Trò chơi trí tuệ và thượng võ

(ĐTTCO) - Trò chơi dân gian là kết tinh trí tuệ được sàng lọc qua bao đời, mang vẻ đẹp nhân văn, nghệ thuật giải trí. Trò chơi dân gian còn giàu cá tính sáng tạo, mang tinh thần thượng võ, gắn liền với những nhân vật lịch sử chống ngoại xâm.

 Mới đây, một số trường THPT tại TPHCM đã tổ chức thành công ngày hội trò chơi dân gian bằng diễn xướng các tác phẩm văn học. Đây là mô hình cần nhân rộng, giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế từ kho tàng văn hóa cổ truyền.

1. Trò chơi dân gian là món ăn tinh thần lành mạnh không thể thiếu, nhất là những người sinh ra ở làng quê. Làm sao có thể quên được những trò chơi như chi chi chành chành, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ, mèo bắt chuột, nhảy lò cò, nhảy dây, bắn bi, đánh đáo, ném lon, kéo co, cướp cờ, đấu vật, oẳn tù tì, tập tầm vông… Một cái ôm vô tình. Một cú đá, giật, ném làm đau bạn. Một cơn giận dỗi khi thấy mình bị ăn gian. Một tràng cười hả hê khi phe mình chiến thắng. Tất cả đã trở thành kỷ niệm sống động trong ký ức như khúc mía, củ khoai, củ sắn lùi hay con cá, con tôm đồng nướng.
Ngoài những trò chơi phổ biến mỗi vùng quê còn có những trò chơi mang tính đặc thù. Có trò chơi thành chủ đề lễ hội văn hóa truyền thống, mang triết lý nghệ thuật rèn binh, dụng binh, tinh thần thượng võ của người xưa.
Điển hình như đánh phết ở Hiền Quan, Phú Thọ, một trò chơi do nữ tướng tài sắc dưới trướng Hai Bà Trưng là công chúa Thiều Hoa sáng tạo. Bà sinh trưởng trong gia đình nghèo khó ở động Lăng Xương nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ mất sớm, Thiều Hoa tự bươn chải kiếm sống, có sức khỏe hơn người, đấu vật hạ tất cả bạn bè trai gái cùng trang lứa.
Bà được nhà sư trụ trì chùa Hiền Quan cưu mang, chỉ dạy phật pháp và võ nghệ. Gan dạ và mưu trí, Thiều Hoa luôn bày ra nhiều trò chơi cho bạn chăn trâu, trong đó có trò đánh phết. Người chơi chia làm 2 phe. Quả phết làm từ quả bướng đặt giữa bãi đất trống. Mọi người dùng gậy bằng tre tranh nhau giành quả phết và đẩy sang làm sao cho rơi vào hố đối phương, sẽ thắng. 
Từ lâu tại làng này vào ngày 12-13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm diễn ra Lễ hội Phết nhằm tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước, tôn vinh tinh thần thượng võ của nữ tướng Thiều Hoa. Hội phết độc đáo này đã vượt khỏi ranh giới hội làng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng người Việt hướng về Đất Tổ.
Trò chơi trí tuệ và thượng võ ảnh 1 Cờ lau tập trận trong lễ hội Hoa Lư. 
2. Gần 900 năm sau trò đánh phết của Thiều Hoa ở Đất Tổ, tại Hoa Lư xuất hiện trò chơi cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh. Ông là con của tướng quân Đinh Công Trứ dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Cha mất khi Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, phải theo mẹ về sống trong động Hoa Lư bên cạnh đền Thần Núi, cắt cỏ chăn trâu ngoài thung lũng. Nhờ thông minh và mạnh mẽ hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được bạn chăn trâu tôn làm thủ lĩnh, bày trò chơi vua tôi, lấy hoa lau làm cờ hiệu đánh trận. Đám trẻ còn chia làm 2 bên tả hữu quần thần đi trước, một số khác cùng khoanh tay giả làm ngai kiệu ông vua trẻ trâu như nghi thức triều đình. 
Hội Cờ Lau diễn ra hàng năm vào các ngày 9-11 tháng 3 Âm lịch để tưởng nhớ các vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc độc lập, tự chủ. Dưới chân núi Mã Yên phía trước cổng đền vua Đinh, khoảng 50-60 thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 đến 16 chia thành 2 đội quân áo trắng và áo đỏ. Người đóng vai Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, mặc áo đỏ, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm kiếm, tay cầm cờ lau chỉ huy đội quân áo đỏ hùng dũng trên chiến trận…

3. Cũng vào mùa xuân, tại xã Đô Lương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên diễn ra Lễ hội đền Phù Ủng tưởng nhớ nhân vật Phạm Ngũ Lão, trong đó có trò chơi dân gian vật cù mà tương truyền vị danh tướng bách chiến bách thắng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn rất thích dùng để rèn luyện sức khỏe và nghệ thuật đánh trận cho ba quân. 
Từ ngày 11-13 tháng giêng âm lịch, lễ hội Đền Phù Ủng được tổ chức với những nghi thức trang nghiêm, diễn xướng sinh động.
Vật cù là trò chơi đặc sắc nhất lễ hội, với dụng cụ là quả cù hình tròn bằng gỗ mít hoặc gỗ sung, đẽo bào nhẵn sơn đỏ, nặng độ 6-8kg. Sân chơi chia làm hai phần cho hai đội, với mỗi đội từ 8-12 vật thủ là những trai làng khỏe mạnh. Trên đầu các vật thủ quấn khăn có màu sắc khác nhau, cởi trần, đóng khố. Giữa sân chơi kẻ một đường trung tuyến làm ranh giới nửa sân Đông và nửa sân Đoài, hoặc nửa sân Nam và nửa sân Bắc. Chính giữa đường ranh khoét một lỗ rộng vừa hai người đứng và quả cù ở giữa gọi là lỗ cái, còn cuối sân mỗi bên đào một lỗ gọi là chuồng cù. 
Người điều khiển cuộc chơi là tổng cờ, tuổi cao đức trọng trong làng, mở đầu bằng tiếng hô lớn: “Bớ trai giáp Đông! Bớ trai giáp Đoài!” và một tiếng “Dạ” đồng thanh vang dội của cả hai đội. Rồi ông tổng cờ giơ cao dùi trống đọc dõng dạc xúc động: “Thiên hạ thái bình/ Dân tình hoan hỉ/ Trai gái tráng dũng/ Chuẩn bị quốc phòng/ Cho xứng Lạc Hồng/ Nghìn năm rạng rỡ/ Ta đây, Phạm Ngũ Lão/ Nhân kỳ Nguyên đán/ Muốn chọn cuộc vui/ Trước để thử tài/ Sau đem sức kháng địch/ Nếu nước lâm nguy/ Ra quân mà chống chế/ Bớ Đông giáp, bớ Đoài giáp!/ Hãy tỏ lực người trai đất Việt!”. Vừa dứt lời, tổng cờ đánh một hồi trống báo hiệu cuộc chơi đưa cù vào lỗ hai bên bắt đầu.  

Các tin khác