Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Bảo vật quốc gia

(ĐTTCO) - Được mệnh danh là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng ở đất Thủ đô, mà còn là nơi chứa đựng tinh hoa, lưu giữ những giá trị văn hóa, giáo dục, kiến trúc truyền thống của đất Việt.
 Ở bất cứ nơi đâu trong khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng đều đem lại cảm giác bình yên lạ kỳ, tựa như được quay ngược thời gian trở về những năm tháng xưa cũ.
Không gian linh thiêng trầm mặc
Được xây dựng năm 1070 vào đời vua Lý Thánh Tông nhằm tôn thờ Nho học, sau đó Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trở thành nơi tổ chức khoa thi, hướng đến mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những người tài giỏi để bổ nhiệm làm quan, cùng tham gia xây dựng đất nước. Trải qua cả ngàn năm với biến thiên lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn là một trong những di tích đặc biệt nằm giữa lòng Thủ đô văn hiến.
 Tháng-2010, Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 5-2011, Tổng giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia.
Tọa lạc trên khu đất được coi là có vị trí đắc địa, bốn mặt đều là những con phố đông người. Cổng chính (phía Nam) là phố Quốc Tử Giám, phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng và phía Đông là phố Văn Miếu. Cả 4 phía đều là những phố chính đi lại như mắc cửi, nhưng Văn Miếu vẫn không mất đi vẻ đẹp yên tĩnh trầm mặc vốn có. 
Được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bằng gạch vồ xây bao quanh, phía trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia thành 5 lớp không gian, mỗi lớp lại có những công trình kiến trúc khác nhau. Khi bước chân vào nơi đây, mọi ồn ào bụi bặm của cuộc sống đô thị dường như đều bị rũ bỏ sau lưng. Không chỉ người Việt, mà cả du khách quốc tế khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn có chung cảm giác thật bình yên trong không gian vừa cổ kính, trầm mặc ở “ngôi trường đại học đầu tiên của đất Việt”.
Ngoài 2 di tích chính, quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có: hồ Văn, vườn Giám, khu vực đặt 82 bia tiến sĩ. Tổng thể kiến trúc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phía trong chia thành nhiều lớp không gian, mỗi lớp lại có những công trình kiến trúc khác nhau.
Nếu đi từ cổng chính vào, kiến trúc đầu tiên có thể thấy là cổng Văn Miếu, tiếp đến là Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và trong cùng là cổng Thái học. Hầu hết các công trình kiến trúc tại Văn Miếu đều là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Trong số đó không thể không nói tới Khuê Văn Các.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Bảo vật quốc gia ảnh 1 “Sĩ tử” ngày nay khi ra trường đều đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tri ân các bậc tiền nhân. 
Đây là một lầu vuông 8 mái bao gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ, có chiều cao gần 9 mét. Công trình này được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều nhà Nguyễn cho khởi công xây dựng vào năm 1805 trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng.
Với kiểu dáng kiến trúc hài hòa và độc đáo với 4 cột trụ vuông mỗi cạnh của trụ, trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi, cầu kỳ, tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thiếp vàng và những hình trang rất đẹp mắt. Khuê Văn Các nổi bật bởi sự tinh tế trong thiết kế đặc trưng rất riêng mang phong cách Hà Nội. Kiến trúc này từ lâu đã trở thành một trong những biểu trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, cũng đồng thời là hình ảnh mang thương hiệu Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện quốc tế.
Giá trị thẩm mỹ của kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được tạo bởi không gian kiến trúc đột phá, hòa quyện với không gian xung quanh nó, mà hơn nữa là sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, là thành phẩm của công trình kiến trúc vĩnh cửu trước thời gian. Đó là một hệ thống văn hóa tinh thần bao quanh kiến trúc, là sự kết hợp trọn vẹn của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần với sự cảm nhận sâu sắc về đạo lý của người xưa gửi gắm qua giá trị thẩm mỹ của kiến trúc. Dưới góc nhìn văn hóa, một ngôi trường đại học cổ xưa này hội tụ tất cả tinh hoa của kiến trúc (nghệ thuật biểu hiện), mỹ thuật (nghệ thuật tạo hình) và tất cả những gì văn hóa nhất để hiền tài đất nước hướng về cội với lòng thành kính nhất mực.

Tỏa sáng tinh thần hiếu học
So với vẻ đẹp hoành tráng của Khuê Văn Các, những tấm bia đá ở đây mang vẻ đẹp kín đáo, thâm trầm hơn. Một vẻ đẹp đầy kiêu hãnh trường tồn sau nhiều lần dâu bể. Nhiều tấm bia bị mài mòn, sứt mẻ, gây vỡ, xáo trộn nhưng không khó để cảm nhận được vẻ đẹp của pho sử đá này. Không chỉ mang ý nghĩa lưu danh khuyến khích hiền tài giúp nước, văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn đóng vai trò là sử đá của nền giáo dục khoa cử Việt Nam. 
Không chỉ là văn bản mang tính chất lưu trữ thông tin, các bài văn ký bia tiến sĩ ở Văn Miếu còn là những áng văn chữ Hán viết theo thể biền ngẫu. Mỗi bài đều có những đóng góp đặc sắc cho di sản văn học nước nhà, với tấm lòng của tác giả văn bia muốn truyền đến cho lớp lớp mai sau những lời khích lệ rất thiết tha, và đây thực sự là những tác phẩm văn học truyền đời.
Các tấm bia ở Văn Miếu nói chung được khắc dựng rất công phu, có giá trị về điêu khắc và thư pháp cao, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Từ những giá trị lịch sử, văn hóa đó mà các bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám suốt nhiều thế kỷ nay đã truyền được tinh thần của người xưa gửi gắm trên những phiến đá, từ đó khích lệ lớp hậu sinh vươn lên học tập, xứng đáng với người xưa, góp phần dựng xây đất nước. 
Những bài ký trên bia còn chỉ ra những bài học, cách thức tu dưỡng để trở thành con người có ích cho quê hương, đất nước. Những lời khuyên về lối sống, tu dưỡng rất cụ thể, chân thành, bởi đó chính là kết tinh, trải nghiệm của người viết, là tâm huyết đối với hậu thế, với giang sơn đất nước... Những bài học, kinh nghiệm sống của cha ông, của thế hệ trí dũng, tài đức lưu lại trên bia đá được kiểm nghiệm, minh chứng qua thời gian. Đó là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý cho mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, để phát triển bền vững đất nước.
Không quá nếu ví von Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một ngôi sao tỏa sáng tinh thần truyền thống hiếu học của người Việt, là nơi ghi nhận những thông điệp xuyên thời gian mà cha ông ta gửi lại về giáo dục, đào tạo, trọng dụng trí thức và nghĩa vụ, trách nhiệm của trí thức đối với nhân dân, đối với đất nước. 
Vì thế, ngày nay bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia tiến sĩ. Quanh năm, di tích này không khi nào vắng khách và đây cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục.

Các tin khác