Ứng xử với di sản nhà cổ

(ĐTTCO) - Thỉnh thoảng dư luận lại xôn xao khi có thêm một nhà cổ bị tháo dỡ. 
Và tâm lý chung của cộng đồng khi thấy mất mát một giá trị văn hóa và chứng kiến một nhà cổ không còn cơ hội tồn tại lại tiếc nuối. Tuy nhiên, để có giải pháp khả quan hơn cho nhà cổ lại không hề đơn giản.
Phải biết trân trọng
Theo thống kê, hiện tại TPHCM còn khoảng 1.350 nhà cổ, trong đó con số thuộc sở hữu tư nhân không nhỏ. Ngoài hai công trình hoành tráng, là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và biệt thự Phương Nam có ba mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu ở quận 3, phần lớn nhà cổ ở đô thị lớn nhất nước này đều đối diện nhiều trở ngại về bảo tồn và thay đổi công năng. 
TS. khảo cổ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Có một thực tế là chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Tại TPHCM, các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện chương trình Bảo tồn cảnh quan biệt thự, trong đó việc đánh giá thực trạng chất lượng và giá trị những ngôi nhà cổ, biệt thự xưa mất nhiều thời gian, công sức và phức tạp về chủ sở hữu. Nhưng kể cả khi đã có quy định cụ thể về bảo tồn và xếp hạng di tích, những ngôi nhà cổ vẫn rất cần nhà đầu tư hiểu biết và trân trọng giá trị của những di sản này. Có như vậy, chúng ta mới có thể đầu tư vào việc trùng tu tôn tạo, bảo tồn để gìn giữ và tăng giá trị di sản, đồng thời có thể chuyển đổi công năng để thu được lợi nhuận từ giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện và hoàn thiện chính sách, luật pháp như rút ngắn quy trình hoàn tất hồ sơ, ưu đãi về thuế cho việc mua bán, sang nhượng với mục đích bảo tồn kiến trúc cổ”.
Thực tế cho thấy, nhà cổ hiện diện đến hôm nay đều có ý nghĩa lịch sử về sự phát triển của vùng đất phương Nam. Thí dụ, ở Bình Dương có cụm nhà cổ gồm 3 ngôi nhà nằm cách nhau trên khu đất giữa một bên là đường Đinh Bộ Lĩnh, một bên là chợ Phú Cường (thành phố Thủ Dầu Một). Tính từ sông Sài Gòn trở lên, lần lượt là nhà các ông Trần Văn Hồ, Trần Văn Tề và Trần Công Vàng, chủ nhân của ba ngôi nhà này đều có quan hệ huyết thống với nhau. 
Nhà ông Trần Văn Hồ xây vào năm 1890, nhà ông Trần Văn Tề năm 1895 và nhà ông Trần Công Vàng dựng năm 1835.  Về kiểu thức kiến trúc, ngoại trừ nhà ông Hồ, hai ngôi nhà kia đều theo lối chữ đinh, có sân con và cầu nổi.
Nhà ông Tề theo kiểu chữ đinh thuận, còn nhà ông Vàng theo lối chữ đinh nghịch. Nhà ông Vàng thiết kế theo hình chữ nhật, gồm 8 căn 2 chái (8 cột, 8 dầm, 8 khuyết), dài 24m, ngang 22m, diện tích sử dụng khoảng 500m2.
Mái khá thấp so với kiến trúc hiện nay, nhưng bên trong lúc nào cũng thoáng mát nhờ bốn phía đều có cửa sổ. Nền nhà lát gạch tàu. Vật liệu xây dựng chủ yếu là các loại danh mộc như sao, cẩm lai, mun, huỳnh đường… Có cả thảy 6 hàng cột với 48 cây. Giàn kèo đều được chạm trổ hình đầu rồng có những con dơi bám vào rất tinh vi. Nhưng đặc biệt hơn cả là giàn kèo cột đều được vào mộng, toàn bộ ngôi nhà không sử dụng một cây đinh.   
Ứng xử với di sản nhà cổ ảnh 1 Nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ.
Hiếm hoi còn sót lại
Ở miền Tây Nam bộ, có hai nhà cổ nổi tiếng từng xuất hiện trong bộ phim “Người tình”, là nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ và nhà cổ Sa Đéc - Đồng Tháp. Nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa được xây dựng từ năm 1870. Nhà kiến trúc theo kiểu Pháp với nền nhà được nâng cao 1m so với mặt sân, có bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt uốn khá đơn giản trông ngôi nhà có vẻ thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi. Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ, đen lót nền nhà cùng hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và chở từ Pháp sang.
Ứng xử với di sản nhà cổ ảnh 2 Nhà cổ Sa Đéc - Đồng Tháp. 
Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn ở ĐBSCL, thể hiện khá đầy đủ những đặc trưng về nhà ở nông thôn khu vực này ở thế kỷ trước. Đó là nhà luôn gắn với vườn với hơn 6.000m2/8.000m2 toàn khuôn viên, rộng 22m, dài 16m. Tiền sảnh dùng để tiếp khách không chia thành các phòng nhỏ, hai cửa hậu thông ra khu nhà ở phía sau, sân rộng có lát gạch tàu có đủ hòn non bộ, chậu kiểng, cổng tam quan, khu nuôi thú…
Còn nhà cổ Sa Đéc được xây dựng vào năm 1860. Ngôi nhà có bề ngang 18,7m, dài 16m, cao 7m, trên lợp ngói, cấu trúc theo kiểu ba căn hai chái bát dần (gọi là kiểu nhà tám đấm, tám khuyết), làm toàn bằng gỗ căm xe. Nhà có mái hiên với hàng cột vuông tám cây, cây nào cũng đục, khắc chữ Hán. Sau hàng cột vuông là hàng cột tròn, to, cao, uy nghi đường bệ.
Ngay giữa bao lơn rộng lớn là một bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Ngăn giữa bao lơn và gian trong là vọng cửa với ba cửa lớn có hoa văn được chạm trổ rất công phu, đường nét sắc sảo, tinh tế. Ngay gian giữa nhà là nơi thờ tổ tiên với tủ thờ, giường thờ, đồ thờ, lư đồng, bên trên có một tấm bảng sơn son thếp vàng ghi dòng chữ Nguyễn phủ đường. Hai bên là tủ thờ của người trong thân tộc. Gian trong là nơi nghỉ ngơi của gia đình, hai bên chái dùng làm chỗ sinh hoạt thường ngày.     

