Trung thu của hoài niệm

(ĐTTCO) - Sau nhiều ngày trời nắng gắt như đổ lửa, những cơn gió heo may đã đưa mùa thu trở về với Hà Nội. Những hàng bánh trung thu tấp nập hơn, rồi bưởi, rồi hồng, cả những nia cốm mỏng tang, xanh mướt của làng Vòng theo chân các bà, các chị vào phố cũng khiến thu đến gần hơn. 
 
Ký ức trong từng nếp giấy bồi
Sau nhiều năm bị xao nhãng bởi nhịp sống hối hả của kinh tế thị trường, không khí của Trung thu truyền thống đang dần trở lại trong những chiếc đèn ông sao, đèn cù bọc giấy óng ánh, trong hương bánh nướng nhân thập cẩm lá chanh… Thương và nhớ những mùa trông trăng đón chị Hằng của nhiều năm trước.
Nhớ ngày xưa, mỗi lần gần đến Trung thu đám trẻ con trong xóm nhộn nhịp, háo hức lắm. Trước Trung thu cả tuần bọn con trai đã bày ra đủ thứ vật dụng thu lượm được như lon sữa, lon bia, để chế ra đủ kiểu đèn chơi trăng. Đứa nào được bố mẹ sắm cho một chiếc đầu sư tử giấy bồi trên phố hàng Mã là một món quà vô cùng xa xỉ và có quyền vênh vang, bởi kiểu gì cũng được đi đầu đám rước quanh xóm…
Vài năm gần đây, đồ chơi truyền thống đang dần trở lại trong dịp Tết Trung thu. Tại các tuyến phố chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em ở Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân… lại tấp nập, rộn ràng người bán, người mua những loại đồ chơi dân gian, như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ, trống cơm, đèn con cá, đèn lồng… Tuy rằng đồ chơi truyền thống không còn giữ được nguyên vẻ đẹp mộc mạc, chân chất và cũng không giữ được cách làm của cha ông trước đây. 
Có một nghệ sĩ nhiếp ảnh đau đáu với Trung thu xưa chia sẻ rằng, làng Gạo (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) - một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm đầu sư tử trong tết Trung thu xưa - giờ đây chỉ còn một vài hộ quyến luyến giữ nghề. Vẫn là nan cốt bằng tre đan, nhưng thay vì kiểu làm truyền thống bồi giấy nhiều lớp để có được bộ khung chắc, bền thì đến nay giấy thủ công được thay bằng vải lót, kim sa óng ánh…
Đầu sư tử nhẹ hơn, làm nhanh hơn nhưng chúng lại óng ánh giống như kiểu đầu lân Trung Quốc đang bày trên các phố… Hay những người thợ làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) với nghề làm trống, làm mặt nạ có từ hơn 100 năm trước, cũng phải trải qua nhiều biến động nhưng vẫn gắng giữ hồn cốt của nghề. 
Mặc dù các đơn đặt hàng mới chỉ được khôi phục mấy năm gần đây, công việc lại đòi hỏi sự kỳ công, kiên nhẫn cao độ, nhưng những gia đình nhiều đời làm nghề này vẫn quyết giữ lửa và luôn đau đáu nỗi niềm truyền lại cho thế hệ sau. Chạnh lòng đôi chút song những người đang níu giữ nét xưa vẫn cảm thấy vui bởi vẫn nhiều trẻ em tìm thấy sự hấp dẫn từ những món đồ chơi truyền thống ấy.

