Vất vả chọn diễn viên phim truyền hình

(ĐTTCO) - Trong thời điểm phim truyền hình Việt đang có những dấu hiệu chuyển mình khá tích cực, một trong những bài toán quan trọng được đặt ra đó là tiêu chí để lựa chọn diễn viên cho mỗi dự án. Cơ hội nào cho các diễn viên trẻ và làm sao để có được những diễn viên ngôi sao?

Cũ hay mới?

“Việc lựa chọn diễn viên vô cùng quan trọng, vì nó quyết định đến 50% sự thành bại của một bộ phim”, đạo diễn Dũng Nghệ chia sẻ về tầm quan trọng của công tác chọn lựa diễn viên đối với một dự án phim truyền hình.

Thực tế cho thấy, hiện nay khi kinh phí sản xuất phim truyền hình sau nhiều năm vẫn không tăng (trung bình các đài truyền hình chi trả khoảng 180 triệu đồng/tập), việc chọn lựa diễn viên càng khó khăn hơn nhiều. Làm sao chọn các diễn viên tên tuổi, có nghề nhưng không vượt quá khung cát-xê cho phép; hay là trao cơ hội cho các diễn viên trẻ?

Phim Đánh cắp giấc mơ quy tụ dàn diễn viên chính trẻ, tiềm năng

Phim Đánh cắp giấc mơ quy tụ dàn diễn viên chính trẻ, tiềm năng

Đạo diễn Dũng Nghệ đưa ra phân tích, nếu chọn những ngôi sao nổi tiếng về mặt truyền thông sẽ dễ gây chú ý với khán giả và cũng dễ kêu gọi quảng cáo, tài trợ hơn. Điều này cũng đảm bảo sự an toàn cho dự án, bởi phim ảnh vốn là cuộc chơi tốn kém, chỉ cần “gãy” 1 phim nhiều khả năng nhà sản xuất (NSX) rơi vào cảnh tán gia bại sản.

Tuy nhiên, anh cho rằng, nếu ngôi sao đó không phải diễn viên chuyên nghiệp, có nghề thì cũng rất nguy hiểm, đặc biệt với các vai diễn cần chiều sâu, tâm lý phức tạp. Ngược lại, lựa chọn diễn viên mới có nhược điểm non nớt về tay nghề, vốn sống nhưng bù lại “các bạn có tuổi trẻ, có khát vọng khẳng định bản thân mình, nên luôn mang lại cho bộ phim luồng sinh khí mới, tràn đầy năng lượng”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các ê kíp đều cố gắng dung hòa giữa dàn diễn viên ngôi sao và diễn viên mới để vừa đáp ứng độ hot của bộ phim, đồng thời không gây nhàm chán cho khán giả. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết: “Tôi luôn dành cơ hội cho các bạn trẻ. Và dĩ nhiên, khi chọn các bạn trẻ, tôi luôn có dàn bao đủ tốt để các gương mặt đi trước chỉ bảo, dìu dắt”.

Đồng quan điểm đó, đạo diễn Dũng Nghệ thừa nhận, anh luôn thích làm việc với các diễn viên mới, diễn viên trẻ có triển vọng. Gần như phim nào của anh cũng có một gương mặt lạ xuất hiện bên cạnh dàn bao dày dặn kinh nghiệm. Thậm chí trong một số tác phẩm của anh, các bạn diễn viên mới còn đảm nhiệm luôn vai chính.

Trong khi đó, đạo diễn Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), chia sẻ: “Công thức ngôi sao cho phim truyền hình chỉ đúng với từng dự án”. 

Diễn viên trẻ có cơ hội

Ở phương diện NSX, theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, hiện nay việc chọn diễn viên cho phim truyền hình luôn khó hơn điện ảnh, vì các diễn viên phải đi đường dài.

Bà Liên phân tích thêm: “Vì thời gian và kinh phí khá eo hẹp nên buộc diễn viên phim truyền hình khi đóng phải có duyên, không thể diễn đi diễn lại nhiều lần. Nếu thiếu duyên, rất khó để lôi kéo khán giả”. Bà Liên thừa nhận, mình là người khó tính trong chọn diễn viên, vì ngoài ngoại hình, khả năng diễn xuất, bà đặc biệt đề cao đến thái độ khi làm việc.

Đạo diễn Dũng Nghệ thừa nhận, mỗi lần chọn diễn viên với anh là một “cuộc chiến” với NSX. Anh luôn mất nhiều thời gian bảo vệ những gương mặt mình đề cử và thuyết phục NSX tin vào các luận điểm của mình. “Khi casting, điều đầu tiên tôi quan tâm là diễn viên đó có phù hợp với nhân vật, ý đồ nghệ thuật và họ có thể đảm đương tốt vai diễn của mình hay không, sau đó mới tính đến các yếu tố khác như tên tuổi, sức ảnh hưởng với công chúng, đạo đức nghề nghiệp”, Dũng Nghệ cho biết thêm. 

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền bổ sung, mỗi kịch bản anh có cách xử lý riêng. Khi casting, anh không chú trọng nhiều vào diễn viên ngôi sao. Quan trọng họ phải hợp vai và tải được tâm lý nhân vật. “Tôi cũng luôn trình bày với NSX về quyết định của mình và thuyết phục họ tại sao phải chọn gương mặt ấy”, anh chia sẻ. Một kinh nghiệm của đạo diễn Nhâm Minh Hiền, là khi làm việc với các diễn viên ngôi sao, anh thường không bị đòi hỏi nhiều về vấn đề cát-xê nhưng đổi lại “họ cần sự kỹ lưỡng, chắt chiu của đạo diễn và NSX trong từng vai diễn”. 

Rõ ràng, việc đặt để diễn viên phù hợp với từng vai diễn, trao cơ hội cho các diễn viên trẻ đang phát huy tác dụng tốt; trong khi, các gương mặt gạo cội vẫn giữ được vị thế, vai trò trụ cột. Bài toán ấy, nếu biết cân bằng sẽ đủ sức thuyết phục khán giả.

Một tín hiệu tích cực của thị trường, đó là trong nhiều dự án gần đây, phim truyền hình Việt đã phát hiện và nuôi dưỡng được nhiều gương mặt trẻ từ triển vọng, tiềm năng trở thành những ngôi sao sáng giá. Có thể kể đến Bảo Thanh sau Sống chung với mẹ chồng trở thành gương mặt được yêu thích trên sóng VTV, trong đó có phim đang phát sóng Về nhà đi con; Nguyễn Đình Tú sau Lặng yên dưới vực sâu là Ghét thì yêu thôi và Yêu thì ghét thôi; Doãn Quốc Đam, Phương Oanh từ Lặng yên dưới vực sâu đến Quỳnh búp bê… Ở thị trường phía Nam, Thúy Ngân (Gạo nếp gạo tẻ), Xuân Nghị (Ngày ấy mình đã yêu), Hạ Anh (từ Cả một đời ân oán 2 đến Đánh cắp giấc mơ)… cũng đầy triển vọng.

Các tin khác