Truyền thông chi phối show biz

(ĐTTCO) - Khi các chương trình tương tác chiếm lĩnh toàn bộ sóng truyền hình, thì hoạt động truyền thông về show biz cũng phải có sự dịch chuyển tương thích. 

Từ ca sĩ, diễn viên cho đến người mẫu, danh hài đều chen chân vào game show như cơ hội để tỏa sáng trước công chúng. Chưa bao giờ vai trò của những nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ được đòi hỏi như bây giờ.

Một sự thật không thể phủ nhận, đó là các công ty tư nhân đã gần như nắm giữ hoàn toàn dây chuyền sản xuất những chương trình giải trí. Công ty lớn chiếm lĩnh sóng truyền hình, còn công ty nhỏ nắm giữ các sự kiện. Hầu hết thông tin về thành phần nghệ sĩ hoặc nội dung tiết mục đều do các công ty tư nhân đưa ra dưới dạng… thông cáo báo chí. Dù đơn vị truyền hình có sức ảnh hưởng như VTV (Đài truyền hình Việt Nam), HTV (Đài truyền hình TPHCM) hoặc THVL (Đài truyền hình Vĩnh Long), sức bao quát của biên tập viên nằm trong biên chế cũng thua xa… nhân viên PR các công ty giải trí. Bất cứ sự cố không hay nào xảy ra, dư luận muốn truy vấn đài truyền hình luôn nhận được những câu trả lời ỡm ờ, vì họ còn phải thương lượng với các công ty tư nhân. Hiện tại, chỉ còn vài lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương hoặc hát bội, dân ca các công ty tư nhân không mặn mà đầu tư. Những kiểu game show từ hát hò đến tấu hài đều được nên hình nên dáng bên ngoài cánh cổng đài truyền hình. Vì vậy, đài truyền hình đâu cần người giỏi chuyên môn để cân đong giá trị thẩm mỹ. Tiết mục không vi phạm yếu tố chính trị đều lên sóng dễ dàng. Hệ lụy không tránh khỏi, đài truyền hình không cần nhân vật văn hóa tầm cỡ nữa, hoặc nếu có cũng đành nhún nhường lép vế trước những vị “giám đốc âm nhạc” hoặc “giám đốc sản xuất” được các công ty tư nhân ủy quyền. Nghe qua có vẻ khó tin, nhưng nhìn lại thực tế rõ ràng như vậy. 
Truyền thông chi phối show biz ảnh 1 Show biz đang cần những nhà báo chuyên nghiệp. 
Thí dụ, để đảm bảo chất lượng âm nhạc trước đây HTV có những tên tuổi như nhạc sĩ Nguyễn Nam hoặc nhạc sĩ Trần Hữu Bích, còn bây giờ có ai đủ uy tín để nói phải, nói quấy với giới âm nhạc? Ngay cả VTV trước đây còn có nhạc sĩ Lương Minh tương đối xông xáo, bây giờ cũng chẳng có ai đủ sức đối thoại về nghề nghiệp với những nhạc sĩ thị trường được các công ty tư nhân thuê mướn. Dẫu bẽ bàng cũng phải thừa nhận, đồng tiền đang chi phối đời sống nghệ thuật. Và những nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ cũng rơi vào vòng xoáy ấy. Một game show mới, một album mới hoặc một bộ phim mới đều xuất hiện trên báo chí với nội dung na ná nhau. Không ít nhà báo có điều kiện đã nhảy ra thành lập công ty tư nhân để theo đuổi công nghệ lăng xê, và dùng mối quan hệ sẵn có để bơm vá hào quang cho những nghệ sĩ cánh hẩu. Còn những nhà báo văn hóa - văn nghệ khác đụng mặt nhau chan chát ở các buổi họp báo. Cầm một chút quà mọn, cầm một chút chi phí xăng xe và cầm thông cáo báo chí viết sẵn, cứ thế các nhà báo tác nghiệp với chủ đạo là khen ngợi tíu tít. Phim không cần xem, nhạc không cần nghe, sách không cần đọc… nhưng những bài viết đầy mỹ từ thơm phức vẫn xuất hiện dày đặc trên các trang báo.  