Ước mơ xuất khẩu phim mù mịt

(ĐTTCO) - Sau khi đạt kỷ lục về doanh thu, bộ phim “Em chưa 18” một lần nữa lại khiến công chúng nắc nỏm khi ê-kip làm phim tuyên bố đã có đối tác Hàn Quốc muốn mua kịch bản để làm lại tại xứ sở củ sâm. 
Đối tác ấy là một hãng phim ăn nên làm ra hay một người quen biết xã giao chưa ai nắm rõ. Thế nhưng, cho dù đó chỉ là chiêu trò khua chiêng gióng trống đánh bóng tên tuổi, ít nhiều cũng cho thấy giới điện ảnh nước ta đã có giấc mơ xuất ngoại.

Trên đời không có ai bị đánh thuế giấc mơ. Cho nên giấc mơ một phim Việt được mua kịch bản để làm lại rất đáng gọi là giấc mơ tuyệt vời. Xưa nay, nghệ thuật thứ bảy nước ta chuyên lẽo đẽo đi mua kịch bản của thiên hạ để làm lại. Giấc mơ của “Em chưa 18” rất đáng ủng hộ, nhưng không dễ trở thành hiện thực. Bởi lẽ, kịch bản của bộ phim rất đơn giản và manh mún, tính hấp dẫn duy nhất nằm ở cách dàn dựng trào lộng theo Hoa Kỳ với nhịp điệu nhanh và đánh vào tâm lý khán giả trẻ. Trong khi hầu hết những nhà làm phim của Hàn Quốc đều được đào tạo tại Hoa Kỳ và làm phim theo văn hóa của họ. Cho nên họ có mua bản quyền cũng mua lại những phim của Hoa Kỳ, chứ không bao giờ mua lại phim “giống như Hoa Kỳ”.
Ước mơ xuất khẩu phim mù mịt ảnh 1
Một nền điện ảnh muốn phát triển, phải trông cậy vào 2 ưu điểm. Thứ nhất, giành được sự tôn vinh ở những giải thưởng uy tín. Thứ hai, có sản phẩm xuất khẩu sang các nước khác. Bước thứ nhất sẽ thúc đẩy bước thứ hai, chứ không có chuyện ngược lại. Vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng nhờ vào nỗ lực tiếp thị, cũng có vài phim Việt được trình chiếu ở những kênh truyền hình quốc tế như “Bẫy rồng”, “Dòng máu anh hùng” hoặc “Lửa phật”. Và chính các nhà làm phim cũng thừa thông minh để biết rằng, thị trường quốc tế sẽ góp phần tăng doanh thu cho từng bộ phim. Dù phát hành còn hạn chế nhưng 2 bộ phim “Chung cư ma” và “Ngủ với hồn ma” cũng trình chiếu được ở Campuchia và một số nước láng giềng.  

Giấc mơ xuất ngoại của bộ phim “Em chưa 18” dù hơi bay bổng, nhưng cũng là một gợi ý cho điện ảnh Việt. Muốn bán kịch bản cho nước ngoài làm lại, trước hết phải xây dựng được một công nghệ sản xuất kịch bản. Đội ngũ biên kịch của nước ta vừa thiếu lại vừa yếu, và phải có chiến lược khắc phục ngay lập tức. Biên kịch phải được xem là một nghề, được đào tạo bài bản và được đãi ngộ đúng mức. Hiện tại, thu nhập của biên kịch rất bấp bênh và đầy may rủi. Chính thái độ định giá tùy tiện kịch bản, đã nảy sinh những biên kịch ăn xổi ở thì, sao chép nội dung lung tung và chắp vá ý tưởng bát nháo. Khi chưa có kịch bản điện ảnh nào được trả đến nhuận bút khoảng 1 tỷ đồng và thù lao biên kịch phim truyền hình dựa vào số tập dông dài, khi đó giấc mơ xuất khẩu phim Việt vẫn mông lung mịt mùng. Khi đã có một thế hệ biên kịch giỏi nghề và tâm huyết, chắc chắn sẽ có chuyển biến lớn cho chất lượng phim Việt. 

Các tin khác