Bày cỗ, trông trăng
Mỗi năm qua đi, Tết Trung thu lại thay đổi một chút. Trung thu xưa giờ đây đã trở thành hoài niệm đối với rất nhiều người, vì Trung thu nay đã khác rất nhiều. Trong ký ức của những đứa trẻ đời 8x, đầu 9x, chắc hẳn Trung thu thật khác với ngày nay. Nào là háo hức được sở hữu chiếc đèn ông sao, háo hức được bố mẹ mua chiếc bánh nướng heo quay nhỏ xíu, bánh dẻo hình con cá trắng tinh, hoa quả, bánh trái đầy mâm. Giữa sân của những khu tập thể là mâm cỗ khổng lồ lung linh đèn, nến.
Trung thu của hoài niệm ảnh 1 Trẻ em luôn thích thú với những lễ hội Trung thu truyền thống.
Mâm cỗ Trung thu truyền thống ngày nay đã giản tiện hơn nhiều so với trước kia. Nghệ nhân Trịnh Bách, một người đam mê với văn hóa dân gian của dân tộc, chia sẻ không khí vui Tết Trung thu của Hà Nội- Kẻ Chợ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có nhiều hoạt động rất khác với ngày nay. Sinh kế khi ấy vất vả, thậm chí bữa đói, bữa no nhưng đến ngày rằm tháng 8 dù khó đến mấy, các mẹ, các chị đều cố gắng sửa soạn mâm đón trăng nhỏ nhỏ.
Thông thường, mâm cỗ Trung thu cổ truyền thường có ngũ quả với chuối, bưởi, na, hồng đỏ, hồng ngâm, còn có cốm làng Vòng, trà ướp sen và cặp bánh nướng, bánh dẻo. Từ buổi chiều, lũ trẻ đã xúm quanh bà, quanh mẹ để xem tỉa hoa, làm chó cún bằng bưởi… Con chó bưởi ấy được bày trong một chiếc giỏ tre xinh xắn, nếu đứa trẻ nào may mắn có được thì vênh vang lắm. Dù thèm hoa quả đến mấy cũng không dám phá chó bưởi mà nâng niu như một báu vật, để rồi 2 hôm sau rằm nước mắt vắn, dài vì những tép bưởi bị hỏng, chảy ướt nhượt.
Mâm cỗ Trung thu theo trí nhớ của nghệ nhân Trịnh Bách, không chỉ có hoa quả mà còn những con giống bột. Những con giống được làm bằng bột nhưng lại có những kỹ thuật làm khác nhau tùy từng vùng. Ở khu trung tâm Hà Nội, con giống bột được làm bằng bột hoành tinh (sau này được thay bằng bột năng) pha nếp, có thể để được một thời gian dài. Ở Phú Xuyên (ngoại thành Hà Nội nay), con giống bột được nặn sau đó hấp lên và có thể ăn được. Tết Trung thu của những năm trước, khi đêm rằm tháng 8 trăng sáng vằng vặc ngồi ngoài hiên nhà có thể nhìn rõ chị Hằng với chú Cuội ngồi gốc cây đa. Nhưng nay, thành phố lấp lánh ánh đèn với những chung cư cao tầng. Vì thế việc bầy cỗ trông trăng cũng giản tiện hơn nhiều. Thậm chí nhiều nhà bỏ hẳn thói quen bày cỗ. 
Gần đây, trào lưu bày cỗ trông trăng lại bắt đầu xuất hiện trở lại. Ban đầu chỉ là hoạt động bày cỗ tự phát ở một vài khu phố, ở trường mẫu giáo, rồi dần dà, các bảo tàng cũng tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tái hiện cách làm đồ chơi truyền thống.

Trung thu xưa với những điều giản dị
Cùng trong trào lưu tìm về những ký ức một Trung thu xưa dịu dàng, yêu dấu, năm nay người Hà Nội có một lễ hội rất lớn mang tên “Thu vọng nguyệt” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Diễn ra trong 3 đêm 29, 30-9 và 1-10 “Thu vọng nguyệt” với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ được xem là bản hòa tấu Trung thu đa sắc màu, đánh thức mọi giác quan bằng sự giao thoa hòa quyện của các chất liệu xưa - nay, cũ - mới, truyền thống và hiện đại.
Các trò chơi truyền thống sinh động, hấp dẫn được tái hiện gồm: nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác thực tế với các nghệ nhân như: làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị. Hàng trăm nghệ nhân khắp Việt Nam cùng tham gia trình diễn nghệ thuật cắt tỉa và sắp đặt rau củ quả, mâm cỗ Trung thu Hà Nội xưa, làm bánh Trung thu truyền thống hay đùm cốm lá sen cùng các em nhỏ.
Không chỉ mang đến một sân chơi thuần túy, “Thu vọng nguyệt” còn là cơ hội để các thành viên nhiều thế hệ ngồi lại với nhau trong một không gian mang tính giáo dục ngược dòng lịch sử, tìm về ngày Tết Trung thu xưa qua hồi ức, tư liệu của nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, TS. Nguyễn Nhã, nghệ nhân phục dựng Trịnh Bách chia sẻ về một mâm cỗ Trung thu xưa với những món quà được xem là thất truyền trong ngày Tết Trung thu của ngày hôm nay. Các hoạt động trên được diễn ra tại Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây.
Đâu đó trong những khu tập thể cao tầng trong những ngày này vẫn vang lên tiếng trống ếch, trống bỏi tạch tạch, tạch tạch… lúc khoan lúc nhặt. Tuy không rộn ràng, tưng bừng như trước nhưng cũng đủ để ngày Tết trông trăng không trôi nhanh đầy tiếc nuối.

Các tin khác