***
Trước cơn sốt thị trường địa ốc, chủ nhân của nhà cổ cũng muốn tìm kiếm tiện ích mới trên gia sản tổ tiên để lại. Song thật khó bởi khi nhà cổ hư hỏng hoặc chật chội vẫn bắt buộc chủ nhân giữ nguyên hiện trạng.
Nhà cổ Sa Đéc đã được Nhà nước sở hữu, đưa vào kinh doanh du lịch rất hiệu quả. Ngược lại, nhà cổ Bình Thủy chủ nhân vẫn tiếp tục thiết kế thêm nhiều công trình phụ, khiến yếu tố thẩm mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không cân nhắc, nay mai công chúng sẽ khó nhận ra hình bóng nhà cổ họ từng yêu thích qua bộ phim “Người tình”.
Nói vậy để thấy rằng cách bảo tồn nhà cổ hiệu quả nhất là Nhà nước thu mua của tư nhân để quản lý chặt chẽ. Nghe thì đơn giản, nhưng ngân sách không cho phép. Còn để tư nhân tự ý sửa chữa chẳng mấy chốc sẽ phá hỏng toàn bộ không gian văn hóa của nhà cổ. Kinh nghiệm ở Hội An là chính quyền hỗ trợ kinh phí trùng tu theo từng vị trí và tầm vóc nhà cổ. Liệu TPHCM và các tỉnh thành khác có thể áp dụng cách làm của Hội An?

Các tin khác