã bán trước đó). “Chỉ trong  7 phút đầu mở bán đã có hơn 10.000 người đặt mua vé tàu tết trên website www.dsvn.vn. Hệ thống diễn ra bình thường, không có trục trặc”, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sáng ngày 1-10 ghi nhận công tác bán vé, thanh toán diễn ra ổn định. Ông Văn khuyến cáo những hành khách có số thứ tự lớn nên đến ga mua vé vào buổi chiều để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn, bởi theo quy định số thứ tự từ 1 đến 500 sẽ được phục vụ từ 7h30 sáng đến 14h chiều, còn số thứ tự từ 501 đến 1.000 được phục vụ từ 14h chiều đến 22h đêm. Những vé hết thời hạn tạm giữ hoặc bị trả sẽ liên tục cập nhật lại trên hệ thống nên khách hàng chưa mua được vé cần thường xuyên theo dõi kho vé ở hệ thống webiste đặt vé.

“Cò” vé lộng hành

Dù các biện pháp mà ngành đường sắt đưa ra như trên nhưng theo ghi nhận của ĐTTC, tại khu vực xung quanh ga Sài Gòn, các đội "cò vé" vẫn hoạt động công khai, thậm chí một số đối tượng ngang nhiên vào khu vực bên trong ga chèo kéo HK mua vé. Khi chúng tôi vừa xuất hiện tại cổng ga, lập tức có một tốp "cò" vẫy gọi, thậm chí chặn đầu xe chèo kéo. Chỉ trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đếm hơn 10 "cò" đang chầu chực để dụ dỗ.

Trong vai HK mua vé Tết, chúng tôi vừa đi đến cổng ga ngay lập tức một người phụ nữ xưng tên là Hiền chạy tới mời chào: “Mua vé đi chú? Chú muốn vé nào cũng có, chỉ khoảng 30 phút là có vé". Chúng tôi đề nghị mua vé khứ hồi, loại giường nằm, chặng TPHCM - Vinh – TPHCM, tàu SE đi ngày 25 Tết. Như bắt được “sóng”, "cò" này đáp: "Đi ngày cao điểm, mỗi vé chênh lệch 300.000 đồng so với giá gốc, nếu đồng ý đặt cọc 200.000 đồng". Lấy cớ giá vé quá cao, chúng tôi từ chối "cò" Hiền.

Thế nhưng, vừa đi được vài chục mét một "cò" nữ khác, dáng thấp đậm, da ngăm đen, nhanh chân chạy tới "mồi chài", thậm chí đưa cả số điện thoại tạo niềm tin. Không những vậy, “cò” này còn quảng cáo là có quen nhân viên trong ga nên việc lấy vé tàu Tết rất dễ dàng. Khi chúng tôi đặt vấn đề về giá cả, "cò" này lập tức hét giá chênh lệch so với giá in trên vé là 400.000 đồng/vé. "Cò" này còn khẳng định, nếu không tin có thể liên hệ với nhà ga để xác minh.

 

Để ngăn chặn tình trạng vé “chợ đen”, “cò mồi” chèo kéo khách, ông Đỗ Quang Văn cảnh báo, HK không nên mua vé qua “cò” vì chỉ những người có vé trùng với thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân mới được vào ga và lên tàu.

Theo ông Văn, những năm trước, việc vé “chợ đen” hoành hành do mức phí đổi, trả vé được áp dụng tương đối thấp, các đối tượng dễ dàng mua rồi sau đó bán lại cho khách để hưởng tiền chênh lệch. Cụ thể, nhiều đối tượng canh thời gian đặt vé với thông tin cá nhân bất kỳ rồi sau đó bán lại cho HK bằng cách cạo sửa tên; đổi, trả vé hoặc dùng CMND giả cho HK đi tàu.

Cũng theo ông Lê Quốc Trung, ngoài việc chặn từ đầu việc “cò” đầu cơ vé, ngành đường sắt đã thỏa thuận với 42 đại lý phân phối vé phải bán đúng giá niêm yết, chỉ được thu phí các loại dịch vụ phục vụ HK để hạn chế tình trạng “cò”. Mặt khác, năm nay, lần đầu tiên, ngành đường sắt sẽ dùng máy quét để kiểm tra thông tin trên vé từ cổng ra, vào cho đến khi khách ngồi trên tàu. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý từ khâu bán vé lẫn quán triệt đội ngũ nhân viên trong ngành để tránh tình trạng nội bộ câu kết tuồn vé ra bên ngoài.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, kiêm Trưởng ga Sài Gòn khẳng định, không có chuyện “cò” vé quen hay móc nối với nhân viên ngành đường sắt, đây chỉ là chiêu bài của các đối tượng “cò” vé để lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân khi mua vé. Thực tế, những năm trước đó đã có không ít HK rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi mua vé từ “cò” vì không lên được tàu.

Cũng theo thông tin ông Thành cung cấp, hiện nay có gần 20 đối tượng “cò” cộm cán và có thâm niên hành nghề đang được lực lượng công an phường 9, quận 3 quản lý và theo dõi. Để đảm bảo cho mỗi HK khi đến ga mua vé tàu Tết, ngành đường sắt phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương tổ chức tuần tra 24/24 ở trong và ngoài khu vực nhà ga, khi phát hiện “cò” vé sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.

Chỗ ngồi ít hơn, giá vé lại tăng

 Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP vận tải đường sắt (VTĐS) Sài Gòn cho biết, dịp Tết Đinh Dậu 2017, ngành đường sắt giảm gần 5.000 chỗ so với cùng kỳ năm trước do đang thực hiện một số dự án cải tạo toa xe nhằm nâng cao chất lượng phục vụ HK. Cụ thể, ngành đường sắt sẽ bán 293.000 vé dịp Tết năm nay. Ngoài hình thức bán vé qua mạng, ngành đường sắt sẽ cấp 15.000 số thứ tự cho khách đến ga mua vé trực tiếp. Mỗi HK được đặt chỗ trên website, mua vé trực tiếp tại các nhà ga, hay các điểm bán vé mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều đi. gIá vé dịp Tết năm nay sẽ tăng chiều đông khách trước Tết để bù cho chiều chạy rỗng từ Hà Nội vào TPHCM. Theo đó, giá vé tàu cao nhất đợt cao điểm Tết là tàu SE4, tăng 9,8% so với giá Tết năm trước để bù chi phí chạy chiều rỗng. Cụ thể, trung bình các tuyến cao điểm từ ngày 21 đến hết ngày 25-1-2017 (tức ngày 24 đến 28 tháng Chạp âm lịch) đối với tàu SE4 (đi TPHCM - Hà Nội) giá vé toa ngồi mềm lạnh là 1.780.000 đồng, nằm tầng 1 là 2.280.000 đồng, nằm tầng 2 là 2.250.000 đồng. Tàu TN2 có giá vé ghế cứng 1.342.000 đồng, giường nằm 1.816.000 đồng.

Các tin khác