Không có gì đáng buồn hơn thực trạng càng ngày càng thiếu vắng nhà báo có tiếng nói riêng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Thảm cảnh ấy không chỉ được thiết lập bởi những phóng viên trẻ nông nổi và a dua, mà còn bởi tâm lý ngại va chạm của những nhà báo quen việc quen tay. Nhà báo nào muốn viết theo ý mình, lập tức bị các công ty tư nhân tẩy chay. Nghĩa là nhà báo ấy sẽ không được mời họp báo, không được cung cấp hình ảnh, không được cung cấp thông tin, thành ra bơ vơ giữa chính môi trường nghề nghiệp của mình. Thậm chí, còn hình thành cả “nhóm lợi ích” của các nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ, liên kết với nhau để thổi phồng nghệ sĩ nọ hoặc đè bẹp nghệ sĩ kia. Cái “thế lực ngầm” của nhà báo trong giới show biz rất đáng lên án, nhưng dường như các tòa soạn vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để giảm thiểu vấn nạn này.  Không phải ngẫu nhiên một vài nghệ sĩ có thể phát ngôn gây sốc hoặc tung tẩy hình ảnh trên các trang báo, nếu không có sự hồn nhiên xen lẫn toan tính của các nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Nghệ sĩ X thuộc hạng tầm thường ra phi trường lúc nửa đêm để đi nước ngoài cũng có tin, bài trên báo điện tử, phải lý giải như thế nào? Phóng viên tích cực săn tin lúc đang ngái ngủ ở nhà chăng? Nói cho mạch lạc, thông tin và hình ảnh ấy do chính ê-kíp của nghệ sĩ X gửi cho phóng viên thân thích, và phóng viên cứ thế đưa lên báo. Bên cạnh năng lực vừa thiếu vừa yếu của đội ngũ nhà báo lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, còn có yếu tố nữa là… sự sụt giảm kinh tế báo chí. Nhuận bút vài ba trăm ngàn có đủ để nhà báo nhẫn nhịn cúi xuống bản thảo để có tác phẩm báo chí ra ngô ra khoai? Cứ lượm lặt, cứ tùy tiện cho xong. Chẳng mấy chốc, không ít phóng viên giông giống như người phát ngôn của ca sĩ, hoặc tự nguyện thành… nhân viên PR giá rẻ của các công ty tư nhân. Thật cay đắng khi những nghệ sĩ có nguồn tài chính dồi dào đã hình thành ý thức bỏ tiền để chi phối các nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ. Hình ảnh những phóng viên lon ton theo hầu các ngôi sao không đáng để nhắc đến, mà đáng bàn hơn là đã có nghệ sĩ cậy danh cậy tiền đã nghênh ngang diễu võ dương oai để thể hiện quyền lực. Minh chứng cụ thể nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi nghe nhà báo HT bình luận không có lợi cho mình, đã lớn giọng đay nghiến: “Anh hiểu vì sao trong danh sách các nhà báo Công ty THV của tôi thường mời tham dự các sự kiện từ lâu không có tên anh rồi chứ”. Sự ngạo mạn Đàm Vĩnh Hưng chính là lời cảnh tỉnh cho sự bát nháo giữa truyền thông và show biz hôm nay. Game show nhảm nhí lên ngôi, khi chất lượng truyền thông xuống thấp. Các nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ không thể phủ nhận trách nhiệm của mình trước thảm trạng nhí nhố các loại ngôi sao thị trường. Để thoát khỏi hiện thực ê chề ấy, không phải không có cách. Khi các nhà báo có đủ tự tin về năng lực phân tích giá trị thẩm mỹ nghệ thuật họ sẽ có thể vun đắp lòng tự trọng nghề nghiệp. Đã đến lúc các đài truyền hình và các tòa soạn phải ý thức sâu sắc rằng, truyền thông không thể nương theo show biz mà phải đồng hành với show biz và dẫn dắt cho show biz.

Các tin khác